Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Còn nhiều yếu kém

KTĐT - Trong số hơn 17.000 cơ sở và điểm giết mổ gia súc gia cầm của cả nước thì có tới 96,3% là điểm giết mổ nhỏ lẻ, trong đó có nhiều cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm. Rõ ràng việc quản lý giết mổ, vận chuyển và kinh doanh sản phẩm thịt tươi sống vẫn là một khâu yếu trong chuỗi cung cấp sản phẩm thịt hiện nay.

Mới có trên 40% cơ sở giết mố được kiểm soát Cho đến nay nhiều tỉnh, thành phố đặc biệt là các tỉnh phía Bắc vẫn chưa quy hoạch, xây dựng được hệ thống giết mổ tập trung. Một số địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Phòng,... tuy có xây dựng được một số cơ sở giết mổ (CSGM) gia cầm nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân là do không cạnh tranh được về giá cả với các điểm giết mổ tự do. Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện cả nước có 17.129 điểm và CSGM gia súc gia cầm, trong đó chỉ có 617 CSGM tập trung (chiếm 3,6%) và chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Việc kiểm soát giết mổ cũng đang bị bỏ ngỏ. Qua điều tra cho thấy, chỉ có 7.281 điểm giết mổ được kiểm soát (chiếm 42,5%), trong đó tỷ lệ được kiểm soát ở các tỉnh phía Bắc rất thấp (chỉ đạt 23,75%). Tại Hà Nội, trong số 69 mẫu thịt lợn được kiểm tra thì số mẫu nhiễm khuẩn Salmonella và nhiễm tụ cầu khuẩn S.aureus vượt quá giới hạn cho phép chiếm gần 60%. Tương tự đối với thịt gà, tỷ lệ nhiễm chiếm tới 68%. Theo đánh giá của Cục Thú y thì số CSGM được kiểm soát của Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 15%. Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y thì nguyên nhân là do các địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về quy hoạch, quản lý giết mổ tập trung. Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan chưa xử lý nghiêm việc giết mổ tự do, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó các CSGM tập trung không hoạt động được. Ông Thành cũng cho biết, công tác thanh kiểm tra không duy trì được thường xuyên, chủ yếu mới chỉ tập trung vào Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm và các dịp lễ, tết… Lực lượng cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ còn mỏng, một cán bộ phụ trách nhiều điểm giết mổ hoặc chỉ có 1 – 2 cán bộ kiểm soát tại các CSGM dẫn đến tình trạng kiểm tra qua loa, không thực hiện đầy đủ quy trình giết mổ. Cần giải pháp hệ thống Tại Hội nghị về kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi và kiểm soát lò mổ diễn ra sáng qua (16/6) ở Hà Nội, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá: Việc giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y như hiện nay không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn là nguồn lây lan dịch bệnh như H5N1, dịch tai xanh, lở mồm long móng… Do đó, các ngành các cấp cần làm tốt công tác kiểm soát giết mổ. Trước mắt Cục Thú y cần lập hồ sơ toàn bộ số điểm, CSGM trên phạm vi cả nước để đánh giá chất lượng. Từ nay đến cuối năm, nếu cơ sở nào không đủ điều kiện thì sẽ bị loại khỏi cuộc. Cũng theo Bộ trưởng, cái yếu của chúng ta bấy lâu nay là thiếu hệ thống đồng bộ. Vì vậy cần phải hoàn thiện hệ thống từ các văn bản luật, Nghị định, tiểu nghị định; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về chất lượng, công tác thanh kiểm tra, lấy mẫu… Có như vậy, các địa phương mới thực hiện đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Theo Cục Thú y, để kiểm soát tốt hoạt động giết mổ, vận chuyển thịt gia súc, gia cầm thì các địa phương cần căn cứ vào điều kiện thực tế của mình để quy hoạch CSGM tập trung, hướng tới quy hoạch tổng thể hệ thống giết mổ gia súc gia cầm trên phạm vi cả nước. Kinh nghiệm nhiều tỉnh phía Nam cho thấy, nếu quy hoạch tốt thì việc kiểm soát sẽ rất dễ dàng. Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2009, sau khi quy hoạch thì các ngành chức năng đã kiểm soát được 97% lượng gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ. Tương tự tại tỉnh Vĩnh Long, sau khi quy hoạch, việc kiểm soát giết mổ cũng đạt trên 90%. Thắng Văn

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=44&newsid=226167