QUA MIỀN TRẦM TÍCH:Bài cuối: Đền đài phố cổ mê hoặc lòng người

Cùng với những trầm tích tự nhiên thì trầm tích văn hóa với nhiều đền đài, thành quách, phố xá cổ xưa đã hàng ngàn năm tồn tại làm sống động, lưu dấu rất riêng của con người và vùng đất Tứ Xuyên, Vân Nam. Ở Vân Nam, các châu tự trị như Đại Lý, Lệ Giang có các Thành cổ Đại Lý, Phố cổ Lệ Giang; ở Thành Đô có phố cổ Cẩm Ly, có đền thờ Vũ Hầu. Đi qua những địa danh đó, cùng với mỗi đêm được thưởng thức các chương trình nghệ thuật, tái hiện các hình ảnh xa xưa hay được tham quan phim trường Thiên Long Bát Bộ, du khách sẽ hiểu thêm bề dày lịch sử, văn hóa thâm sâu của người Trung Quốc, một phần quan trọng trong lịch sử nhân loại.

Du khách tham quan nơi bắt nguồn suối nước đổ về hồ Nhĩ Hải ở đỉnh núi Thương Sơn. Ảnh Đ.D

Ở Thành Đô- Tứ Xuyên, đến với đền Vũ Hầu, nơi thờ Lưu Bị cùng các quan thần nhà Thục Hán xưa, được mệnh danh là Tam Quốc thánh địa, du khách có dịp tận mắt ngắm, đặt tay lên mộ Lưu Bị để nghe âm vang tiếng của ngàn xưa vọng về. Ở Trung Quốc, trong khi hầu hết các ngôi mộ vua chúa ngày xưa đều bị các triều đại sau tìm cách xóa bỏ, nhất là trong thời cao điểm của cách mạng văn hóa, thì mộ Lưu Bị vẫn được bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay. Ngoài phần mộ, du khách được chiêm ngưỡng tượng Lưu Bị, Khổng Minh Gia Cát Lượng cùng các con ông và hàng chục vị quan thần văn võ đã làm nên triều đại Thục Hán nổi tiếng. Đến với đền Vũ Hầu nghe kể về sự hình thành đầy thăng trầm và thôn tính từ tham vọng quyền bính của các triều đại vua chúa ngày xưa ở vùng đất Tam quốc-Tào Ngụy, Tôn Ngô,Thục Hán, để rồi đêm về trong mỗi giấc mơ khi nằm nghỉ ở Thành Đô ta như nghe thấy được tiếng binh đao, khói lửa khốc liệt của các cuộc chinh chiến từ ngàn năm vọng lại. Sự hình thành của các đền đài, tôn vinh, ghi danh các vị công thần tướng quân qua các triều đại của vùng đất đầy binh biến này đã làm nên một vùng đất Thành Đô cuốn chân du khách tìm về. Không chỉ có đền thờ, lăng tẩm, Thành Đô còn có nhiều nơi để đến, trong đó có phố cổ Cẩm Ly được xem là thánh địa trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng Tam Quốc diễn nghĩa. Những ngôi nhà cổ kính được xây dựng theo phong cách triều đại nhà Thanh, những bức tường xây bằng đá từ ngàn xưa có kiến trúc mang đậm phong cách vùng Tây Nam của người Trung Quốc được phục chế, bảo tồn cho đến ngày nay. Ở chính những ngôi nhà cổ ngay trong lòng phố cổ Cẩm Ly, du khách còn được giới thiệu nét ẩm thực của người Tứ Xuyên, trong đó phải kể đến món lẩu Tứ Xuyên nổi tiếng. Chúng tôi may mắn trong số hiếm hoi du khách người Việt được thưởng thức món lẩu đặc sắc này ngay trong lòng phố cổ Thành Đô do chính người Tứ Xuyên chế biến.

