Quảng cáo thuốc giả cực kỳ nguy hiểm

Đây chỉ là một trang web quảng cáo thuốc sai sự thật, nhưng rất nguy hiểm vì giới thiệu một loại thuốc có tên là 'Halipix' chữa 'dứt điểm' bệnh cao huyết áp. Trang này đến nay vẫn tồn tại trên mạng và chắc chắn đã lừa đảo bệnh nhân cả tin...

Dàn dựng kịch bản tạo xì-căng-đan

Cách nay không lâu, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện một bài viết "Vụ bê bối chấn động nhất tuần qua" (vẫn còn trên mạng qua địa chỉ: http://vnedefano.shop) về xì-căng-đan một Phó chủ tịch Hiệp hội dược sĩ Việt Nam có tên là Nguyễn Thị Phương chửi những người trong hội này là "bọn ngu", vì muốn bán loại thuốc chữa "dứt điểm" bệnh cao huyết áp cho người lớn tuổi, mà hiệp hội này giới thiệu là của "Viện Nghiên cứu tim mạch" và người Đức sẵn sàng mua với giá 3.950.000đồng/lọ.

Bài viết mở đầu: "Ngay ngày hôm qua, bà Phương Nguyễn và toàn bộ lãnh đạo của Hiệp hội dược sĩ đã bị cách chức và chính quyền đang mở một cuộc điều tra toàn diện bộ máy này. Để làm sáng tỏ chuyện gì đang thực sự xảy ra, chúng tôi đã mời trưởng khoa Dược thuộc Bộ Y tế, người đại diện cho chuỗi cửa hàng dược phẩm lớn nhất toàn quốc Long Châu, cùng với Giám đốc trung tâm khoa học phẫu thuật tim mạch đến trường quay".

Thực tế cuộc phỏng vấn giả "ở trường quay" này cũng chỉ nhằm quảng cáo cho 1 loại thuốc trị bệnh cao huyết áp mà trang này đánh giá là để cung cấp thuốc với giá 3.950.000đồng/lọ của "Viện Nghiên cứu tim mạch". Người mà trang web này giới thiệu là ông Trần Trọng Hiếu, trưởng khoa Dược thuộc Bộ Y tế, cho biết 3.950.000 đồng/lọ là giá mà họ định xuất khẩu sang Đức và bên mua đã đồng ý. Quả thật ở bên Đức, họ sẵn sàng mua bằng bất kỳ giá nào. Ông Trần Trọng Hiếu còn giới thiệu, đây là "loại thuốc duy nhất trên thế giới có thể hoàn toàn điều trị dứt điểm toàn bộ hệ thống tim mạch quay về trạng thái khỏe mạnh". Ông Hiếu khẳng định: "Giá sản xuất theo tôi được biết là 1.947.000 đồng, phần lớn số tiền tài trợ đến từ Quỹ của Bộ Y tế, và thuốc sẽ đến tay người dùng với mức giá thấp nhất".

Còn ông Trần Anh Khoa, được trang web này giới thiệu là "Giám đốc trung tâm khoa học phẫu thuật tim mạch" khẳng định: "Đây là một loại thuốc mà nhóm chúng tôi đã nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu tim mạch trong hơn 10 năm qua. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã thành công tìm ra một phương pháp độc nhất có thể cải thiện hoàn toàn hệ thống tim mạch của con người. Nói một cách đơn giản hơn là giúp hệ tim mạch bị tổn thương quay trở về trạng thái ban đầu ngay khi người bệnh không may mắc bệnh nghiêm trọng về tim mạch"...

Status được cho là của bà Nguyễn Thị Phương, được giới thiệu là Phó chủ tịch "Hiệp hội dược sĩ Việt Nam" chửi những người trong hội

