Quan điểm giáo dục lạc hậu là nguồn gốc gây ra bạo hành trẻ em

Theo chuyên giá tâm lý Hồng Hương, nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn bạo hành trẻ em xuất phát từ sự thiếu kiến thức về giáo dục, thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức hạn chế.

Mới đây, dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ khi mạng xã hội (MXH) xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một bé trai 9 tuổi bị cha dượng đánh đập dã man trong phòng khách.

Trước đó, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra đã gây rúng động dư luận, mà kẻ bạo hành lại là những người cha dượng, mẹ kế, thậm chí là cha mẹ ruột. Có trường hợp trẻ đã không qua khỏi sau những đòn tra tấn man rợ như thời trung cổ. Năm 2021, một bé gái 8 tuổi ở TP. HCM đã bị “mẹ kế” dùng hung khí nguy hiểm liên tục đánh đập dã man trong 4 giờ liên tiếp, làm nạn nhân tử vong. Đầu năm 2022, dư luận bàng hoàng với vụ việc một bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị người tình của mẹ bạo hành theo cách không thể dã man hơn - đóng 9 cái đinh vào đầu dẫn đến tử vong do tổn thương não quá nặng.

Đây là hồi chuông báo động về vấn nạn bạo hành trẻ em. Điều đáng lo ngại hơn, có thể những vụ việc được phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, ở đâu đó, hằng ngày vẫn có những đứa trẻ khác bị bạo hành nhưng chưa được phát hiện. PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Chuyên gia tâm lý Hồng Hương - Thường trực Thư viện Lưu trú (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) về vấn đề này.

Trẻ bị bạo hành có thể trở thành người có xu hướng bạo lực

PV: Thưa chuyên gia tâm lý Hồng Hương, việc cha dượng/mẹ kế sử dụng bạo lực sẽ để lại ám ảnh tâm lý nặng nề như thế nào với những đứa trẻ?

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương: Bạo hành trẻ em, dù là bằng vũ lực hay lời nói cũng để lại ám ảnh tâm lý nặng nề và phải mất thời gian dài mới có thể phục hồi. Khi bị bạo lực, bạo hành, trẻ thường thu mình, lo lắng, buồn phiền, xa lánh mọi người, không thích tiếp xúc và luôn mang cảm giác sợ sệt. Trầm trọng hơn là trẻ bị rối loạn tâm thần với các triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác, có những ý nghĩ tiêu cực. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều năm về sau trong cuộc đời, ảnh hưởng đến việc học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội.

Khi trẻ sống trong môi trường, hằng ngày phải chứng kiến và hứng chịu những lời nói xúc phạm, lăng mạ, đánh đập từ cha mẹ, tính cách của trẻ sẽ sẽ ảnh hưởng rất lớn. Nếu biểu hiện ra bên ngoài lúc nhỏ, trẻ đang hiền lành bỗng trở nên hung bạo, hay cáu gắt, khó tính, thậm chí có hành vi hung tính như đánh đập người khác hoặc độc ác với thú vật, vậy thì khi lớn lên, trẻ có khả năng trở thành người dễ dàng dùng bạo lực với người khác, xa đọa vào các tệ nạn, sớm bị tha hóa và bị xã hội lên án, tẩy chay.

Điều này đã xảy ra rất nhiều trong thực tế cuộc sống và được cho là dễ hiểu, bởi quá trình hình thành tính cách của trẻ ảnh hưởng rất lớn từ môi trường sống, cách giáo dục của cha mẹ... Và hiển nhiên rằng, việc bạo hành ấy đã in sâu trong tiềm thức và dần trở thành một phần tính cách của trẻ.

Ngoài ra, việc sống trong môi trường không lành mạnh, bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, trẻ sẽ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác và cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình. Thậm chí trẻ trở nên vô cảm, không biết lên án những hành vi phi đạo đức của người khác.

