Quân đội Thái Lan sẽ vào cuộc dẹp chính biến?

Phó Thủ tướng lâm thời Thái Lan Surapong Tovichakchaikul hôm qua (27/12) thừa nhận, một số thành viên của Đảng cầm quyền Pheu Thai muốn có một cuộc đảo chính quân sự nhưng là để lật đổ một chính quyền hoạt động theo chương trình nghị sự của những người biểu tình chống chính phủ.

Quân đội Thái Lan đối mặt với người biểu tình áo đỏ trong cuộc khủng hoảng năm 2009.

"Họ muốn nhìn thấy quân đội xé bỏ hiến pháp” để chứng kiến tương lai của Thái Lan rơi vào tay “những người không đến từ đâu”, ông Surapong cho biết trong chương trình “Bên trong Thái Lan” được phát sóng trên đài phát thanh FM97.0 khi được hỏi về cảm giác cũng như phản ứng của các thành viên trong đảng về diễn biến chính trị hiện nay.

Những phát biểu trên của ông Surapong là ám chỉ đến thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban và cái gọi là Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân của ông này cũng như chiến dịch đường phố của họ nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và thúc đẩy cải cách trước bầu cử.

Ông Surapong – cũng là người đứng đầu Trung tâm Quản lý Hòa bình và Trật tự của chính phủ Thái Lan, không cho biết ông này có đồng ý với quan điểm nói trên của một số thành viên trong đảng Pheu Thai hay không.

Tuy nhiên, tiết lộ của Phó Thủ tướng lâm thời Thái Lan đã phản ánh cách nghĩ của một số thành viên trong đảng cầm quyền. Đó là, đảng này sẽ không khuất phục trước đòi hỏi của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân và vì thế, tình trạng bế tắc chính trị ở quốc gia Đông Nam Á này sẽ tiếp tục kéo dài.

Theo ông Surapong, các thành viên của đảng Pheu Thai, trong đó có bản thân ông, phản đối hiến pháp hiện hành nhưng vẫn có thể sống chung với nó bằng cách tuân theo các quy định, luật lệ.

Hiến pháp Thái Lan hiện thời được viết lên bởi những người do chính quân đội lựa chọn sau khi lực lượng này thực hiện cuộc đảo chính quân sự năm 2006, lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Phát biểu của ông Surapong thể hiện rõ sự thù địch vẫn còn tồn tại trong lòng nhiều người áo đỏ cũng như những người ủng hộ đảng Pheu Thai đối với quân đội vì việc lực lượng này đã thực hiện cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin, chưa kể là cuộc đàn áp đẫm máu người biểu tình áo đỏ của quân đội trong cả hai năm 2009 và 2010.

Quân đội quyền lực của Thái Lan trước đây vốn luôn nghiêng về tầng lớp hoàng gia, trung lưu ở thành thị. Đây cũng là lực lượng nổi tiếng vì hay can thiệp vào chính trường với 18 cuộc đảo chính trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, lần này, quân đội đã tỏ ra kiềm chế khi tuyên bố đứng trung lập suốt trong thời gian gần 2 tháng vừa rồi.

Rõ ràng, việc ghi dấu ấn bất thành trong thời gian cầm quyền sau cuộc đảo chính năm 2006 đã dạy cho quân đội hiểu, họ nên chờ đợi xem các đồng minh chính trị của mình có thể phá vỡ được thế áp đảo của phe ông Thaksin trong 5 cuộc tổng tuyển cử trong 12 năm qua hay không trước khi quyết định hành động.

Ngày hôm qua, người ta vẫn bất ngờ khi Tư lệnh Lục quân Thái Lan lần đầu tiên đề cập đến khả năng thực hiện một cuộc đảo chính quân sự mới.

Kẻ thù mới?

Đảng Pheu Thai đang ra sức ủng hộ cho kế hoạch tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2/2 tới và đảng cầm quyền đang xem Ủy ban Bầu cử là một "kẻ thù mới" khi mới đây ủy ban này bất ngờ lên tiếng kêu gọi hoãn cuộc tổng tuyển cử.

Là một cố vấn thân cận của cựu Thủ tướng Thaksin, Phó Thủ tướng Surapong hôm qua đã kịch liệt lên án Ủy ban Bầu cử Thái Lan, nói rằng ủy ban này đã phản ứng thái quá đối với kế hoạch bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới.

Ủy ban Bầu cử có nhiệm vụ tổ chức cuộc tổng tuyển cử và bảo đảm nó diễn ra công bằng, không có bạo lực. Ủy ban Bầu cử không nên tự coi mình là một người chơi trong cuộc xung đột chính trị hiện nay, ông Surapong đã cảnh báo như vậy.

Nếu Ủy ban Bầu cử lo lắng về tình trạng bạo lực, họ có thể đề nghị sự giúp đỡ từ chính phủ. Chính phủ luôn sẵn sàng bảo đảm an ninh cần thiết để bảo vệ an toàn cho các cử tri cũng như để thúc đẩy cuộc bầu cử diễn ra đúng như kế hoạch, ông Surapong nhấn mạnh.

Trước đó, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã đưa ra lời kêu gọi hoãn lại kế hoạch tổng tuyển cử sau khi xảy ra các cuộc đụng độ đổ máu giữa người biểu tình với lực lượng cảnh sát ở ngay bên ngoài sân vận động Thái-Nhật ở Din Daeng – nơi các ứng cử viên tham gia bầu cử tiến hành thủ tục đăng ký.

Các thành viên của Ủy ban Bầu cử hôm 26/12 đã vận động giới lãnh đạo Pheu Thai và Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân qua đường dây điện thoại trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm lập trường chung đối với việc hoãn bầu cử. Ủy ban này bày tỏ lo ngại, sẽ có thêm nhiều vụ bạo lực từ giờ đến ngày bầu cử trừ khi hai phe đối địch có thể thỏa hiệp với nhau.

Một thành viên của Ủy ban Bầu cử - ông Somchai Srisuthiyakorn thừa nhận, họ không đạt được tiến bộ nào trong quá trình hội đàm với giới chức cấp cao của cả hai bên. Các cuộc hội đàm này không có sự tham gia của thủ lĩnh hai phe là Lãnh đạo Đảng Pheu Thai Charupong Ruangsuwan và thủ lĩnh biểu tình Suthep.

"Ít nhất chúng tôi vẫn thấy được khích lệ bởi họ đã gọi lại cho chúng tôi”, ông Somchai cho biết sau khi cố tìm cách liên lạc với nữ Thủ tướng Yingluck và ông Suthep.

Ông Somchai cho hay, ông này sẽ tiếp tục cố gắng điều đình với các nhà lãnh đạo đồng thời nói thêm rằng, tất cả các thành viên của Ủy ban Bầu cử chỉ đang thực hiện quyền của họ với tư cách là một công dân chứ không phải là một thành viên của Ủy ban Bầu cử nhằm ngăn chặn một cuộc tổng tuyển cử bạo lực.

Ông Somchai thẳng thừng bác bỏ thông tin về việc các thành viên của ủy ban đang cân nhắc từ chức để buộc chính phủ phải hoãn cuộc tổng tuyển cử. Theo ông này, đó chỉ là phương sách cuối cùng.

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/tin-tuc/17_2051496/quan_doi_thai_lan_se_vao_cuoc_dep_chinh_bien.html