Phố cổ không chỉ hiển hiện ở Thành Đô-Tứ Xuyên, trên hành trình về với vùng đất Vân Nam, còn gặp nhiều đền đài, phố cổ nổi tiếng như phố cổ Đại Lý, phố cổ Lệ Giang, Di tích Tòa Tam Tháp làm nên một Trung Hoa nổi tiếng không chỉ có Tử Cấm Thành hay Vạn Lý Trường Thành. Đặc sắc và ấn tượng nhất có lẽ là được đến chiêm ngưỡng nét độc đáo của phố cổ Lệ Giang, còn gọi với tên khác là Đại Nghiên Cổ Trấn, một trong những di tích lịch sử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Phố cổ trong nắng ban mai, khi rất ít du khách, thật tinh khiết, hiền hòa. Những dãy nhà cổ san sát chạy dài trên những con đường lát đá hàng trăm năm, cùng những con suối nhỏ róc rách chảy trong lòng phố nhỏ bên những hàng liễu rũ bóng. Đô thị cổ Lệ Giang được hình thành cách đây 800 năm, nằm ở độ cao 2.416 m, được xây dựng vào giai đoạn cuối Tống đầu Nguyên và được xây dựng hoàn chỉnh vào đời nhà Thanh. Trong lòng phố cổ, men theo những con đường nhỏ du khách sẽ bắt gặp và có dịp dừng chân nghỉ ngơi trên cầu Đại Thạch bằng đá nổi tiếng có lịch sử gần ngàn năm, hoặc được tận tay múc nước giếng trời đã có từ thời quân Nguyên Mông chinh phạt Trung Hoa, đến bây giờ người dân bản địa vẫn còn sử dụng để sinh hoạt. Nét khác lạ của thành cổ Lệ Giang là không có tường thành vây quanh, tương truyền do thủ lĩnh họ Mộc cai quản vùng đất này khi mới hình thành quan niệm nếu xây dựng tường thành vây quanh phố có nghĩa tự giam mình vì chữ mộc, nếu đóng khung xung quanh sẽ thành chữ khốn, có nghĩa bị vây hãm, bó buộc, nên quyết định không xây thành bảo vệ xung quanh. Chỉ tiếc một góc thành cổ đã bị phá hủy bởi trận động đất năm 1996, bây giờ vẫn còn phục dựng.

Một góc phố cổ Lệ Giang – Vân Nam.

Đến Vân Nam, ở thành phố Đại Lý, sau khi thưởng ngoạn cảnh quan điệp trùng của vùng núi Thương Sơn, du khách có dịp đến phim trường Thiên Long Bát Bộ để tận mắt chứng kiến tái hiện những cảnh quay của bộ phim nổi tiếng này. Đến Vân Nam, du khách còn được đi thăm làng các Dân tộc. Trong khuôn viên rộng rãi hàng chục héc-ta, được thiết kế những con đường quanh co uốn lượn rợp bóng cây, thấp thoáng hai bên đường là những ngôi nhà thể hiện bản sắc, nếp sinh hoạt của 56 dân tộc người Trung Hoa. Làng dân tộc Vân Nam cho ta hình dung được những đặc trưng cơ bản của con người và đất nước Trung Hoa rộng lớn. Cũng khá khen những người đã có ý tưởng, thiết kế, tạo dựng, giới thiệu ngôi làng này với du khách. Đến với làng dân tộc Vân Nam, chợt nghĩ các nhà làm văn hóa, du lịch Việt Nam cũng nên tạo dựng, bảo tồn những giá trị văn hóa các dân tộc Việt hiện dần bị mai một theo thời gian.

Những ngày rong ruổi dọc dài Tứ Xuyên, Vân Nam, tôi đã bắt gặp rất nhiều điều bất ngờ thú vị khi mỗi lần thả bộ trên các con phố cổ thơ mộng, hay đếm từng bậc tam cấp in dấu thời gian khi lên đỉnh núi Tây Sơn, Thương Sơn. Ở những nơi tôi đến, nhịp thở của thời gian hiện tại như được kéo lùi về quá khứ, cho tôi bắt gặp được trầm tích của văn hóa, của tự nhiên nghìn năm tích tụ để hình thành nên những di sản của nhân loại. Và, thật không nuối tiếc khi đã chọn một lần tìm về chiêm ngưỡng vùng đất này.

NGUYỄN ĐỨC DŨNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/113_167884_ba-i-cuo-i-de-n-da-i-pho-co-me-hoa-c-lo-ng-nguo-i.aspx