Điều đặc biệt lưu ý là việc bạo hành sẽ gây hậu quả trầm trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Bị bạo hành, trẻ dần dần hình thành một nhân cách nhút nhát, tự ti, thiếu sự khẳng định mình. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi và khó để vượt qua các thử thách biến cố hay thất bại trong cuộc sống sau này. Vì thế, trẻ dễ mắc phải các rối loạn stress, lo âu và trầm cảm kéo dài. Qua đó có thể thấy, hành vi bạo hành trẻ em có tác hại vô cùng nghiêm trọng đến sự hình thành và phát triển trí não, nhân cách và hành vi của trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, hành vi bạo hành trẻ em có tác hại vô cùng nghiêm trọng đến sự hình thành và phát triển trí não, nhân cách và hành vi của trẻ. Ảnh: NVCC

PV: Bà có thể chỉ ra những dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành? Những biện pháp để giúp trẻ phục hồi sau bạo lực phụ huynh có thể làm là gì?

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương: Chúng ta nên sớm nhận biết dấu hiệu khi trẻ bị bạo hành, những dấu hiệu này có thể dễ dàng phát hiện ra nếu người thân, các bậc cha mẹ quan sát. Những đứa trẻ bị bạo hành trên cơ thể có thể xuất hiện những vết thâm tím, trầy xước, vết thương xuất hiện ở những chỗ thường khó có thương tích khi bị ngã, vết thương đang lên da non, vết sẹo, vết trầy rát, vết bỏng do thuốc lá hoặc bàn là, nước sôi, xuất hiện ở nhiều chỗ trên cơ thể,...

Ngoài các dấu hiệu về thể chất biểu hiện rõ nét trên cơ thể của trẻ thì các dấu hiệu khác cũng cần được lưu tâm như trẻ ngủ hay giật mình, tiểu dầm, chậm chạp, đờ đẫn, la khóc. Về tâm lý, trẻ sẽ có những thái độ và hành vi thay đổi như luôn thu mình, sợ hãi, dễ hoảng loạn, né tránh tiếp xúc và giao tiếp với người khác. Ngoài ra, những đứa trẻ này thường có những hành động bất thường như hung hăng, dễ tức giận, nổi loạn vì những vấn đề không theo ý mình. Đặc biệt, trẻ thường cảm thấy tự ti, hiếm khi lên tiếng thể hiện quan điểm, nhút nhát, kém tập trung, kết quả học tập giảm sút bất ngờ.

Khi phát hiện hay cảm thấy nghi ngờ trẻ bị bạo hành, chúng ta nên tách trẻ khỏi tình huống, sự kiện gây khủng hoảng càng sớm càng tốt. Cần kiểm tra xem trẻ có tổn hại gì về mặt cơ thể không, tránh la mắng trẻ hoặc ép trẻ tiếp tục làm những việc mà trẻ sợ hãi, hạn chế khoét sâu vào nỗi đau của trẻ bằng nhiếc móc, đổ thừa; tránh bắt trẻ kể lại sự việc khủng khiếp đã xảy ra, trừ khi trẻ tự mình kể lại chuyện đó.

Điều cần thiết nhất là phải tách trẻ khỏi môi trường gây bạo lực ngay lập tức, tránh tối đa việc trẻ phải một mình đối diện với người gây bạo lực. Người nhà, bè bạn, thầy cô, xã hội cần tạo một môi trường ổn định, an toàn cho trẻ, tránh việc công khai thông tin cá nhân của trẻ lên truyền thông vì có thể tăng nặng sang chấn của trẻ.

Người lớn đặc biệt là người trẻ tin yêu luôn ở bên trẻ sau khi xảy ra khủng hoảng để giúp trẻ cảm thấy không bơ vơ, đơn độc đối phó với sang chấn và phải dành cho trẻ thật nhiều sự yêu thương và quan tâm. Kết nối, lắng nghe và khuyến khích trẻ chia sẻ mọi vấn đề của mình cho những người lớn mà trẻ tin cậy. Trẻ bị bạo lực đôi khi có xu hướng hung hăng, tuy nhiên phụ huynh tránh đáp lại bằng sự tức giận.

Nếu chúng ta cảm thấy còn lo lắng hoặc các triệu chứng của trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm, gia đình có thể đưa trẻ đến gặp các nhà chuyên môn như chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội, bác sĩ để có được những lời khuyên cho từng trường hợp cụ thể. Hệ quả của khủng hoảng sẽ được giảm thiểu rất nhiều nếu có thể can thiệp tâm lý trong vòng 6 giờ, vì vậy yếu tố về thời gian rất quan trọng.

