Quan tâm bữa ăn bán trú cho học trò vùng cao Sơn La

Những bữa ăn bán trú chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng là một trong những yếu tố giúp 'níu chân' học trò vùng cao. Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn bán trú luôn được các trường học, cơ quan quản lý nhà nước ở Sơn La đặc biệt quan tâm.

Tiếng chuông báo hiệu giờ học kết thúc cũng là lúc bữa trưa nóng hổi cho gần 300 học sinh bán trú của Trường Mầm non Sao Mai, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu (Sơn La) được chuẩn bị xong.

Chị Lò Thị Linh, nhân viên bếp ăn của trường cho biết, toàn bộ những người tham gia nấu ăn ở đây đều đã được tham gia các lớp học, hoặc tập huấn kiến thức, nên ai cũng có kỹ năng chế biến và nắm rõ các yêu cầu khi tổ chức nấu ăn cho học sinh: "Hàng ngày chúng tôi thường lựa chọn thực phẩm tươi sạch, củ quả tươi, các loại gia vị khô phải đảm bảo hạn sử dụng. Còn trang phục thì đều mặc đồng phục nhà bếp, đeo khẩu trang, găng tay, khăn đội đầu... tất cả đều hướng tới mục tiêu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp các con có bữa ăn ngon và chất lượng".

Những bữa ăn bán trú chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng là một trong những yếu tố giúp “níu chân” học trò vùng cao.

Cô giáo Trần Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, cùng với đảm bảo cơ sở vật chất, không gian khu vực nấu ăn và tay nghề của nhân viên nhà bếp, việc thực hiện hợp đồng cam kết giữa các đơn vị cung cấp thực phẩm, xây dựng thực đơn bữa ăn bán trú đảm bảo đủ dinh dưỡng cũng luôn được nhà trường chú trọng; mục tiêu là giúp trẻ có đủ sức khỏe học tập và rèn luyện.

"Nhà trường tổ chức tốt các hoạt động nấu ăn bán trú, xây dựng các thực đơn trong ngày, trong tuần, không lặp lại để đa dạng các món ăn, tạo kích thích cho trẻ ăn ngon miệng, ăn hết suất. Trong khâu thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhà trường cũng chọn các nhà cung ứng có uy tín để hợp đồng và cam kết giữa 2 bên", cô Thu cho biết.

Còn tại Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, cán bộ, giáo viên thường xuyên phối hợp với phụ huynh giám sát chất lượng bữa ăn, thực phẩm đầu vào, quy trình chế biến của đơn vị cung cấp... nhằm đảm bảo các suất ăn của học sinh đủ chất, đủ lượng và an toàn.

Nhân viên bếp ăn Trường mầm non Sao Mai, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu đều có kỹ năng chế biến và nắm rõ yêu cầu khi tổ chức nấu ăn cho học sinh

Cô giáo Trần Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: "Năm nay nhà trường cũng đã ký kết với cơ sở, cung cấp các suất ăn đối với học sinh để đảm bảo chất lượng, có sự kiểm định chất lượng đối với các cơ sở đó. Năm nay nhà trường có hơn 100 học sinh đăng ký ăn bán trú tại trường, về cơ bản là các bậc phụ huynh cũng rất là ủng hộ và đồng thuận".

Toàn huyện Mai Sơn có tổng cộng hơn 17.400 học sinh ăn bán trú tại 40 trường học. Ông Nguyễn Vinh Hà, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết, Phòng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trường tổ chức bữa ăn nội trú, bán trú cho học sinh phải đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, cũng như các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm...

"Chúng tôi yêu cầu các trường học có tổ chức nấu ăn bán trú rà soát cơ sở vật chất phục vụ cho việc nấu ăn bán trú, có kế hoạch tu bổ để đảm bảo tốt cho việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Tổ chức tìm hiểu kiến thức an toàn thực phẩm cho học sinh qua các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép tích hợp các nội dung về an toàn thực phẩm và hoạt động giảng dạy", ông Sơn nói.

Năm học này, toàn tỉnh Sơn La có trên 400 trường học tổ chức nấu ăn bán trú cho khoảng 126.000 học sinh, phần đa là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Được biết, các cơ quan chuyên môn của Sơn La đã và sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất các bếp ăn bán trú, đảm bảo mỗi bữa ăn của học sinh đều đủ chất, đủ lượng và an toàn.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quan-tam-bua-an-ban-tru-cho-hoc-tro-vung-cao-son-la-post1055355.vov