Quản lý, vận hành công trình thủy lợi ở Lâm Đồng: Đẩy mạnh phân cấp để phát huy hiệu quả

Bên cạnh việc xử lý dứt điểm các vụ lấn chiếm đất bảo vệ hành lang an toàn hồ, đập thủy lợi, tỉnh Lâm Đồng tích cực đẩy mạnh phân loại đập, hồ chứa thủy lợi đồng thời phân cấp quản lý vận hành để phát huy hiệu quả cao nhất. Xung quanh nội dung này, PLVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Phúc, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc (thứ 2 từ trái qua) kiểm tra hồ thủy lợi Lê Thứ ở huyện Đức Trọng.

- Xin ông cho biết định hướng phát triển ngành thủy lợi của tỉnh?

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 440 công trình thủy lợi, bao gồm 227 hồ chứa, 90 đập dâng, 19 trạm bơm, 91 đập tạm, 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.200 km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 47.569 ha đất canh tác. Trong số 227 hồ chứa có 35 công trình lớn, 61 công trình vừa và 131 công trình nhỏ.

Tổng diện tích canh tác năm 2022 khoảng 328.878ha. Diện tích cần tưới khoảng 206.920 ha; diện tích được tưới 138.850 ha (đạt 67,1% so với diện tích cần tưới, đạt kế hoạch); trong đó từ công trình thủy lợi là 47.569 ha, đạt 22,9% diện tích cần tưới.

Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu diện tích canh tác được tưới đạt trên 70% diện tích cần tưới (tương đương khoảng 150.000 ha). Trong đó từ công trình thủy lợi khoảng 53.000 ha, diện tích sử dụng công nghệ tiết kiệm nước 65.000 ha.

Nước tưới là rất quan trọng cho sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng, do vậy để thực hiện mục tiêu trên, Lâm Đồng cần tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; nạo vét, củng cố các hệ thống thủy lợi, các hồ, kênh mương hiện hữu (như hồ Lê Thứ, hồ Than Thở, Kala..).

Việc quản lý hiệu quả các hồ chứa không chỉ đảm bảo nguồn nước cho sản xuất mà góp phần tạo cảnh quan đô thị.

Thực hiện Kế hoạch đảm bảo an toàn đập trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch Phòng chống thiên tai tỉnh Lâm Đồng năm 2022 và Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025; triển khai thi công các công trình thủy lợi lớn như hồ Ta Hoét, Đông Thanh, Ka Zam..

Đồng thời các địa phương, đơn vi quản lý thủy lợi tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hoạt động vi phạm quản lý hành lang bảo vệ đập, hồ chứa, công trình thủy lợi.

Bên cạnh đó, tập trung cắm mốc phạm vi công trình thủy lợi theo phân cấp tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý; tăng cường nạo vét, sửa chữa các hồ đập phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Quá trình triển khai, căn cứ nguồn lực để bố trí vốn các công trình ưu tiên hợp lý).

- Để quản lý, vận hành công trình thủy lợi đạt hiệu quả, đâu là giải pháp, thưa ông?

Để việc quản lý, vận hành công trình thủy lợi đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã phân loại đập, hồ chứa thủy lợi đồng thời phân cấp quản lý vận hành theo Quyết định số 19/2021/QĐ-UBND được UBND tỉnh ban hành ngày 18/5/2021 Quy định phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Cụ thể, Trung tâm Quản lý ĐT&KTTL Lâm Đồng quản lý, vận hành 58 công trình; giao cho các địa phương, đơn vị trực thuộc UBND các huyện, thành phố quản lý, vận hành 369 công trình; còn lại 13 công trình do các đơn vị khác quản lý, vận hành. Không giao quản lý, vận hành cho các đơn vị tư nhân đối với các công trình có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, việc đảm bảo an toàn hồ đập luôn được quan tâm chỉ đạo, nhất là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc trực ban phòng chống thiên tai, liên tục rà soát, lập danh mục công trình hư hỏng xuống cấp để kịp thời nâng cấp, sửa chữa trong mùa mưa lũ hàng năm.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc trao đổi với đơn vị thi công chỉnh trang hồ chứa nước Lê Thứ.

Đồng thời địa phương chú trọng phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Trong đó hoàn thiện cơ chế, chính sách như chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025.

Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ quản lý, vận hành công trình. Thời gian qua Sở NN&PTNT đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi cho 214 học viên; lớp tập huấn phổ biến các quy định, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, vận hành công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho 110 học viên.

- Vấn đề nhức nhối thời gian qua là vi phạm hành lang phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, để giải quyết vấn đề này, địa phương đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Đến nay toàn tỉnh đã tiến hành cắm mốc chỉ giới cho 55 hồ chứa/tổng số 223 hồ chứa. Đối với các hồ chứa còn lại hiện đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị quản lý, vận hành triển khai thực hiện trong năm 2023. Việc cắm mốc chỉ giới là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, cảnh báo và xử lý hành chính. Sau cắm mốc thực hiện các giải pháp tiếp theo trong công tác quản lý về xây dựng.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi vẫn tồn tại. UBND tỉnh đã chỉ đạo, Sở NN&PTNT và các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.

Trong đó, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm lấn chiếm đất bảo vệ hành lang an toàn hồ, đập thủy lợi trái pháp luật nghiêm trọng; chấn chỉnh hoạt động quản lý, vận hành, khai thác và xử lý dứt điểm các vụ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn hồ đập, công trình thủy lợi; kiểm tra, xử lý dứt điểm các công trình xây dựng trái phép thuộc phạm vi lòng hồ thủy điện và khu vực lòng hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh…

Phối cảnh hồ chứa nước Ta Hoét- Một dự án trọng điểm khác đang được Lâm Đồng triển khai.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong hành lang phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để kịp thời chấn chỉnh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo phân cấp quản lý, vận hành. UBND các các huyện, thành phố chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành công trình trực thuộc; Trung tâm quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng chủ động phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan, chính quyền địa phương cấp xã để ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra vi phạm trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp, chính quyền các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, quy định về đảm bảo an toàn hồ, đập đến với các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân sống gần các hồ, đập, công trình thủy lợi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lâm Đồng xây mới 5 công trình thủy lợi hơn 2.000 tỷ đồng

Từ năm 2021 đến nay, Lâm Đồng đã và đang triển khai xây mới 5 công trình với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, nâng cấp, sửa chữa 10 công trình với tổng kinh phí là 170 tỷ đồng.

Cụ thể, 5 công trình đang được triển khai xây mới với tổng mức đầu tư khoảng 2.019 tỷ đồng gồm: Hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà với tổng mức đầu tư 494 tỷ đồng, đã hoàn thành trên 70% công trình đập đầu mối, đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng hệ thống kênh, đã giải ngân 290 tỷ đồng; Hồ chứa nước Ta Hoét, huyện Đức Trọng có tổng mức đầu tư là 982 tỷ đồng; Hồ chứa nước K’Zam, huyện Lâm Hà với tổng mức đầu tư là 496 tỷ đồng, hiện đang triển khai hợp phần bồi thường GPMB và chuẩn bị đầu tư; đã giải ngân 102,648 tỷ đồng; Dự án Hồ chứa nước Đạ Nòng 2 và dự án Hồ chứa nước Chiêng M'Nơm 2 tại huyện Đam Rông với tổng mức đầu tư lần lượt 27 và 20 tỷ đồng, cả hai dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Từ năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh đang tiến hành nâng cấp, sửa chữa 10 công trình với tổng kinh phí là 170 tỷ đồng, cụ thể: Nâng cấp, sửa chữa hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt với kinh phí là 29 tỷ đồng; Nâng cấp, sửa chữa hồ Próh huyện Đơn Dương, hồ Đinh Trang Thượng 2 huyện Di Linh với kinh phí là 33 tỷ đồng; Nâng cấp, sửa chữa hồ Đan Kia, La Òn, Kon Rum, Tà Nung, Ma Đanh, Thôn 3-4 xã Tân Châu với kinh phí là 67 tỷ đồng; Nâng cấp, sửa chữa hồ Tư Nghĩa, huyện Cát Tiên với kinh phí 12 tỷ đồng; Nâng cấp, sửa chữa hồ HT1, huyện Bảo Lâm với kinh phí là 29 tỷ đồng.

Mai Long (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quan-ly-van-hanh-cong-trinh-thuy-loi-o-lam-dong-day-manh-phan-cap-de-phat-huy-hieu-qua-post480887.html