Quản trị kinh doanh – Nghề cho những người bản lĩnh

Một câu hỏi phổ biến hiện nay, ai cũng học làm quản lý, lãnh đạo, lấy ai ra làm lính? Và có phải cứ học Quản trị Kinh doanh (QTKD) đương nhiên ra trường trở thành giám đốc? Liệu ngành QTKD đang được nhiều trường mở quá sẽ dẫn tới khủng hoảng thừa nhân lực?

Lễ tốt nghiệp của sinh viên ngành QTKD tại trường ĐH Tân Tạo – một trường ĐH theo kiểu liên kết Hoa Kỳ

Nhân lực luôn thừa, nhưng vẫn…thiếu!

Theo thống kê kết quả tuyển sinh ba năm gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, QTKD vẫn là ngành chiếm thứ hạng cao nhất trong hồ sơ đăng ký của thí sinh: trên 10% số hồ sơ đăng ký mỗi năm. Trong khi đó, ở riêng TP.HCM hiện nay, có đến hơn 40 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành này, nghĩa là số cử nhân QTKD ra trường mỗi năm là trên 10.000 người vì nhiều trường lớn có chỉ tiêu mỗi năm hơn 1.000 sinh viên.

Với thời buổi hội nhập, đây chắc chắn đem lại nhiều cơ hội nghề nghiệp liên quan đến kinh tế, kinh doanh. Thậm chí trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều công ty lúng túng trong hoạt động kinh doanh, chắc chắn nhân sự kinh doanh càng có đất dụng võ.

“Điều các doanh nghiệp cần là chất lượng chứ không phải số lượng cử nhân đã qua đào tạo. Chất lượng đầu ra của bạn tốt, kèm thêm kinh nghiệm tích lũy của bạn đáng kể, chắc chắn bạn sẽ được các doanh nghiệp trải thảm đỏ mời gọi. ” Ông Brent Beachler – CEO Công ty CP Tân Đức cho hay

Điều này là đúng nhưng chưa đủ, các công ty cần những người làm kinh doanh, nhưng phải là những người quản lý, lãnh đạo giỏi, thực sự mang lại hiệu quả công việc.

Việc các trường đại học mở lớp đào tạo, cấp bằng cho hàng loạt học viên… không có nghĩa là đã đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Trở lại với câu hỏi trên, ngành QTKD đúng là đang thừa người bình thường, nhưng lại luôn thiếu người giỏi. Và nếu bạn có đam mê kinh doanh, bạn muốn gặt hái những thành công trong lĩnh vực kinh tế, bạn hãy dũng cảm dấn thân!

Sinh viên vẫn có nhiều sự lựa chọn

Nhiều bạn hiện nay có xu hướng tìm hiểu và theo học ngành này tại các trường quốc tế có thứ hạng cao và có danh tiếng trong việc đào tạo ngành này như nhóm các trường Ivy League của Mỹ như ĐH Harvard, ĐH Duke,…hay ĐH Rice tại Texas. Nhưng xu hướng này chỉ giành cho những gia đình rất khá giả.

Theo học các chương trình liên kết đào tạo giữa trường trong nước với trường nước ngoài là một lựa chọn tiết kiệm hơn, hợp lý hơn. Các mô hình liên kết này tuy chi phí còn cao hơn một mức độ nào đó so với các chương trình trong nước hiện có, nhưng có câu “tiền nào của nấy”, đầu tư vào giáo dục cho chính bản thân không thể nói chuyện đắt, rẻ. Điểm mới mà các chương trình giảng dạy quốc tế mang lại là môi trường học tập thực tế, gần gũi mà nhiều chương trình ở Việt Nam chưa biết bao giờ xây dựng được.

Ngày 13/05/2014, chủ tịch Đại học Tân Tạo đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với Đại học Rice – Hoa Kỳ về việc thiết kế toàn bộ chương trình đào tạo, từ việc sử dụng chương trình giảng dạy đến hỗ trợ giảng viên, trao đổi sinh viên giữa 2 trường

Thực tế đã chứng minh số sinh viên tốt nghiệp từ những chương trình liên kết đào tạo có việc làm là trên 90%, thậm chí là 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm tại các tập đoàn quốc tế như Đại học Tân Tạo.

Lựa chọn trường Việt, liên kết Hoa Kỳ

Hiện nay tại Việt Nam, Đại học Tân Tạo (TTU) là trường Đại học phi lợi nhuận theo mô hình khai phóng của Hoa Kỳ, áp dụng chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh được cập nhật thường xuyên theo chương trình của Đại học Duke và Đại học Rice, một những trường Đại học danh tiếng của Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài ra, TTU là trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam đang theo đuổi chương trình kiểm định theo Hệ thống kiểm định đại học vùng New England, Hoa Kỳ với sự hướng dẫn của trường liên kết là Đại học Duke.

Các chương trình đào tạo chuẩn Hoa Kỳ tại TTU luôn chú trọng thực hành và trải nghiệm thực tế. Vì thế cho nên, trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được cung cấp những bài tập liên quan, tham gia thuyết trình, phản biện… Các môn học nhờ vậy không hề mang nặng tính học thuật, khô khan.

Cũng từ cách dạy và học đó, sinh viên sẽ có được các kỹ năng làm việc nhóm, lên ý tưởng tổ chức các chương trình, tư duy phản biện, thực hành kỹ năng lãnh đạo.

Một khi đã trang bị đầy đủ kỹ năng, cũng như tích lũy đủ kinh nghiệm, sinh viên ngành QTKD tại TTU có thể thử sức ở nhiều lĩnh vực liên quan để biết mình phù hợp với công việc nào. Nhờ đó, cơ hội nghề nghiệp cũng rộng mở hơn, giúp các bạn một lần nữa được học hỏi, trau dồi để phát triển.

Tóm lại, ngành QTKD vẫn là một cánh cửa lớn cho những bạn tự tin, bản lĩnh, dám đương đầu với thử thách. Nếu bạn thực sự muốn dấn thân vào công việc kinh doanh, tự thấy mình tư duy tốt, có khả năng phân tích thì tại sao không chọn ngành học này làm con đường đi của riêng mình.

P.V

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/quan-tri-kinh-doanh-nghe-cho-nhung-nguoi-ban-linh-1163724.tpo