Ông Khoa khẳng định: Thuốc "làm sạch mạch máu và làm tan các cục máu đông nhờ hợp chất Alpha hydroxy calciferol được phát hiện bởi một chuyên gia người Nhật đoạt giải Nobel sinh học vào năm 2011". Ông Khoa tiếp tục quảng cáo: "Quan trọng hơn, thuốc sẽ tác động đến cả động mạch thiếu máu cục bộ, làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim xuống bằng 0. Tái tạo cơ tim, hồi phục các vùng bị tổn thương do chịu nhiều huyết áp, van tim về trạng thái khỏe mạnh... Phục hồi và củng cố các thành mạch bị tổn thương như nguy cơ vỡ mạch máu và xuất huyết trong não được ngăn chặn. Các mạch quay về trạng thái ban đầu, khỏe mạnh và đàn hồi như thời trẻ. Từ đó toàn bộ hệ thống tim mạch của con người được phục hồi triệt để... Điều quan trọng là bệnh cao huyết áp, vốn là căn nguyên của mọi bệnh về tim mạch, sẽ được loại bỏ hoàn toàn".

Phản khoa học và rất nguy hiểm

Ông Trần Anh Khoa đưa ra một nhận xét rất nguy hiểm nếu người bệnh cao huyết áp nghe theo: "Có một thực tế phũ phàng là nhiều bác sĩ hiện nay đã chọn cách cấu kết với các nhà thuốc để hòng kiếm chác, mà không hề biết rằng những thứ thuốc đó đang khiến bệnh nhân nhanh "sang thế giới bên kia" hơn... Hơn nữa, hầu hết các nhà thuốc bây giờ đều không có loại thuốc điều trị huyết áp nào thực sự hiệu quả cả”.

Đây là quảng cáo phản khoa học hoàn toàn và cực kỳ nguy hiểm nhằm lôi kéo người mua thuốc. Thực tế khoa học chứng minh rằng, bệnh cao huyết áp có thể chữa được bằng rất nhiều loại thuốc tây hiện có và phải uống theo toa của bác sĩ. PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, chuyên gia về phẫu thuật lồng ngực và tim mạch (Đại học Y Dược TPHCM) khẳng định, bệnh tim mạch không thể chữa dứt điểm như quảng cáo này nhưng các loại thuốc tây hiện nay đều có thể điều trị tốt bệnh này.

Cũng theo lời ông Khoa: "Ban lãnh đạo Viện đã quyết định phát động một chương trình mà mọi người, dù ở mức thu nhập nào cũng có thể có được một phương thuốc điều trị tim và mạch máu hiệu quả cao. Nhưng họ đã bị bà Nguyễn Thị Phương từ chối và bà ta cũng muốn ép họ bán Halipix ra nước ngoài. Đó là mục đích thực sự của bà ta. Chúng tôi đã làm việc và nghiên cứu trong suốt 10 năm để giúp đỡ người dân Việt Nam, chứ không phải người Đức hay người Pháp".

Cần mạnh tay xử lý các quảng cáo "thần dược" sai sự thật

Còn lý do "thần dược" này không được bán tại các nhà thuốc, ông Trần Trọng Hiếu (trang web này giới thiệu là trưởng khoa Dược thuộc Bộ Y tế) cho rằng: "Vì lí do bảo mật nên chúng tôi không thể phân phối tới bệnh viện... Trong bức ảnh chụp bài đăng của bà Phương Nguyễn, cũng có thể thấy rõ được rủi ro đó khi họ muốn ăn cắp để bán Halipix sang nước ngoài và lôi kéo những nghiên cứu sinh còn lại. Nếu phân phối tới bệnh viện, chúng tôi sẽ không thể kiểm soát được". Ông Hiếu khẳng định: "Để nhận được Halipix, bạn chỉ cần để lại đơn đăng ký với tên và số điện thoại của mình... Mọi công dân Việt Nam đều có thể đăng ký Halipix và nhận được nó với giá 590.000 đồng". Ông Hiếu còn tung chiêu khuyến khích bệnh nhân nhanh chóng mua thuốc Halipix: "Nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên hiện tại lô thuốc chỉ có 30.000 lọ. Các đợt tiếp theo có thể giá thuốc sẽ tăng lên gấp 4 - 5 lần do không có vốn tự túc. Ước tính giá có thể lên 3.000.000 - 3.500.000 đ/lọ”.