Nguyên nhân do không có phương pháp giáo dục đúng đắn

PV: Vấn nạn bạo hành có phải thể hiện sự bất lực, yếu kém, không biết cách giải quyết sự việc ổn thỏa các các bậc phụ huynh đối với con của mình nên thường xuyên tìm đến hành vi bạo lực? Đâu là nguyên nhân dẫn đến những hành vi làm tổn thương thể xác lẫn tinh thần của trẻ từ những người lớn, thưa chuyên gia?

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương: Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. Tuy nhiên, hàng loạt vụ trẻ em bị bạo hành, đánh đập tàn bạo liên tiếp xảy đến. Các em thường bị bạo hành ngay trong gia đình của mình, nơi vốn được coi là an toàn đối với các em. Và chính người thân, bố, mẹ, bố dượng, mẹ kế là những người bạo hành đó. Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi này.

Thứ nhất, nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn này xuất phát từ sự thiếu kiến thức về giáo dục, nhất là từ gia đình. Trình độ hiểu biết và nhận thức của những người bạo hành còn hạn chế. Họ không hề cập nhật những kiến thức mới nhất của phương pháp giáo dục hiện đại ngày nay, thiếu hiểu biết về pháp luật…

Các bậc cha mẹ không được tiếp cận với giáo dục trẻ đúng cách, nhiều bậc cha mẹ còn có quan niệm rằng: “Phải đánh mới nên người”, vì vậy họ có niềm tin sai lệch sử dụng roi vọt như một biện pháp trừng phạt giúp trẻ biết lỗi để trẻ không dám tái phạm. Họ cho rằng, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận. Quan niệm “yêu cho roi, cho vọt” đã hậu thuẫn cho biện pháp giáo dục lạc hậu này.

Thứ hai, những người bạo hành thường hành động theo quan điểm, bản năng. Môi trường gia đình ảnh hưởng nhiều tới thái độ ứng xử, hành vi của họ, có thể tuổi thơ của họ đều có những tổn thương tương tự, đã từng bị chính bố mẹ của mình sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, do đó họ bị kích động, không biết cách kiềm chế cảm xúc.

Thứ ba, việc phụ huynh có hành vi bạo lực với con của mình cũng có nguyên nhân từ áp lực công việc, do thiếu kiềm chế, không làm chủ được mình, thiếu kỹ năng ứng xử… Nhiều người trút tức giận, bực bội lên đầu trẻ do chưa có kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng phân tích tâm lý dẫn đến bạo lực với con mình.

Dù xuất phát từ bất kỳ lý do nào đi chăng nữa, hành vi sử dụng bạo lực với trẻ có thể xem như một sự sa sút nhân cách, sự bất lực về năng lực giáo dục trẻ. Trong khi đó, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương vì các em có hiểu biết hạn chế về quyền của mình nên không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra.

Lê Đức Thắng (SN 1982, trú tại Khu phố Bình Thiện, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài) đánh đập bé trai 9 tuổi gây bức xúc dư luận.

PV: Theo bà, cần những giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề bạo hành một cách triệt để?

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương: Bạo hành xảy ra còn do một nguyên nhân là học sinh thiếu hiểu biết về pháp luật nên cần định hướng nâng cao nhận thức quyền trẻ em, trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết để tránh bị bạo hành. Bên cạnh đó, môi trường gia đình có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách, do đó cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, các bậc phụ huynh cần nâng cao kỹ năng giáo dục trẻ, cập nhật phương pháp giáo dục con cái tiên tiến.

Các nhà chức trách, chính quyền tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ trẻ em, phải quan tâm, chăm lo cho trẻ em, thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác Đoàn, Đội. Cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Ngoài ra, cần thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ em.

Tóm lại, để ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em trong gia đình, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ba môi trường gia đình - nhà trường - xã hội.

Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/quan-diem-giao-duc-lac-haula-nguon-goc-gay-ra-bao-hanh-tre-em-d4101.html