Quận Ba Đình được đặt tên theo địa danh của tỉnh nào?

Quận Ba Đình là trung tâm của thủ đô Hà Nội. Ngoài các cơ quan chủ chốt của Nhà nước Việt Nam, quận này còn sở hữu hàng loạt công trình mang ý nghĩa lịch sử, gắn liền với hàng nghìn năm phát triển của đất nước.

1. Quận Ba Đình được đặt tên theo địa danh của tỉnh nào?

Phú Thọ
Bắc Ninh
Nghệ An
Thanh Hóa

Chính xác

Quận Ba Đình thuộc Hà Nội, nhưng tên gọi này lại xuất phát từ địa danh chiến khu Ba Đình, nay thuộc xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, đây là nơi quân và dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An tập hợp lực lượng, ủng hộ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX. Chiến khu xây dựng trên địa bàn ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê.

Vào mùa mưa, căn cứ trở thành một hòn đảo nhỏ, nổi lên giữa ruộng nước mênh mông, xung quanh là lũy tre dày đặc với hệ thống hào rộng, cắm đầy chông nhọn và lỗ châu mai. Vì mỗi làng trong chiến khu đều có một cái đình, đứng ở đình này có thể quan sát được đình làng khác, nên gọi là chiến khu Ba Đình.

2. Ai là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Đình?

Phan Bá Vành
Nguyễn Duy Hiệu
Đinh Công Tráng
Nguyễn Thiện Thuật

Chính xác

Đinh Công Tráng (1842-1887) là lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông sinh tại làng Trinh Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi quân Pháp tiến đánh miền Bắc, Đinh Công Tráng gia nhập đội quân của tướng nhà Nguyễn Hoàng Kế Viêm và tham gia trận Cầu Giấy năm 1883.

Năm 1886, Huế thất thủ, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, Đinh Công Tráng đã chọn ba làng thuộc huyện Nga Sơn, Thanh Hóa xây dựng chiến khu, dựng cờ khởi nghĩa. Hoạt động của nghĩa quân khiến quân Pháp lo sợ và tập trung hàng ngàn quân để đàn áp.

Tháng 1/1887, sau khi chiếm được chiến khu Ba Đình, quân giặc ra sức bắn giết, tàn phá, ép triều đình nhà Nguyễn phải xóa tên ba làng ra khỏi bản đồ hành chính. Một số tài liệu cho rằng Đinh Công Tráng đã về Nghệ An để tiếp tục gây dựng lại phong trào, nhưng hy sinh tại làng Trung Yên, huyện Đô Lương đầu tháng 10/1887.

3. Địa danh Ba Đình xuất hiện lần đầu tại Hà Nội khi nào?

1939
1945
1954
1975

Chính xác

Tháng 7/1945, bác sĩ Trần Văn Lai, người Việt đầu tiên giữ chức Thị trưởng Hà Nội đã cho đổi tên vườn hoa Puginier trước Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), thành vườn hoa Ba Đình.

Đến ngày 2/9, địa điểm này trở thành nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công bố chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân, đồng bào.

Năm 1959, tên Ba Đình được đặt cho một trong 8 khu phố nội thành Hà Nội. Đến 1981, khu phố Ba Đình đổi thành quận Ba Đình như hiện tại.

4. Công trình nào sau đây không thuộc địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội?

Lăng Bác
Cột cờ Hà Nội
Hoàng thành Thăng Long
Văn miếu Quốc Tử Giám

Chính xác

Ba Đình là một trong bốn quận trung tâm Thủ đô, đồng thời sở hữu nhiều công trình mang ý nghĩa lịch sử, gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước như Hoàng thành Thăng Long, Đền Quán Thánh, Cột cờ Hà Nội, Chùa Một Cột, Đền Voi Phục, Lăng Bác… Riêng Văn miếu Quốc Tử Giám là di tích thuộc quận Đống Đa.

5. Quận Ba Đình không giáp với quận nào sau đây?

Đống Đa
Hai Bà Trưng
Hoàn Kiếm
Cầu Giấy

Chính xác

Quận Ba Đình gồm 14 phường với tổng diện tích khoảng 9,2km2. Phía Đông của quận giáp với quận Long Biên, ranh giới là sông Hồng. Phía Đông Nam giáp quận Hoàn Kiêm với các phố Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế. Phía Tây giáp quận Cầu Giấy, phía Nam giáp Đống Đa và phía Bắc giáp quận Tây Hồ. Quận Ba Đình không nằm cạnh quận Hai Bà Trưng.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quan-ba-dinh-duoc-dat-ten-theo-dia-danh-cua-tinh-nao-2266197.html