Ông Hiếu tiếp tục tung chiêu câu khách: "Tại thời điểm hiện tại, Viện Nghiên cứu tim mạch chỉ còn 493 lọ từ đợt đầu tiên. Số lượng thuốc còn lại sẽ được giảm ưu đãi cho tất cả mọi người đến hết ngày 22/10/2023". Thế nhưng ngày 22/10, người viết bài này vào trang đăng ký, để lại họ tên, số điện thoại để mua thuốc. Chỉ vài phút sau có điện thoại gọi lại ngay (số ĐT 0938384...) và sẵn sàng bán thuốc với khuyến mãi mua 1 tặng 3 và hướng dẫn liệu trình 1 đến 1,5 tháng. Cách nay gần 2 tháng, người viết bài này cũng từng đăng ký mua (lúc đó trang này còn để đường dây nóng, nay đã gỡ) và cũng khuyến mãi tương tự...

Tất cả đều giả

Thực tế, Bộ Y tế không có chức danh nào là Trưởng khoa Dược - Bộ Y tế. Như vậy chức danh "trưởng khoa Dược thuộc Bộ Y tế" của ông Trần Trọng Hiếu là giả!

Tương tự, ông Trần Anh Khoa được trang web này giới thiệu là "Giám đốc Trung tâm khoa học phẫu thuật tim mạch" cũng vậy, vì không có đơn vị nào tương tự. Ở các bệnh viện lớn chỉ có Khoa Phẫu thuật tim - Lồng ngực mạch máu hay Trung tâm tim mạch ở các bệnh viện lớn. Còn cái gọi là "Viện Nghiên cứu tim mạch" cũng là một viện "ma". Thực tế chỉ có Hiệp hội Dược Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam.

Với cái gọi là "Quỹ của Bộ Y tế" cũng không có thật. Sự thật là Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục đích là để hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước phát triển, trong đó nêu rõ: "Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia". Vậy làm sao một "Viện Nghiên cứu tim mạch" "ma" như trên lại được tài trợ!

Thuốc Halipix chỉ được giới thiệu là do "Viện Nghiên cứu tim mạch" sản xuất mà không hề có giấy phép đăng ký lưu hành thuốc. Trong khi thuốc nhập khẩu lẫn thuốc sản xuất trong nước đều có những quy định rất nghiêm ngặt như về dữ liệu lâm sàng để bảo đảm an toàn... Đặc biệt phải có hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành (hồ sơ đăng ký) theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 32/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 gửi đến Cục Quản Dược - Bộ Y tế (cơ quan tiếp nhận) và hàng loạt yêu cầu khắt khe khác. Với thuốc Halipix không hề có các công đoạn này.

Vậy đó là thuốc gì? Hiện trên thị trường dược phẩm chỉ có Halipix - một loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị giảm mỡ máu mà thôi, chứ không phải thuốc điều trị dứt tận gốc bệnh tim mạch như quảng cáo nêu trên và cũng không phải do "Viện Nghiên cứu tim mạch" "ma" nêu trên sản xuất! Đó chỉ là 1 trang quảng cáo thuốc giả và chắc chắn nó tồn tại trên MXH nhiều tháng qua, đã lừa đảo rất nhiều người. Vậy, vì sao nó tồn tại đến nay mà các cơ quan chức năng chưa sờ đến? Thời gian qua, Bộ TT-TT đã thực hiện nhiều biện pháp để xử lý các quảng cáo thuốc không đúng sự thật, thuốc giả, kém chất lượng, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, nhưng xử lý cũng không xuể...

Vấn nạn của người tiêu dùng cả tin

Quảng cáo thuốc giả, thuốc dỏm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc... là vấn nạn với người tiêu dùng cả tin. Mới đây nghệ sĩ Q.L và C.T quảng cáo thuốc sai sự thật, đã lên tiếng xin lỗi khán giả, thậm chí C.T còn xin sẵn sàng bù đắp thiệt thòi của khách hàng. Cuối tháng 5/2023, trang web của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Bộ TT-TT) đã phát đi cảnh báo về việc kẻ xấu giả mạo tên các bác sĩ, lương y Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội) tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chức năng để chữa bệnh trên MXH. Thời gian qua, Bộ TT-TT phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý nhiều thông tin như vậy, trong đó Google đã gỡ hơn 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng về xương khớp, tiểu đường vi phạm pháp luật...

XUÂN NHÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/suc-khoe/quang-cao-thuoc-gia-cuc-ky-nguy-hiem_154877.html