Quản lý vận hành lưới điện quốc gia mùa nắng nóng

Mạng lưới truyền tải điện quốc gia nối liền trên vùng rộng lớn Nam Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ với 7 mạch đường dây 500 kV, 7 mạch đường dây 220 kV, đi qua các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng nhiều tỉnh trong khu vực là mạch nguồn quan trọng điện lưới quốc gia, cung cấp phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng kinh tế trong khu vực.

Với mạng lưới truyền tải điện rộng lớn, vận hành trải dài qua nhiều địa hình đồng bằng, miền núi, trung du, khu vực đông dân cư, lại nằm trong vùng có mật độ giông sét cao cả nước, nắng nóng kéo dài nhất là ở khu vực Nam Trung bộ, không khỏi ảnh hưởng an toàn lưới truyền tải điện quốc gia. Cùng với đó, các đường dây truyền tải, dùng chung giữa Bình Thuận và các tỉnh lân cận gồm 6 đường dây hiệu điện thế lớn như Vĩnh Tân - Sông Mây, Vĩnh Tân - Rẽ Sông Mây - Tân Uyên (từ nguồn trung tâm điện lực Vĩnh Tân), Đa Mi - Xuân Lộc, Hàm Thuận - Xuân Lộc, Hàm Tân - Đá Bạc, Hàm Tân - Tân Thành, cùng các trạm biến áp dọc theo đường dây đều cần đến giải pháp bảo vệ chung cho toàn tuyến, tránh sự cố trong mùa khô kéo dài.

Kiểm tra đường dây truyền tải điện quốc gia.

Mới đây, tại hội nghị tăng cường công tác phối hợp vận hành lưới điện truyền tải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia tại TP. Phan Thiết, ông Hồ Công, Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) cho biết, dự báo tình hình thời tiết năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp. Để bảo đảm vận hành an toàn điện mùa khô, theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, trong tháng 3/2024 cùng các tháng sau, công suất truyền tải miền Trung, Nam Trung bộ, bắt đầu tăng 12,36% so với năm trước. Trong khi đó, hệ thống lưới điện truyền tải 220 kV Nam Trung bộ, Tây nguyên do đơn vị vận hành trong năm 2024 chưa có chuyển biến tích cực so năm trước về cấu trúc mạng lưới điện, chưa đưa vào vận hành được những công trình đường dây trọng điểm. Bên cạnh, ảnh hưởng quá tải truyền tải năng lượng tái tạo Chư Sê - Pleiku 2, nguồn sinh khối An Khê - Pleiku khiến nhiều trạm biến áp, đường dây luôn đầy, quá tải, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Trước đó đơn vị quản lý vận hành truyền tải điện trong khu vực đã tăng cường dây thoát sét đỉnh cột cho 67 vị trí đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Rẽ Sông Mây (mạch kép); lắp kim thu sét tại 117 vị trí.

Cùng với đó, cán bộ kỹ thuật PTC3 cùng Công ty Truyền tải điện 4 tham gia hội nghị đã đề xuất các giải pháp quản lý, vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải như ứng dụng mô hình bay 3D, đường bay tự động trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải; thiết lập khung quy trình vận hành sứ composite đường dây truyền tải 220 kV, 500 kV. Đồng thời, các đơn vị phối hợp giao ban định kỳ hoặc đột xuất, phân tích đánh giá tình trạng vận hành lưới điện, sự cố, công tác khắc phục sự cố, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý vận hành cấp truyền tải điện; tăng cường công tác phòng ngừa cháy nổ vào mùa khô, sự cố đường dây; phương án chung phòng chống lụt bão, đảm bảo vận hành đối với các đường dây quản lý vận hành chung. Các đơn vị cũng tăng cường quy chế phối hợp, cung cấp đầy đủ thông tin liên lạc khi phát hiện các bất thường, nguy cơ xảy ra sự cố tại các vị trí ranh giới, kế hoạch sửa chữa lưới điện, nâng cao hiệu quả quản lý truyền tải điện quốc gia.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/quan-ly-van-hanh-luoi-dien-quoc-gia-mua-nang-nong-117372.html