Quảng Bình triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại

Năm 2023 tỉnh Quảng Bình có tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó đạt tỷ lệ thấp, có 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh lây lan từ gia cầm, động vật là rất lớn nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương.

Quảng Bình có tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm đạt thấp, đặc biệt, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại trên chó trong năm 2023 chỉ đạt 41,8% kế hoạch.

Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Quảng Bình, hiện tỉnh này chưa ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm và động vật lây sang người. Tuy nhiên theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn có 4 trường hợp tử vong do bị bệnh dại (chủ yếu do chó cắn).

Nguyên nhân của việc chưa ghi nhận động vật mắc bệnh dại là do sau khi cắn người, đa số bị đánh chết; người dân không thông báo với chính quyền địa phương, cơ quan thú y biết để theo dõi, giám sát. Một số người bị chó, mèo và động vật hoang dã cắn, cào gây thương tích không đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại.

Cũng theo Sở NN-PTNT Quảng Bình thì tỉnh này có tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm đạt thấp, đặc biệt, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại trên đàn chó trong năm 2023 chỉ đạt 41,8% kế hoạch. Hiện chưa có báo cáo của các địa phương về xử phạt việc không chấp hành tiêm phòng vaccine, chó thả rông, chó không đeo rọ mõm nơi công cộng.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, hiện việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật từ vùng ngoại biên, từ các tỉnh đi qua và vào địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng cao. Nhưng tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho động vật đạt thấp, công tác quản lý đàn vật nuôi chưa chặt chẽ.

Cùng với đó, người bị động vật cắn, cào... còn chủ quan không sơ cứu, không tiêm phòng các loại bệnh. Vậy nên nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan qua người trong thời gian tới là rất lớn, nhất là cúm gia cầm, bệnh dại.

Người dân đến cơ sở y tế để được sơ cứu, tư vấn sau khi bị động vật gây thương tích.

Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng người đến trung tâm tiêm chủng của đơn vị này để tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại tăng đột biến (chủ yếu bị chó, mèo cắn, cào). Thống kê sơ bộ, lượng người đến tiêm vaccine phòng dại cao gấp đôi so với cùng kỳ.

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh động vật và gia cầm lây sang người, hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, UBND tỉnh Quảng Bình vừa có Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là gia cầm nhằm phát hiện sớm, xử lý dứt điểm ổ dịch trong diện hẹp.

Xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch, mua bán, tiêu thụ, giết mổ hoặc vứt xác động vật mắc bệnh ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Cùng với đó tăng cường quản lý đàn chó, mèo, xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên địa bàn…

Cán bộ y tế phối hợp với các đơn vị giám sát, khoanh vùng, kiểm soát các ổ dịch.

Các sở, ngành liên quan phối hợp với địa phương chủ động triển khai hoạt động giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lây nhiễm từ động vật, để cách ly điều trị, quản lý, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Chủ động tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện biện pháp phòng, chống bệnh động vật lây sang người, nhất là cúm gia cầm, bệnh dại do bị chó, mèo cào, cắn...

Khi bị vật nuôi hay động vật hoang cắn cào, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được sơ cứu, tư vấn, trường hợp cần thiết sẽ tiêm dự phòng bệnh dại bằng huyết thanh và vaccine để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý điều trị bằng thuốc nam tại nhà khi bị chó cắn, mèo cào.

Đan Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-truong-hop-tu-vong-vi-benh-dai-quang-binh-trien-khai-dong-bo-cac-bien-phap-phong-chong-169240402105343375.htm