Quá trình chuyển đổi carbon thấp đang tái thiết lập các hệ thống năng lượng

Các nhà đầu tư đang đứng trước những thay đổi lớn về mặt cấu trúc sẽ diễn ra trong nhiều thập kỷ, định hình tăng trưởng và lạm phát dài hạn, đồng thời thúc đẩy những thay đổi nhanh chóng giữa các nền kinh tế, các lĩnh vực và doanh nghiệp.

Một cánh đồng pin năng lượng mặt trời dưới chân Núi Cấm, tỉnh An Giang. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong đó, 5 thay đổi đang được theo dõi là dân số già hóa và sự phân hóa về nhân khẩu học; sự gián đoạn kỹ thuật số và sự ra đời của trí tuệ nhân tạo; sự phân mảnh địa chính trị ngày càng tăng; những thay đổi phát triển nhanh chóng trong cấu trúc tài chính; cuối cùng là quá trình chuyển đổi carbon thấp và kết quả là tái phân bổ vốn khi hệ thống năng lượng toàn cầu được tái thiết lập ở nhiều nơi trên thế giới.

Chuỗi chuyển dịch cơ cấu

Theo bà Emily Woodland, người đứng đầu về các giải pháp chuyển đổi và bền vững; và ông Michael Dennis, người đứng đầu về chiến lược thay thế và thị trường vốn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Viện đầu tư BlackRock, quá trình chuyển đổi carbon thấp không phải là một xu hướng đơn lẻ, mà là một chuỗi chuyển dịch cơ cấu phức tạp về năng lượng, vật liệu, thực phẩm và cách sử dụng đất đai hướng tới một thế giới có lượng carbon thấp hơn.

Các chuyên gia này dự báo, quá trình chuyển đổi sẽ di chuyển với tốc độ khác nhau giữa các khu vực và lĩnh vực, và báo cáo “Kịch bản chuyển đổi” của Viện đầu tư BlackRock ước tính, việc áp dụng các nguồn năng lượng carbon thấp có thể tăng vọt khi chi phí liên quan giảm.

Quá trình này có thể thúc đẩy trung bình 4 nghìn tỷ USD vốn đầu tư mỗi năm, với các nguồn carbon thấp như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, chiếm 70% hỗn hợp năng lượng của thế giới vào năm 2050, gần gấp đôi so với hiện nay.

Ở châu Á, các nguồn năng lượng carbon thấp ước tính chiếm hơn một nửa nhu cầu năng lượng vào năm 2050, với chi tiêu vốn cho ngành năng lượng của khu vực sẽ tăng gấp đôi lên hơn 2 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.

Khi các nhà đầu tư quyết định xem quá trình chuyển đổi có ý nghĩa gì đối với các mục tiêu tài chính, họ ngày càng xem xét các cơ hội trong toàn bộ danh mục đầu tư. Cụ thể, một cuộc khảo sát được BlackRock thực hiện trên 200 nhà đầu tư tổ chức toàn cầu cho thấy, phần lớn các nhà đầu tư ưu tiên cách tiếp cận toàn bộ danh mục đầu tư. Trong khi đó, 98% đã kết hợp mục tiêu đầu tư chuyển đổi vào danh mục đầu tư, và khoảng 56% ước tính sẽ tăng phân bổ cho các chiến lược chuyển đổi trong vòng 1 - 3 năm tới.

Mặc dù quá trình chuyển đổi carbon thấp sẽ tác động đến hầu hết mọi loại tài sản, nhưng tác động sẽ đặc biệt có ý nghĩa đối với cơ sở hạ tầng. Lạm phát cao dai dẳng, cùng với những biến động gần đây trên thị trường chứng khoán và trái phiếu đã bộc lộ điểm mạnh của nhiều khoản đầu tư cơ sở hạ tầng.

Cơ hội mở rộng

Trong khu vực châu Á, nơi chiếm gần một nửa lượng khí thải toàn cầu và 80% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp phụ thuộc vào hydrocarbon, những thuận lợi về chính sách, khả năng cạnh tranh về chi phí ngày càng tăng, và nhu cầu của nhà đầu tư đang tạo ra những cơ hội mở rộng toàn bộ chuỗi giá trị.

Có thể thấy, sản xuất điện thường là điểm khởi đầu cho các nhà đầu tư có mục tiêu đầu tư chuyển đổi, vì đây là lĩnh vực phát thải nhiều carbon. Ở Đông Nam Á, các chính sách ngày càng hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, Philippines đang hướng tới mục tiêu phân bổ công suất 3,6 gigawatt (GW) cho hoạt động thương mại trong hai năm 2024 và năm 2025, và tiếp tục tăng lên mức 4,4 GW vào năm 2026. Thái Lan đã đặt mục tiêu 30% công suất tái tạo vào năm 2037…

Những thuận lợi chính sách này tạo tiền đề cho vốn tư nhân tìm kiếm cơ hội, từ sản xuất điện đến lưu trữ, truyền tải và cuối cùng là tiêu thụ điện.

“Song song với đó, chúng ta đã chứng kiến xu hướng hợp tác tài chính công - tư mạnh mẽ hơn, nhằm hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và những người tham gia thị trường khác để đẩy nhanh dòng vốn vào cơ sở hạ tầng khí hậu của thị trường mới nổi”, bà Emily Woodland và ông Michael Dennis nhận định trong một bài viết.

Hồi năm ngoái, một chiến lược tài chính với sự kết hợp giữa tài chính công, tư nhân và từ thiện, đã hỗ trợ các dự án năng lượng mặt trời ở Thái Lan, Philippines và Malaysia. Loại đầu tư này có thể hỗ trợ xây dựng năng lực bổ sung, cải thiện khả năng tiếp cận điện, cung cấp việc làm hoặc đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải hoặc độc lập về năng lượng.

Ngoài năng lượng tái tạo, cơ hội còn có thể được tìm thấy trong các bộ phận cấu thành khác nhau của chuỗi giá trị; chẳng hạn như pin và các hệ thống lưu trữ năng lượng khác. Những điều này đang trở nên cần thiết hơn khi tốc độ điện khí hóa ngày càng tăng.

Lê Thảo(Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/qua-trinh-chuyen-doi-carbon-thap-dang-tai-thiet-lap-cac-he-thong-nang-luong-140707.html