Quan hệ Việt - Mỹ thúc đẩy xu hướng cùng có lợi

Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ J. Biden đến Việt Nam từ ngày 10 - 11/9 diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc đang leo thang đến cao trào trên quy mô toàn cầu. Mặc dù phía Mỹ đã cố gắng gia giảm từ định hướng 'phân tách' chuyển sang 'giảm thiểu rủi ro', nhưng tác động được khuếch đại sau khi xảy ra chiến sự tại Ukraine đã khiến xu hướng cạnh tranh nói trên trở thành điểm nhấn thúc đẩy 'cuộc chơi đôi bên cùng thiệt hại (lose - lose game)' trở thành xu hướng chủ chốt lôi kéo toàn bộ quốc gia trong cục diện quan hệ quốc tế đương đại. Do đó, nhu cầu thúc đẩy các mối quan hệ 'cùng thắng (win - win)' lúc này có ý nghĩa quan trọng chiến lược.

Nhu cầu cấp thiết này lại hoàn toàn phù hợp với thời điểm “chín muồi” của quan hệ Việt - Mỹ. Năm 2023 cũng là thời điểm đánh dấu gần 30 năm thiết lập quan hệ Việt - Mỹ và chứng kiến lần đầu tiên cả Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ.

Theo lời của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (nhiệm kỳ 2014 - 2018) Phạm Quang Vinh, quan hệ Việt - Mỹ sau giai đoạn 10 năm phát triển khuôn khổ đối tác toàn diện (2013 - 2023) đã có nhiều thành tựu ấn tượng trong tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương, điển hình nhất là lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Lợi ích phát huy thế mạnh của Việt Nam

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước vào năm 2022 lên đến 123 tỷ USD và đạt mức tăng hơn 550% với thời điểm 10 năm trước. Trong đó Việt Nam là bên hưởng lợi lớn khi có tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 109,38 tỷ USD với các nhóm ngành có thế mạnh chiến lược là dệt may, giày dép và linh kiện máy móc, thiết bị điện tử. Mỹ không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam mà còn là thị trường đầu tiên hàng hóa Việt Nam đạt cột mốc xuất khẩu hơn 100 tỷ USD, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong ASEAN.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang có 230 dự án đầu tư tại Mỹ với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trong số 16 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Xu hướng này không chỉ tận dụng tốt các gói hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài có tổng trị giá hàng nghìn tỷ USD của chính phủ Mỹ từ đạo luật cơ sở hạ tầng (tháng 11/2021), đạo luật Giảm lạm phát (tháng 8/2022) và đạo luật CHIPS và khoa học (tháng 3/2023), mà còn tạo ra những “cú hích” có giá trị kinh tế lớn như gói đầu tư 4 tỷ USD của tập đoàn Vinfast vào dự án ở North Carolina.

Ở chiều ngược lại, Mỹ hiện đang đứng thứ 11 trong nhóm các quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 1.216 dự án có tổng đầu tư là 11,4 tỷ USD. Sự đầu tư liên tục và quy tụ cùng lúc nhiều “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ (Big Tech) như tập đoàn IBM, Apple, Intel đã trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và sự phát triển nền kinh tế dựa trên công nghệ cao ở Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực được kỳ vọng nhiều nhất trong chuyến thăm lịch sử lần này của Tổng thống Mỹ J.Biden, theo lời Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper.

Ngoài ra, sự hỗ trợ từ cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đến hoạt động An ninh Năng lượng Đô thị và Chương trình Năng lượng Phát thải Thấp (V-LEEP II) từ tháng 8/2021, cùng với Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng ký kết năm 2022 đã góp phần đáng kể vào các mục tiêu giải quyết vấn đề khí hậu và chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam. Các đóng góp của Mỹ trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông (LMI) mở rộng thành Quan hệ đối tác Mê Kông - Mỹ (MUSP) góp phần khăc phục các thách thức về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long - vựa lương thực đồng thời cũng là khu dự trữ sinh quyển có ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực và an ninh sinh thái Việt Nam.

Lợi ích hệ thống của Mỹ

Về phía Mỹ, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, chính phủ Mỹ đang gia tăng ảnh hưởng đến các tuyến đường thương mại gắn liền với nền tảng hạ tầng kết nối và hệ sinh thái thuộc chuỗi cung ứng chất bán dẫn, thì vị trí địa lý đặc thù của Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương càng có ý nghĩa chiến lược đối với cả 3 định hướng trụ cột về an ninh kinh tế, an ninh khoáng sản và an ninh hàng hải đang được chính quyền Tổng thống J.Biden triển khai.

