Quảng Bình: Xuất hiện nhiều 'hố tử thần' trong khu dân cư

Nhiều hố sụt có đường kính lên đến 3,5m, sâu gần 2m liên tiếp xuất hiện một cách bất thường ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình, cơ quan chức năng địa phương đang vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, tìm hướng xử lý.

Ngày 4/10, lãnh đạo sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình cho biết; đơn vị đã cử các phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan kiểm tra tại hiện trường các hố sụt bất thường ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình để tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra các phương án xử lý các hố sụt lún, đồng thời có những khuyến cáo đối với người dân nơi xảy ra các hố sụt.

Những hố sụt bất thường xuất hiện trong khu dân cư ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Theo đó, sau những trận mưa lớn vừa qua, trước nhà ông Nguyễn Đức Lộc, ở tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình bất ngờ xuất hiện 1 hố sụt nằm giữa đường dân sinh. Hố sụt có đường kính 3,5m, sâu hơn 1,5m, miệng hố sụt tạo thành hình tròn nằm dưới đường bê tông. Vị trí sụt lún thứ 2 xuất hiện tại sườn núi Cây Sường, phía sau nhà ông Đinh Thanh Sơn ở tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, cách hố sụt tại nhà ông Nguyễn Đức Lộc khoảng 500m. Hố sụt có đường kính hố sụt lún khoảng 70m, hiện tượng sụt lún này xuất hiện từ năm 2018 và nay tiếp tục sụt dần.

Ngoài việc xuất hiện các hố sụt bất thường tại các điểm sát hoặc ở nhà dân, thì tại sườn núi Cây Sường, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa cũng xuất hiện hiện tượng sạt lở sườn núi gây bất an cho hơn 40 hộ dân sinh sống gần đó. Vết nứt sạt lở lớn kéo dài mà ngày một thêm trầm trọng, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân.

Hố sụt thành các rãnh dài ở sườn núi đe dọa cuộc sống của người dân địa phương.

Qua khảo sát thực tế, sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình nhận định; tại các hố sụt nằm trong khu dân cư là do nền đất khu dân cư đang ở là đất sườn tích, kèm theo một ít bồi tích và tàn tích, được thành tạo trên nền đá vôi ở phía dưới. Nền đá vôi phía dưới hố sụt này bị quá trình phong hóa tạo thành các hố, hang, hốc rỗng. Khi có mưa nhiều, nước từ khe cạn trên núi chảy qua gây ra hiện tượng phong hóa tạo thành các hố, hang, hốc rỗng gây sụt lún.

Cơ quan chức năng ở Quảng Bình kiểm tra hiện trường tại các hố sụt và đưa ra các khuyến nghị, cách xử lý bước đầu.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình đề xuất và đưa ra khuyến nghị biện pháp xử lý ban đầu: đối với hố sụt ở khu vực đường dân sinh, dùng cát lấp đầy hố sụt, để cát tự lắng đọng một thời gian. Khi cát tụt xuống, tiếp tục lấp đầy cho đến khi ổn định thì hoàn thiện việc xử lý. Bên cạnh đó, cần khơi thông khe cạn phía sau nhà dân, tạo thoát nước nhanh, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Về lâu dài, cần nắn dòng chảy của khe cạn về phía sườn dốc, nhằm hạn chế tác động của khe nước chảy vào khu dân cư gây hiện tượng sụt lún.

Sông Lam-Lam Hồng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/quang-binh-xuat-hien-nhieu-ho-tu-than-trong-khu-dan-cu-i709282/