Quân khu 5 sẵn sàng trước mùa mưa bão

Quân khu 5 là địa bàn chiến lược, bao gồm 11 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung và Tây nguyên, với nhiều loại địa hình, thời tiết phức tạp nên hằng năm thường hứng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất gây ra.

Xác định phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu thời bình, Quân khu 5 đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó. Cùng với đó, cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hiểu rõ tác động của thiên tai; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng lực lượng xung kích tại các xã, phường, thôn, bản; rà soát, bổ sung phương án bảo vệ các công trình thủy lợi, hồ đập, những vị trí xung yếu trong mùa mưa bão.

Lực lượng dân quân huyện Nam Trà My, Quảng Nam huấn luyện kỹ thuật cấp cứu người bị nạn.

Thiếu tướng Cao Phi Hùng, Phó tư lệnh Quân khu 5 cho biết, từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã huy động hơn 16 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phòng, chống thiên tai, sạt lở đất, ngập trũng do mưa lũ gây ra, kịp thời bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Hiện nay, khi miền Trung đang bước vào những tháng cao điểm mưa bão, Quân khu 5 tiếp tục yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát kỹ các phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, vật chất hậu cần, quân y; cơ quan quân sự tích cực tham mưucho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra các hồ đập, công trình, vị trí ngập úng trong mưa bão, sạt lở đất để chủ động phương án ứng phó, di dời người và tài sản khi có tình huống.

LLVT thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam huấn luyện lái ca nô, xuồng máy đẩy.

Để tìm hiểu rõ hơn nội dung chỉ đạo của Quân khu 5, chúng tôi trở lại với các huyện Bắc và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, là những nơi chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, sạt lở đất của những năm trước. ÔngThái Hoàng Vũ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Trà My cho biết: Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, Bắc Trà My còn có công trình thủy điện Sông Tranh 2 với hồ chứa nước lớn, địa bàn đồi núi dễ bị chia cắt khi có mưa lũ, sạt lở đất. Do vậy, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng nắm chắc tình hình địa bàn, chuẩn bị chu đáo về con người, trang bị, sử dụng đúng các nguồn lực kinh phí, ngân sách bảo đảm cho công tác phòng, chống thiên tai, phòng thủ dân sự theo chỉ đạo của tỉnh.

Đặc biệt, năm 2023, lần đầu tiên huyện làm điểm nội dung diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và vận hành cơ chế trong diễn tập khu vực phòng thủ tại địa phương. Kết quả và kinh nghiệm qua diễn tập là những bài học quý giúp địa phương ứng phó tốt hơn khi có tình huống.

Tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, nơi có hàng chục hộ dân bị chôn vùi do sạt lở đất vào năm 2020. Quang cảnh nơi đây giờ đã thay đổi, những dãy nhà của đồng bào được bộ đội tỉnh xây dựng lại kiên cố, chắc chắn ở vị trí cao ráo, giao thông thuận lợi.

Những ngày qua, Ban chỉ huy quân sự huyện tổ chức huấn luyện cho lực lượng dân quân các xã các nội dung: Bơi vượt sông, sử dụng các trang bị, phương tiện, dụng cụ phòng chống lụt bão, sạt lở đất. Không khí luyện tập rất sôi nổi, trách nhiệm. Thượng tá Đặng Ngọc Toàn, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: 10/10 xã của huyện đã thành lập đội xung kích, mỗi đội gồm 70 người. Cơ quan quân sự huyện còn tổ chức huấn luyện cho bộ đội thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ các nội dung: Huấn luyện vượt sông, tìm kiếm cứu nạn, cứu người bị đuối nước, kỹ thuật băng bó sơ cứu người bị nạn, cách sử dụng các loại máy cưa, máy khoan công suất lớn, các loại máy bơm máy hút,…

Cán bộ, chiến sĩ cơ quan quân sự thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam huấn luyện xử lý tình huống giả định cứu vớt người trên sông.

Tại Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Vượt sông 4 tiến hành kiểm tra các trang bị, phương tiện làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão. Những chiếc ca nô, máy đẩy xếp hàng ngay ngắn được bộ đội bảo dưỡng, vận hành động cơ. Trung tá Phùng Ngọc Tuân, Tiểu đoàn trưởng cho biết: Là lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của Lữ đoàn, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn luôn nêu cao trách nhiệm, huấn luyện sử dụng thành thạo các trang bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu sập đổ công trình, huấn luyện lái ca nô, xuồng máy đẩy, phương pháp cứu người bị vùi lấp do sập đổ công trình, sạt lở đất, cứu người bị nạn trên sông,…

Cho đến nay, lực lượng vũ trang 11 tỉnh, thành phố và các đơn vị bộ đội chủ lực của Quân khu 5 đã cơ bản hoàn thành các nội dung chuẩn bị cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”. Tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng xả thân bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân trong thiên tai, mưa bão luôn được các cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim của những người lính - Bộ đội Cụ Hồ hôm nay.

TRẦN THÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/quan-khu-5-san-sang-truoc-mua-mua-bao-743517