Đại biểu Quốc hội: 'Luật nào cũng đề nghị thành lập quỹ thì hiệu quả chưa cao'

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị tổng kết các loại quỹ tài chính ngoài ngân sách, xem đã huy động nguồn lực như thế nào, có hiệu quả hay không, để làm cơ sở xem xét việc thành lập quỹ khác.

Sáng 3/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể, thẩm tra về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Quy định liên quan đến quỹ bảo tồn di sản văn hóa (Điều 90) là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại phiên họp.

Về nội dung này, dự thảo quy định quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đầy đủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước (khoản 2 Điều 90).

Theo cơ quan thẩm tra, một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước” yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính của một số luật.

“Khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ được lập theo các luật chuyên ngành, như quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, quỹ phòng, chống tác hại rượu, bia”, viện dẫn điều này, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục cân nhắc về việc thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Quỹ ngoài ngân sách lại huy động ngân sách

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ băn khoăn khi thành lập quỹ này, bởi trong quá trình thông qua nhiều luật khác, nội dung liên quan quỹ ngoài ngân sách nhà nước cũng đã được nhiều đại biểu nêu ý kiến.

Do vậy, theo bà Nga, khi quy định thành lập quỹ ngoài ngân sách cần tính đến khả năng huy động được nguồn lực hay lại rơi vào tình trạng như quỹ phát triển du lịch?

"Khi thảo luận Luật Du lịch, tôi cũng đã có ý kiến về quỹ phát triển du lịch, nhưng chúng ta vẫn thành lập quỹ này. Tuy nhiên, sau mấy năm luật có hiệu lực, chúng ta không huy động được bất cứ nguồn lực nào vào quỹ. Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước nhưng lại không thể huy động được nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước. Tôi nhớ rằng, quỹ phát triển du lịch hiện nay đã được bổ sung 300 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước”, bà Nga nói.

Đại biểu đoàn Hải Dương đặt vấn đề: Với một quỹ ngoài ngân sách nhà nước nhưng cuối cùng lại huy động ngân sách nhà nước vào quỹ thì có đúng với mục đích thành lập quỹ hay không? "Điều này chúng ta cần cân nhắc", bà Nga nêu

Gợi ý, bà Nga cho rằng, có thể rà soát thật kỹ những nhiệm vụ nào cấp bách mà Nhà nước chưa bố trí được ngân sách hoặc bố trí chưa đủ thì xây dựng trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, như thế sẽ hợp lý hơn. “Tôi vẫn e ngại chúng ta thành lập quỹ ngoài ngân sách nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách vào quỹ khó khăn”, đại biểu nhấn mạnh.

Nhân đây, bà Nga cũng đề nghị cần có tổng kết các loại quỹ tài chính ngoài ngân sách trong các luật đã thông qua, xem thời gian qua đã huy động nguồn lực ngoài ngân sách như thế nào, có hiệu quả hay không để tiếp tục xem xét việc thành lập quỹ khác. “Luật nào cũng đề nghị thành lập quỹ thì hiệu quả chưa cao”, bà Nga cho hay.

Đánh giá lại hiệu quả nếu quy định quỹ

Cùng mối quan tâm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nhắc lại, khi thẩm tra dự thảo Luật Điện ảnh, có quỹ phát triển điện ảnh. Sau đó, cân nhắc đầy đủ các phương diện, cuối cùng vẫn quyết định giữ lại quỹ này. Do đó, bà đề nghị ban soạn thảo cân nhắc và làm rõ hơn nữa, đánh giá lại hiệu quả nếu quy định quỹ này.

“Trong giải trình chưa đủ sức thuyết phục nên cần làm rõ quỹ này hiệu quả như thế nào và đi đến đâu? Tới đây, nếu giữ lại trong dự luật sẽ đạt được mục tiêu thế nào...”, bà Sang lưu ý.

Trăn trở khi đề cập đến quỹ này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) chia sẻ, ở địa phương có một cơ quan bảo tồn, bảo tàng, có thư viện, cơ sở vật chất khó khăn, mô hình nhỏ hẹp, không có cơ sở độc lập để trưng bày. Nhiều nhà hảo tâm tài trợ, trao tặng cho tỉnh nhiều hiện vật nhưng lại không trưng bày được, để giới thiệu di sản văn hóa. “Vậy quỹ tài trợ cho cái đó như thế nào, các nhà tài trợ hiện vật cho tỉnh, ngoài giấy khen của tỉnh cũng không có gì tặng lại cho nhà tài trợ, chúng tôi hết sức trăn trở”, đại biểu nêu.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-luat-nao-cung-de-nghi-thanh-lap-quy-thi-hieu-qua-chua-cao-post1633917.tpo