Quan tâm đầu tư các trường Phổ thông dân tộc bán trú

Việc thực hiện mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDT BT) đã tạo điều kiện cho học sinh học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi huyện Tân Sơn.

Những năm qua, huyện Tân Sơn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án; cơ sở hạ tầng của huyện từng bước thay đổi. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyến biến tích cực, đời sống của người dân được cải thiện; công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả. Công tác triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Hiện tại trên địa bàn huyện có 11 trường phổ thông dân tộc bán trú (tiểu học 4 trường, trung học cơ sở 5 trường, TH&THCS 2 trường, trong đó có 5 trường phổ thông dân tộc bán trú mới được thành lập tháng 8/2023), 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS với tổng số 173 lớp/4.771 học sinh. Học kỳ 1 năm học 2023-2024, huyện Tân Sơn có 1.564 học sinh thuộc 11 trường phổ thông bán trú; trong đó có năm trường THCS, bốn trường Tiểu học, hai trường TH&THCS và một trường phổ thông dân tộc nội trú.

Phòng tin học của Trường THCS Thu Cúc được đầu tư, tạo điều kiện cho các em được tiếp cận công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nhà trường

Trường THCS Thu Cúc, xã Thu Cúc hiện được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, ngoài hệ thống lớp học còn có phòng tin học, sân thể thao, nhà bán trú sạch đẹp. Trường hiện có tổng số 722 học sinh, trong đó có 140 học sinh ở bán trú và đang được hưởng chế độ. Đây là trường có nhiều học sinh ở các thôn vùng khó khăn cách trường chính khoảng 7-10km như: Mỹ Á, Ngả Hai... đồng bào dân tộc Mông, Dao, Mường nằm ở thôn vùng sâu, vùng xa, địa hình đồi núi, giao thông hiểm trở. Ở đây phụ huynh học sinh có đời sống còn khó khăn. Khi được Nhà nước hỗ trợ, cơ sở vật chất nhà trường cũng được đầu tư, giúp các em yên tâm học tập. Thầy giáo Đinh Trung Kiên - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban giám hiệu thường xuyên tham mưu với Đảng ủy, UBND xã, Phòng GD&ĐT, UBND huyện quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị nhằm đảm bảo tốt cho công tác dạy và học, từng bước xây dựng các tiêu chí trường THCS đạt chuẩn Quốc gia. Đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa, đặc biệt là sự đóng góp quỹ tự nguyện của phụ huynh và các tầng lớp nhân dân để mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, cải tạo khuôn viên, cảnh quan sư phạm nhà trường.

Sân thể thao của Trường THCS Thu Cúc

Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 về “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”. Theo đó, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trường học cho hệ thống các trường Phổ thông dân tộc bán trú. Các hạng mục được đầu tư theo Chương trình mục tiêu Quốc gia là nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất khối phòng/công trình phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và phòng công vụ giáo viên; nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất/khối phòng/công trình phục vụ học tập; bổ sung, nâng cấp các công trình phụ trợ khác; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh...

Năm 2023, huyện Tân Sơn đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trường học cho hệ thống các trường Phổ thông dân tộc bán trú. Cụ thể, xây mới phòng ở cho học sinh: 90 phòng với nguồn vốn thực hiện trên 16 tỉ đồng; cải tạo sửa chữa nhà ăn, nhà bếp gồm 6 công trình với 5,7 tỉ đồng; mua sắm trang thiết bị dạy học 791 thiết bị (trong đó có phục vụ chuyển đổi số 196 thiết bị), với nguồn vốn thực hiện gần 21 tỉ đồng. Tập trung rà soát những trường còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị bàn ghế, đồ dùng... cho học sinh nội trú, bán trú theo thứ tự ưu tiên để bố trí vốn. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, bữa ăn cho học sinh cũng được đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Các nhà trường quản lý chặt chẽ, đúng quy định về việc theo dõi nhập, xuất thực phẩm, các bước chế biến thức ăn, công khai tài chính, có hợp đồng đầy đủ với cơ sở cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn nước sạch để phục vụ ăn uống và sinh hoạt.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Cúc, khu Ngả Hai cần tiếp tục được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất

Từ thực tiễn triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 về “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia), thời gian tới, huyện Tân Sơn sẽ tiếp tục củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ, nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn giáo dục vùng đồng bào dân tộc ở địa phương.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/quan-tam-dau-tu-cac-truong-pho-thong-dan-toc-ban-tru/205162.htm