Đối với định hướng bảo đảm an ninh kinh tế, Việt Nam nằm trong nhóm 13 đối tác sáng lập Khuôn khổ Kinh tế Thịnh vượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ dẫn đầu. Trong đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận Việt Nam không chỉ đang đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong việc hoàn thiện văn bản ở cả bốn trụ cột của IPEF, mà còn có nhiều nỗ lực ủng hộ năm chủ nhà Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 của Mỹ. Sự nhiệt tình từ phía Việt Nam đã giúp cho chính quyền ông J.Biden hoàn thiện các quỹ đạo hợp tác kinh tế ở khu vực vốn là lĩnh vực mà phía Mỹ đã từng từ bỏ ngay từ sau quyết định rút khỏi cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Văn phòng Trung ương Đảng vào chiều 10/9

Thêm vào đó, Việt Nam không chỉ có trữ lượng đất hiếm nói chung (REE) mà cả các nguyên tố chiến lược như nam châm đất hiếm (Rare-earth magnet) đều thuộc tốp đầu của thế giới. Đây dường như chính là nguyên nhân khiến cho ông Biden chọn Việt Nam trở thành mối nối quan trọng cho chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng REE trên toàn cầu dựa trên việc thiết lập một loạt các Đối tác An ninh Khoáng sản (MSP) từ tháng 6/2022. Ngay cả quyết định xây dựng văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Hà Nội cũng cho thấy phía Mỹ nhìn nhận Việt Nam như một “mắt xích” quan trọng cho mạng lưới an ninh y tế bao gồm 4 văn phòng khu vực của CDC Mỹ trên toàn thế giới.

Đối với lĩnh vực bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, phía Mỹ cũng nhận được sự ủng hộ của Việt Nam trong định hướng xây dựng lực lượng đa quốc gia cùng ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) từ tháng 7/2022. Việt Nam cũng là đối tác ủng hộ trách nhiệm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai đa quốc gia thường niên lớn nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ vẫn đang triển khai ở khu vực thông qua khuôn khổ Đối tác Thái Bình Dương (PP-23).

Thúc đẩy xu hướng “cùng thắng” dựa trên nền tảng “cân bằng”

Nhìn chung, mối quan hệ Việt - Mỹ đang trải qua nhiều cơ duyên và sức biến chuyển vô cùng mạnh mẽ. Từ nền tảng lịch sử để lại, với sự khác biệt về chế độ chính trị dẫn đến đối đầu toàn diện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đến nay quan hệ Việt - Mỹ đã và đang hoàn tất các công đoạn mang tính chất “tiền trạm” để sẵn sàng cho một bước phát triển mới sau gần 20 năm củng cố quan hệ và 10 năm xây dựng nền tảng Đối tác Toàn diện.

Quá trình tích lũy các tương tác “cùng thắng” trong toàn bộ các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước không chỉ thúc đẩy cả Việt Nam và Mỹ hướng đến một cấp độ quan hệ sâu rộng hơn, mà còn góp phần định hình một nền tảng “cân bằng” đang rất cấp thiết trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc sắp đạt đỉnh điểm. Nền tảng “cân bằng” này vừa giúp củng cố nhận thức hài hòa về lợi ích giữa hai nước, vừa tăng cường xu hướng “đa phương hóa, đa dạng hóa”.

Tư duy “không chọn phe” cũng từ đây có thể gắn kết các sáng kiến toàn cầu do các nước lớn điều phối vốn đang có dấu hiệu phân tách lẫn nhau quay về một nền tảng hợp tác tất cả cùng có lợi. Thậm chí nền tảng này có thể sẽ do các quốc gia có vị thế trung tâm kết nối giữa hai đại dương như Việt Nam hay khối các quốc gia ASEAN đóng góp vai trò điều phối. Quan hệ Việt - Mỹ vì thế đang đứng trước một cột mốc lịch sử để có thể trở thành một hình mẫu quan trọng thúc đẩy xu hướng hòa bình về cục diện, hòa dịu trong xung đột và hòa hợp về lợi ích trong quan hệ quốc tế từ nay về sau.

TS. BÙI HẢI ĐĂNG (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/quan-he-viet-my-thuc-day-xu-huong-cung-co-loi_152385.html