Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất

Vũ Thuyên

BPO - Tỉnh Bình Phước hiện có 35 nhà máy sản xuất gạch nung, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Lộc Ninh, Hớn Quản và thị xã Bình Long. Bình quân mỗi nhà máy sản xuất từ 50-100 ngàn viên/ngày, cung cấp gạch xây dựng cho địa bàn tỉnh và khu vực lân cận. Với số lượng, công suất nêu trên thì mỗi năm tiêu thụ hơn 1 triệu tấn đất sét. Vậy nguồn đất sét này được lấy từ đâu và vấn đề quản lý nguồn tài nguyên này như thế nào cho hiệu quả?

Đất sét lấy từ đâu?

Huyện Hớn Quản có 16 cơ sở sản xuất gạch nung được cấp phép hoạt động. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Vũ Tiến cho biết, qua kiểm tra các lò gạch đều chấp hành đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, có hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, đến nay huyện chưa kiểm tra các lò gạch về nguồn gốc đất sét đầu vào. Thời gian tới, huyện sẽ lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường hơn nữa kiểm soát nguồn gốc đất sét, qua đó để thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ tài nguyên khoáng sản (TNKS) chưa khai thác trên địa bàn.

Địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 35 cơ sở sản xuất gạch nung được cấp phép hoạt động, trong đó đều có hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường

Địa bàn thị xã Bình Long có 7 lò gạch hoạt động và đều tập trung tại xã Thanh Lương. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thị xã Tạ Quang Lâm cho biết: Hầu hết các lò gạch trên địa bàn đều xây dựng hệ thống xử lý khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Qua các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất đều cho thấy hoạt động xả khí thải phát sinh từ sản xuất gạch xử lý đảm bảo quy chuẩn ra môi trường.

Qua ghi nhận thực tế, các lò gạch nơi đây đều chứa rất nhiều đất sét. Và qua kiểm tra, chủ các lò gạch đều chứng minh được nguồn gốc với hóa đơn, chứng từ năm 2022. Tuy nhiên, số lượng đất sét mua về trong hóa đơn có đúng với số lượng đất sét tập kết tại nhà máy không thì chỉ có chủ cơ sở mới biết?

Đất sét gạch ngói chất chứa thành núi tại các lò gạch nhưng mua ở đâu thì chỉ có chủ cơ sở mới biết

Trưởng phòng TN&MT thị xã Bình Long Tạ Quang Lâm cho biết: Địa phương có sẵn 1 mỏ sét gạch ngói đã được cấp phép và có đủ lượng sét để cung cấp cho các lò gạch trên địa bàn và khu vực lân cận. Trong khi đó, tất cả lò gạch đều xây dựng xung quanh mỏ sét gạch ngói, thuận tiện cho việc vận chuyển, phí vận chuyển thấp nên việc thiếu nguyên liệu và phải mua sét “lậu” là rất khó xảy ra. Đơn vị sẽ kiến nghị UBND thị xã yêu cầu Chi cục Thuế khu vực Bình Long - Hớn Quản kiểm tra việc đóng thuế, hóa đơn nguyên liệu đầu vào của các cơ sở sản xuất gạch nhằm kiểm soát việc mua nguyên liệu sét không đúng quy định. “Trên địa bàn thị xã không có tình trạng bao che để các nhà máy sản xuất gạch mua đất sét “lậu”. Nếu phát hiện các hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản đất sét làm gạch ngói không phép, trái quy định, lực lượng chức năng thị xã kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định” - ông Lâm khẳng định.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương Võ Văn Quốc cho biết, phần lớn các lò gạch đều nhập đầu vào từ mỏ sét được cấp phép. Tuy nhiên, một số vẫn lén lút nhập nguyên liệu trôi nổi từ các hộ dân. Để làm rõ hơn vấn đề này, xã sẽ phối hợp các đơn vị chức năng của thị xã tăng cường kiểm tra nguyên liệu đầu vào của các lò gạch, nếu phát hiện gian lận sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Thực tế, nếu kiểm tra nghiêm chắc chắn sẽ cho kết quả về nguồn gốc đất sét tại các lò gạch. Đơn cử tại huyện Lộc Ninh, qua thanh, kiểm tra năm 2021, cơ quan chuyên môn phối hợp UBND các xã Lộc Hưng, Lộc Thịnh đã phát hiện, lập biên bản tham mưu UBND huyện, UBND tỉnh ban hành 12 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp đối với 12 cơ sở sản xuất gạch với 834 triệu đồng; đồng thời tịch thu lượng đất sét có tại lò gạch để lập thủ tục bán đấu giá theo quy định.

