Quản Bạ quyết tâm kiểm soát bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò

Trước diễn biến phức tạp của bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên địa bàn huyện Quản Bạ nói riêng và tỉnh ta nói chung, huyện Quản Bạ đã và đang huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành đồng bộ, thống nhất các giải pháp quyết tâm kiểm soát bệnh VDNC trên đàn trâu, bò.

Lãnh đạo xã Cao Mã Pờ hướng dẫn người dân thôn Vàng Chá Phìn phòng, chống bệnh trên gia súc.

Theo báo cáo của ngành chức năng, từ ngày 26.5 – 4.6.2021 trên địa bàn thị trấn Tam Sơn, xã Nghĩa Thuận, Thái An có gia súc nghi mắc bệnh VDNC. UBND huyện đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn có gia súc nghi mắc bệnh tiến hành lấy mẫu của gia súc gửi đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng II Hải Phòng, kết quả các mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm đều dương tính vi rút VDNC. Tính đến ngày 10.8 bệnh VDNC xảy ra tại 1.733 hộ/79 thôn/11 xã, thị trấn với tổng số gia súc mắc bệnh là 2.665 con; số gia súc chết 256 con, gia súc được chữa khỏi triệu chứng 535 con, số còn lại đang tiếp tục điều trị. Qua điều tra, nắm bắt tình hình cho thấy những con gia súc mắc bệnh đầu tiên trên địa bàn huyện đều là gia súc được nuôi tại gia đình từ trước khi phát bệnh ít nhất là 6 tháng, xung quanh không có hộ kinh doanh buôn bán, giết mổ hoặc mới mua gia súc từ nơi khác về nuôi. Từ đó nhận định nguồn lây bệnh đầu tiên tại huyện Quản Bạ là do vật chủ trung gian gây ra.

Đồng chí Phạm Ngọc Pha, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, cho biết: Ngay sau khi nhận được kết quả thông báo của Chi cục Thú y vùng II, UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các biện phòng, chống dịch bệnh lây lan. Thành lập các tổ công tác phun thuốc khử trùng, tiêu độc đối với các hộ chăn nuôi trâu, bò trong vùng dịch 1 lần/ngày; tại các khu vực lân cận 3 lần/tuần. Thực hiện phun thuốc diệt côn trùng tại các hộ chăn nuôi có gia súc mắc bệnh 2 - 3 tuần/lần. Thực hiện nghiêm việc dừng giết mổ, buôn bán, vận chuyển trâu, bò và các sản phẩm của trâu, bò tại vùng dịch theo quy định. Chỉ đạo các ngành chuyên môn thường xuyên có mặt tại ổ dịch hướng dẫn người dân cách ly, điều trị triệu chứng cho những con gia súc mắc bệnh. Đồng thời nắm bắt tình hình tại cơ sở, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh có thể lây lan ra diện rộng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi họp thôn, phát tờ rơi… để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, biết áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, chủ động đăng ký mua vắc xin tiêm phòng... Đến nay, UBND huyện cấp cho UBND các xã, thị trấn có dịch 560 lít hóa chất để thực hiện việc tiêu độc, khử trùng vùng dịch và các vùng lân cận với tổng diện tích đã phun ước đạt khoảng 550.000 m2; tiếp nhận phân bổ cho các xã, thị trấn 11.275 liều vắc xin để tiêm cho số gia súc thuộc diện tiêm phòng.

Tuy nhiên, việc kiểm soát bệnh VDNC trâu, bò gặp không ít khó khăn, do thời tiết nóng, ẩm, nắng mưa thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho côn trùng phát triển; nguồn lây truyền chủ yếu của VDNC là do côn trùng mang mầm bệnh từ khu vực này sang khu vực khác, dẫn đến việc khoanh vùng, tiêu diệt mầm bệnh gặp khó khăn hơn; nhận thức về mức độ nguy hiểm dịch bệnh VDNC của một số bộ phận người chăn nuôi còn hạn chế, chưa làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo tuyên truyền, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền cơ sở... Để khắc phục những khó khăn trên, UBND huyện tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của ngành chuyên môn. Chỉ đạo lực lượng nông nghiệp, thú y bám nắm cơ sở, đi thực tế từng hộ có gia súc mắc bệnh để hướng dẫn điều trị bệnh cho gia súc theo hình thức cầm tay chỉ việc. Rà soát, tiêm bổ sung vắc xin phòng, chống dịch VDNC cho các con gia súc không thuộc diện tiêm trong các đợt tiêm phòng vừa qua, phấn đấu 100% tổng đàn gia súc được tiêm vắc xin. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát trâu, bò, kịp thời phát hiện các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực chăn nuôi.

Bệnh VDNC là bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, gia súc được điều trị khỏi triệu chứng nhưng vẫn mang mầm bệnh trong cơ thể, khi gặp điều kiện thuận lợi có thể phát bệnh. Vì vậy, mỗi người dân hãy cùng nhau nâng cao nhận thức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất do bệnh VDNC gây ra cho đàn gia súc.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202108/quan-ba-quyet-tam-kiem-soat-benh-viem-da-noi-cuc-o-trau-bo-781257/