Quản lý nguồn nước xuyên biên giới: Thái độ của Trung Quốc

Đề xuất quản lý nguồn nước xuyên biên giới là chiến lược lâu dài mà dứt khoát VN phải làm. Vấn đề quan trọng là làm như thế nào.

Thách thức cho VN

Trong phiên họp ngày 20/11, tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), một vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã đưa ra đề xuất thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và nguồn nước trên các cấp độ, trong đó quan trọng nhất là quản lý nguồn nước xuyên biên giới.

Trước đề xuất trên, là chuyên gia về mạng lưới sông ngòi, trao đổi với Đất Việt, ngày 22/11, TS Đào Trọng Tứ cho biết: "Với vị trí nằm ở hạ lưu các lưu vực sông lớn, nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức.

63% lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, còn bản thân chúng ta chỉ có 37% lượng nước. Riêng ĐBSCL lượng nước ở bên ngoài còn lên tới 89%, của ĐBSCL chỉ có 5% trong tổng số 100% nước.

Mặc dù đã thống nhất xây dựng khá nhiều cơ chế hợp tác song phương, đa phương nhưng trên thực tế do ở hạ nguồn nên Việt Nam chịu nhiều sức ép và ít có lợi thế trong các đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế.

Vì vậy, việc đề xuất quản lý nguồn nước xuyên biên giới là chiến lược lâu dài mà dứt khoát VN phải làm. Các quốc gia trong quá trình đi lên đều phải phát triển và nền tảng cho sự phát triển chính là vấn đề nước".

Quản lý nguồ nước xuyên biên giới là việc cần làm

Bên cạnh đó, theo ông Tứ, thế giới vẫn có thể trông chờ vào nước biển, sau này công nghệ cao thì sản xuất nước biển thành nước ngọt. Nhưng nếu có làm được điề đó thì các nước ở thượng nguồn như Lào, Vân Nam - Trung Quốc cũng không ai đưa nước ngọt xuống cho hạ nguồn, chưa kể chuyển nước mặn thành nước ngọt là câu chuyện gian nan, lâu dài.

Vì thế, nguy cơ của quốc gia trong tương lai chính là nước đang bị đe dọa, nên phải tìm ra nhiều phương cách, bằng nhiều con đường. Và con đường đó là kêu gọi sự hợp tác, có đường hướng, chiến lược kiên quyết để cùng với các quốc gia thượng nguồn quản lý và phát triể

Tuy nhiên, ở các diễn đàn như APEC, bên cạnh việc đưa ra đề xuất thì cũng cần phải có các phương cách, chương trình cụ thể. Bốn khía cạnh trong vấn đề này là xã hội, kinh tế, chính trị và bền vững môi trường, cần được phân tích rõ ràng.

Ông Tứ dẫn chứng, nói ngay như hợp tác sông Mekong diễn ra 50 năm nay, nhưng đến khi tiến trình đi lên, các quốc gia phát triển thì câu chuyện đó lại trở lên khó khăn. Chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức từ các nước thượng lưu.

Hay nói đến vấn đề hợp tác với Trung Quốc ở 2 dòng sông, sông Hồng và sông Mekong cũng cần có đường đi khác nhau. Trung Quốc từ trước đến nay chưa có bất cứ một cơ chế nào hợp tác với các nước.

Bản thân ông Tứ luôn luôn nghiên cứu thực tế, hỗ trợ các cơ quan trong nước đi phối hợp với Trung Quốc để tìm con đường hợp tác, trước mắt chỉ là trao đổi thông tin, nhưng thực tế việc này đã là rất khó. Sông Mekong cũng vậy.

Chi mạnh tiền cho hợp tác nhưng vẫn không chủ động

Nói về các khó khăn trong việc sử dụng nguồn nước vì không có dữ liệu ở khu vực sông Hồng và ĐBSCL, vị chuyên gia trên chỉ rõ: "Chúng ta không có hoặc nếu có thì vô cùng ít số liệu ở các quốc gia thượng nguồn ở cả 2 con sông chính.

Như ở sông Hồng sự liên lạc giữa chúng ta và Trung Quốc, có nhưng ở mức độ hạn chế, câu chuyện trao đổi với nhau hai bên gần như khó khăn, thường thì vào mùa lũ đáng lẽ phải có trạm thông báo lũ đến, trong khu vực có hệ thống cảnh báo vùng hỗ trợ, nhưng ở đây hoàn toàn không có.

Còn ở sông Mekong chúng ta có Ủy hội sông Mekong, bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, VN, 4 quốc gia có hệ thống hợp tác đầu tư cực kỳ nhiều tiền hàng năm, mỗi năm trung bình đến lúc cao điểm có thể lên tới 30 triệu USD, còn bình thường 10-15 triệu USD, nhưng vấn đề thông tin vẫn hạn chế".

Nhìn nhận về việc hợp tác của các nước trước đề xuất trên, theo ông Tứ, về phía TQ từ trước tới nay chưa bao giờ tỏ thái độ tích cực trong việc chia sẻ thông tin nên việc đưa ra yêu cầu này ở APEC cũng khó có nhiều thay đổi.

"Bản thân Trung Quốc luôn luôn nói rằng họ có trách nhiệm, các diễn đàn gần đây tôi đi thì thấy không có thay đổi nhất định trong quan điểm. Tuy nhiên, câu chuyện đó phụ thuộc rất nhiều vào ý thức các quốc gia và bản thân chúng ta.

Chúng ta không nên nghĩ nói xong, trông chờ vào nước bạn thay đổi. Quốc gia đầu nguồn suy nghĩ rất khác quốc gia cuối nguồn, chiến lược rất khác. Đó là câu chuyện, sự trao đổi kiên trì, tính chiến lược của chính sách.

Trong câu chuyện hợp tác, con đường hợp tác với nhau luôn theo cơ chế hiện nay phải là Win- Win.

Chúng tôi từ trước đến nay vẫn đấu tranh vì câu chuyện hợp tác, vì cuộc sống, sức sống của các quốc gia khu vực. Cuộc chiến tranh về nước nếu không được sắp xếp thì người ĐBSCL sẽ phải đối diện với nguy cơ rất lớn. Mà đó là hơn 20 triệu dân chứ không phải chuyện nhỏ", ông Tứ phân tích.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/quan-ly-nguon-nuoc-xuyen-bien-gioi-thai-do-cua-trung-quoc-3323603/