Quân khu 9: Sáng ngời đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn'

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, chúng tôi có dịp ghé thăm Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong số 50 thương binh, bệnh binh nặng đang điều trị, an dưỡng tại trung tâm có 4 người quê ở địa bàn Quân khu 9.

Chú Nhuyễn Văn Khả, thương binh 1/4 năm nay 60 tuổi, quê Sóc Trăng; tham gia chiến trường Campuchia, điều trị tại trung tâm với bệnh lý tâm thần. Hỏi họ, tên… chú không nhớ, vậy mà vui, chú hát vọng cổ.

Thông tin từ ông Tống Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất cho biết, thương binh Nguyễn Văn Khả, tính tình hoạt náo, thích văn nghệ. Dù bệnh lý tâm thần nhưng cử chỉ, hành động đều có kiểm soát tốt. Chú là “cây” văn nghệ ở trung tâm. Năm nay, chú Khả được trung tâm chọn đại diện cho các thương binh, bệnh binh tiêu biểu dự Hội nghị điển hình toàn quốc do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức.

Lãnh đạo Cục Chính trị Quân khu 9 thăm hỏi, tặng quà tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất.

Ánh mắt “sắc” trên cơ thể vạm vỡ, hoạt bát của người lính cầm súng chiến đấu quên mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, giờ đây trở nên vô hồn, ngơ ngác. Từng ở lằn ranh sinh tử, phán đoán tình huống trong tích tắc, giờ đây, suy nghĩ chỉ còn là những ký ức vụn vặt không thể chắp vá, tạo cho người đối diện cảm giác xót xa đến tột cùng. Nhưng từ sâu thẳm đôi mắt ấy rất đỗi hiền từ, dường như quá khứ đau buồn của chiến tranh với cô, chú đã ngủ yên. Họ không còn nhớ nữa, như không nhớ chính cuộc đời họ.

Những thương binh, bệnh binh bị rối loạn tâm thần ở trung tâm là nhân chứng sống trên trang sử hào hùng của dân tộc; là hiện thân của truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất dòng máu Lạc Hồng; cũng là minh chứng về hậu quả thảm khốc của chiến tranh.

Mọi người đang trò chuyện, bỗng chú Khả ngân nga: “… Quân ta đánh 3 lần tại mặt trận Tầm Vu. Gương anh hùng oanh liệt khắp cả mấy khu… Xe đế quốc nằm ngửa nghiêng trên lộ… Tầm Vu chiến thắng chiến sĩ reo hò, bao nhiêu nụ cười của vệ quốc Miền Tây!”… Rồi chú ra hiệu, xin hát thêm một lớp Tây thi: “Du kích xã Tân Hưng Tây, buổi sương mờ ngày 8 tháng 12. Mỹ, Diệm ra quân đầm già, còng cọc…. Pằng, pằng mấy phát Carbine, chúng đổ quân thêm ồ ạt…”. Buổi gặp gỡ thêm ấm áp và huyên náo.

Cùng an dưỡng, điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất với chú Khả còn 3 thương binh nặng quê Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ.

Địa bàn Quân khu 9 luôn “nóng” trong nhiều giai đoạn lịch sử cả thời chiến lẫn thời bình. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế, địa bàn Quân khu 9 có hơn 182.850 liệt sĩ, nhiều liệt sĩ chưa quy tập, tìm kiếm được hài cốt. Nghĩ đến, mà mến phục những người trở về từ chiến trường, để lại chiến trường một phần thân thể hoặc đang mang trên mình thương tích như chú Khả.

Thiếu tướng Hồ Minh Phương, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 tặng quà các thương binh.

Ông Tống Đức Bình cho biết thêm: “Bệnh nhân xem trung tâm như là nhà mình, cán bộ nhân viên trung tâm xem họ như người thân. Do vậy, việc tận tâm chăm lo tốt các mặt đời sống vật chất, tinh thần là nhiệm vụ hàng đầu. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân nặng, qua đời, trung tâm đã kết nối với địa phương xây tặng ngôi mộ khang trang. Việc làm này rất thiết thực và ý nghĩa với công tác đền ơn đáp nghĩa. Trung tâm còn sáng kiến mở sổ tiết kiệm cho bệnh nhân nặng. Khoản tiết kiệm ấy sử dụng vào mục đích chủ động nguồn kinh phí khám chữa bệnh ở các bệnh viện, bổ sung mua thuốc chữa bệnh ngoài danh mục bảo hiểm… Nhờ mở sổ tiết kiệm mà nay nhiều cô, chú tài khoản dư hơn 200 triệu đồng”.

Công tác chăm lo thương binh, bệnh binh ở trung tâm không chỉ thực hiện bởi cán bộ, y, bác sĩ nơi đây, mà còn sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa những người bệnh. Cô Thạch Thị Lâm, thành viên của Ban hội đồng Thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất cho biết: “Anh em rất quý nhau. Mỗi người một quê, hoàn cảnh, cách sinh hoạt khác nhau nhưng vào đây như người một nhà. Tuy ai cũng bệnh, nhưng người khỏe hơn thường lo cho người nặng”.

Ở tuổi 73, tỷ lệ thương tật trên 81% nhưng cô Lâm lạc quan, nhìn sang chú Nguyễn Công Thắng, là thành viên của Ban hội đồng Thương binh, bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất nói: “Đấy, 3 chị em khỏe nhất, hoạt động năng nổ, nhưng 3 người chỉ có 2 chân”.

Chú Thắng sờ đôi chân, giải thích: “Tôi bị thương năm 1971 ở chiến trường Campuchia, mất cả 2 chân. Chân trái còn giữ được khớp gối, nên giờ lắp chân giả dễ di chuyển. Còn chị Lâm và thành viên còn lại, mỗi người bị mất 1 chân. Vậy đó, nhiều năm nay, với tinh thần lạc quan, chiến thắng thương tật, chúng tôi luôn cố gắng hoạt động để anh em vui khỏe”.

Kể về những vết thương đặc biệt vậy rồi thôi, cô, chú ai cũng bước qua tuổi 70, có gia đình riêng. Vì thương tích nặng, phải ở lại trung tâm để an dưỡng, điều trị. Riết rồi nơi đây trở thành mái ấm thứ 2. Trong chiến tranh, dù chiến đấu ở chiến trường nào, gặp nhau tay bắt, mặt mừng xưng hô đồng chí, đồng đội. Giờ, dưới mái nhà chung, gọi nhau anh, chị thân mật.

Chiến tranh đã lùi xa, miền quê trong bài hát chú Khả ngân nga thay áo mới, người người có cuộc sống sung túc. Cũng như vùng đất, nơi mái nhà chung cô, chú đang sinh sống - miền đất đỏ đang chuyển mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lời tâm tình trong chuyến thăm, cử chỉ ân cần, gần gũi sâu đậm, tỏ rõ lòng tri ân, chăm lo sâu sắc của thế hệ sau với người tiền bối.

Bài và ảnh: PHONG PHÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/quan-khu-9-sang-ngoi-dao-ly-uong-nuoc-nho-nguon-736354