Quản lý, phát huy giá trị di tích lịch sử Gò Hà

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy tối đa giá trị công viên văn hóa Khu chiến tích Gò Hà (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), các cấp chính quyền địa phương tích cực xây dựng kế hoạch, phương án đưa nơi đây trở thành địa điểm tổ chức hoạt động sinh hoạt cộng đồng, về nguồn nhằm vun đắp truyền thống lịch sử và quảng bá hình ảnh quê hương, con người Hòa Vang.

Công viên văn hóa Khu chiến tích Gò Hà (huyện Hòa Vang) được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 12 tỷ đồng trên diện tích 12.000m2. Ảnh: XUÂN DŨNG

Ngày 28-3 vừa qua, UBND huyện Hòa Vang tổ chức lễ khánh thành công viên văn hóa Khu chiến tích Gò Hà trong sự phấn khởi của các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân. Công trình không chỉ thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện, mà còn đáp ứng nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ và người dân trên địa bàn.

Cựu chiến binh Lê Công Thạch - nhân chứng lịch sử của chiến thắng Gò Hà cho biết, ông xúc động khi di tích được đầu tư tu bổ, xây dựng thành công viên văn hóa, lịch sử khang trang, rộng rãi. Công trình hoàn thành thể hiện sự trân trọng, tri ân sâu sắc, tôn vinh những cống hiến, hy sinh vô cùng to lớn của các chiến sĩ ngã xuống trong trận đánh cách đây 57 năm. Bên cạnh đó, đây còn là cách lưu giữ quá khứ nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc qua các thể hệ.

“Chúng tôi chân thành cảm ơn lãnh đạo, các cấp chính quyền đã dành tâm, lực xây dựng công viên văn hóa Khu chiến tích Gò Hà hoành tráng, uy nghiêm. Những người lính đã từng trải qua bom đạn chiến tranh như chúng tôi tình nguyện góp sức, đồng hành cùng thế hệ trẻ gìn giữ, bảo vệ và phát huy tối đa giá trị lịch sử của di tích này”, ông Thành chia sẻ.

Tương tự, theo ông Trần Em, Trưởng thôn Gò Hà (xã Hòa Khương), người dân địa phương rất phấn khởi, vui mừng khi không gian di tích Gò Hà nay được đầu tư xây dựng khang trang. Trước đó, di tích xuống cấp nghiêm trọng với cỏ dại mọc um tùm, bề mặt bia di tích tróc sơn nham nhở, chữ mờ. Bên cạnh đó, di tích nằm lọt thỏm giữa rừng cây um tùm khiến nơi đây dần bị lãng quên theo thời gian.

Khi thành phố có chủ trường cải tạo di tích, người dân đều ủng hộ, đồng thuận, khẩn trương di dời toàn bộ gần 1.000 ngôi mộ thân nhân để tạo điều kiện cho các đơn vị thi công thực hiện công trình. “Việc lãnh đạo thành phố quyết định đầu tư trùng tu công trình này là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, khẳng định sự quan tâm đúng mực với văn hóa, đặc biệt là những công trình mang dấu ấn lịch sử. Chúng tôi sẽ cố gắng phát huy nơi đây thành địa điểm để nhân dân tổ chức hoạt động sinh hoạt văn hóa, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng dân cư”, ông Em bày tỏ.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí, di tích Gò Hà được công nhận là di tích cấp thành phố từ năm 2020. Công trình công viên văn hóa Khu chiến tích Gò Hà được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố trên diện tích 12.000m². Các hạng mục của công trình, gồm: bia chiến tích với mặt bằng khu vực bia hình tròn có đường kính 15,5m, chiều cao 10,35m; sân hành lễ; nhà trưng bày; hồ nước và các hạng mục phụ trợ khác. Từ khi công trình hoàn thành đến nay, xã cử một người đến trông coi, quét dọn, chăm sóc cây cối, nhất là bảo vệ không cho người lạ vào phá hoại di tích.

Xã cũng vận động nhân dân khu vực thường xuyên quan tâm, chung sức cùng chính quyền địa phương bảo vệ tốt di tích để tránh bị xâm hại. “Từ khi công viên được đưa vào sử dụng, xã phối hợp một số đoàn cựu chiến binh và thanh niên tổ chức chương trình về địa chỉ đỏ tại di tích để tưởng niệm, tri ân liệt sĩ. Thời gian tới, bên cạnh làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xã tiếp tục phối hợp các trường học trên địa bàn tổ chức chương trình ngoại khóa cho học sinh về thăm, tìm hiểu lịch sử và giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc”, ông Trí thông tin.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho biết, ngành văn hóa huyện xác định, Khu chiến tích Gò Hà đóng vai trò như “nhân chứng sống” ghi lại cột mốc quan trọng, có giá trị lưu giữ giai đoạn lịch sử hào hùng và giá trị đặc biệt với nhiệm vụ xây dựng bản sắc văn hóa, giáo dục chính trị, tư tưởng, tinh thần đại đoàn kết theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Do vậy, trong thời gian tới, ngành quyết tâm, nỗ lực hết sức để phát huy giá trị di tích. Trong đó, kế hoạch phối hợp các ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức hoạt động về nguồn.

Đặc biệt, đề nghị ngành giáo dục và đào tạo có chương trình về địa chỉ đỏ cho học sinh; đưa nội dung này vào trong chương trình giáo dục lịch sử địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền. “Ban Tuyên giáo Huyện ủy đang triển khai chương trình giáo dục lịch sử địa phương trong trường THPT. Phòng Văn hóa và Thông tin sẽ đề nghị bổ sung nội dung tuyên truyền, giáo dục về di tích Gò Hà vào trong chương trình này để vun đắp truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. Qua đó, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, con người Hòa Vang kiên trung, anh hùng và góp phần xây dựng, hình thành cốt cách con người Đà Nẵng”, ông Tân cho biết.

XUÂN DŨNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5414/202204/quan-ly-phat-huy-gia-tri-di-tich-lich-su-go-ha-3908821/