Quản lý chặt hoạt động khai thác khoáng sản

Khoảng 5 tháng trước, qua tin báo của người dân, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã từng ghi nhận và phản ánh tình trạng khai thác đất sét, sỏi phún trên địa bàn huyện Hớn Quản. Đây có thể là nơi cung cấp đất sét cho các lò gạch. Đến nay, tình trạng này được quản lý như thế nào? Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Nguyễn Vũ Tiến thừa nhận, địa bàn vẫn có tình trạng khai thác TNKS trái phép. Nguyên nhân do địa bàn rộng, nhu cầu sử dụng nhiều. Tuy nhiên, UBND huyện đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cũng như phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức, địa phương khi phát hiện phải xử lý nghiêm; đồng thời quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân xử lý chậm trễ hoặc xử lý không nghiêm đối tượng vi phạm làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, không có tình trạng bao che cho các trường hợp vi phạm về TNKS. Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo kiểm tra 16 cuộc và phát hiện 7 trường hợp, xử phạt 134 triệu đồng.

Hoạt động khai thác sỏi phún trái phép trên địa bàn xã Thanh An, huyện Hớn Quản được lực lượng chức năng bắt quả tang ngày 27-3-2023

Tại thị xã Bình Long cũng từng xảy ra tình trạng khai thác đất san lấp không đúng quy định. Nhằm giải quyết tình trạng này và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, bảo vệ TNKS, đất đai trên địa bàn, UBND thị xã Bình Long đã thực hiện nhiều giải pháp. Đó là thành lập đoàn kiểm tra, xử lý về hoạt động khai thác khoáng sản, đất san lấp. Việc kiểm tra chú trọng vào các xã, phường có điểm nóng thường xuyên nhận phản ánh về khai thác TNKS trái phép tại xã Thanh Lương và phường Hưng Chiến. Từ năm 2021 đến nay, UBND thị xã Bình Long đã kiểm tra và ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến san lấp mặt bằng, san lấp đất với tổng 42,5 triệu đồng.

UBND thị xã đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, ban, ngành trong công tác quản lý, bảo vệ TNKS. Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tại địa phương không tham gia, tiếp tay cho khai thác khoáng sản trái phép và không khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép; tuyên truyền các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép và phát động phong trào quần chúng tham gia giám sát, phát hiện, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi để nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; nêu cao vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND các xã, phường trong công tác quản lý, bảo vệ TNKS chưa khai thác trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

“Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn thị xã thời gian qua cơ bản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Công tác quản lý, bảo vệ TNKS chưa khai thác không ngừng được tăng cường. Các hoạt động khai thác trái phép TNKS đã được cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý” - Trưởng phòng TN&MT thị xã Bình Long Tạ Quang Lâm nhìn nhận.

Để thực hiện tốt hơn nữa việc quản lý, bảo vệ TNKS trên địa bàn, ông Lâm cho biết, thời gian tới UBND thị xã sẽ tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất về khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép; chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động khai thác khoáng sản ngoài giờ hành chính hoặc các ngày nghỉ, lễ. Rà soát khu vực có tiềm năng khoáng sản (sét, sỏi phún) để kiến nghị UBND tỉnh khảo sát, đánh giá đưa vào quy hoạch nhằm giải quyết nhu cầu xây dựng dân dụng, xây dựng công trình giao thông trên địa bàn thị xã. Đồng thời yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy phép khai thác theo quy định.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/12/149654/quan-ly-su-dung-hieu-qua-tai-nguyen-dat