PVEP: 84 hành động cụ thể triển khai Chương trình thích ứng chuyển dịch năng lượng

Sáng 16/4/2024, PVEP tổ chức Hội thảo triển khai Chương trình hành động thích ứng với chuyển dịch năng lượng của PVEP. Trước đó, ngày 12/4, Hội thảo đã được tổ chức tại TP.Hô Chí Minh cho các đơn vị phía Nam.

Đây là sự kiện quan trọng, nhằm phổ biến mục tiêu và nội dung Chương trình hành động thích ứng chuyển dịch năng lượng đến toàn thể các Ban chức năng, các Đơn vị và cán bộ nhân viên trong Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Hội thảo cũng nghe các đại biểu thảo luận đóng góp ý kiến, giải pháp cho việc triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình hành động. Đồng thời nghe một số tham luận về giải pháp thích ứng chuyển dịch năng lượng của các Ban/văn phòng và hỏi đáp thắc mắc về Chương trình. Điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chương trình hành động.

PVEP tổ chức Hội thảo triển khai Chương trình hành động thích ứng với chuyển dịch năng lượng

Tiên phong xây dựng Chương trình hành động thích ứng với chuyển dịch năng lượng

Xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam là một quá trình quan trọng, đang diễn ra với sự tăng cường chuyển dịch từ nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch và bền vững. Xu thế chuyển dịch năng lượng này đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngành dầu khí nói chung và các công ty dầu khí như PVEP.

Nhận thức rõ tầm quan trọng phải có sự chuẩn bị chiến lược và kế hoạch cụ thể để chuyển đổi, thích nghi với xu thế chuyển dịch năng lượng, PVEP đã sớm xây dựng Chương trình hành động thích ứng với chuyển dịch năng lượng, ban hành lần đầu năm 2021. Đến nay, để phù hợp với bối cảnh năng lượng trong nước và quốc tế Ban Công nghệ và An toàn Môi trường đã cập nhật lại và ngày 11/01/2024, Tổng Giám đốc PVEP đã ban hành Chương trình hành động số 61/CTr-TDKT thích ứng với chuyển dịch năng lượng. Đây cũng chính là nội dung cuộc Hội thảo.

Ông Đinh Thế Hùng - Trưởng Ban Công nghệ & An toàn Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đinh Thế Hùng – Trưởng Ban Công nghệ và An toàn Môi trường cho biết, Chương trình hành động mới cập nhật đã đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để PVEP thực hiện nhằm thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng như: Hoàn thiện cơ chế chính sách pháp lý; Áp dụng các công nghệ mới thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng Khí so với Dầu; Nghiên cứu, triển khai dự án thu gom và lưu trữ CO2; Trồng rừng trung hòa carbon; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động… Các giải pháp này sẽ giúp PVEP từng bước thích ứng với xu hướng chuyển đổi năng lượng hiện nay.

4 nhóm giải pháp với 84 hành động cụ thể

Với chức năng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, PVEP tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí, đặc biệt tập trung vào khí tự nhiên, nâng cao hệ số thu hồi, tận thu các mỏ nhỏ, khối sót cận biên trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế trong điều kiện lợi thế cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch đang bị suy giảm. Trên cơ sở thường xuyên theo dõi, đánh giá các cơ chế, chính sách mới của Đảng, Chính phủ; nghiên cứu, tham khảo các mô hình chuyển dịch năng lượng trên thế giới nhằm đảm bảo chiến lược chuyển dịch năng lượng của PVEP luôn được cập nhật, từng bước điều chỉnh phù hợp.

Lãnh đạo Tổng công ty và các Phòng, Ban, đơn vị tham gia Hội thảo

Chương trình hành động thích ứng với chuyển dịch năng lượng của PVEP ban hành tháng 01/2024 đã xây dựng lộ trình hành động với 4 nhóm giải pháp cụ thể về: Quản trị triển khai chuyển dịch năng lượng; Quản trị năng lượng; Giảm phát thải ròng; Năng lượng tái tạo. Trong 4 nhóm giải pháp này bao gồm 9 nhiệm vụ và tổng cộng 84 hành động cụ thể cho từng Phòng, Ban, đơn vị thực hiện theo lộ trình.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách trồng rừng, cơ chế tín chỉ, giảm phát thải CO2, PVEP nên tận dụng thế mạnh về thu gom lưu trữ, chi phí cho các dự án thích ứng với chuyển dịch năng lượng…

Ông Trần Quốc Việt – Chủ tịch HĐTV PVEP lưu ý các đơn vị phải coi việc thích ứng với chuyển dịch năng lượng là việc cần làm ngay

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Trần Quốc Việt – Chủ tịch HĐTV PVEP lưu ý các đơn vị phải coi việc thích ứng với chuyển dịch năng lượng là việc cần làm ngay, không nên thực hiện theo kiểu phong trào mà phải đi vào thiết thực. Do vậy, mọi việc đều phải cần hết sức cụ thể, từng tuần, từng tháng, ai làm gì, như thế nào. Ông Việt cũng đề nghị sau Hội thảo, các đơn vị phải nhanh chóng lên kế hoạch cụ thể triển khai các hành động thích ứng. Giải pháp phải tranh thủ được điểm mạnh của đơn vị mình, cơ hội là gì phải nắm lấy. Thách thức là gì phải vượt qua. PVEP đang có lợi thế là người đi tiên phong, cơ chế chính sách cái gì chưa có phải chủ động kiến nghị, đề xuất để thực hiện. “Đặc biệt, mỗi dự án đều phải có dự trù kinh phí rất rõ ràng, cụ thể. Không biết chi phí là bao nhiêu, nguồn ở đâu thì sao chúng ta có thể triển khai được” – ông Việt nhấn mạnh.

Ông Ngô Khánh Xạ - Phó Tổng Giám đốc PVEP cho rằng vai trò của người lao động quyết định sự thành công của Chương trình hành động thích ứng với chuyển dịch năng lượng

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV Trần Quốc Việt, ông Ngô Khánh Xạ - Phó Tổng Giám đốc PVEP cho biết sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông nội bộ, tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của CBCNV để tiếp tục xây dựng các hành động cụ thể sát với thực tế. Trong chương trình thích ứng với chuyển dịch năng lượng của PVEP, vai trò của CBCNV, người lao động rất quan trọng, sự đồng thuận, đồng hành và cùng hành động của người lao động quyết định sự thành công của Chương trình. Vì thế, các Phòng, Ban chức năng cần tăng cường tuyên truyền để CBCNV nắm được các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình thích ứng chuyển dịch năng lượng, tổ chức các khóa đào tạo, kêu gọi người lao động mạnh dạn đóng góp ý tưởng và hành động vì sự phát triển bền vững của Tổng công ty.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo

4 nhóm giải pháp triển khai chương trình hành động thích ứng với chuyển dịch năng lượng của PVEP

Nhóm giải pháp về Quản trị triển khai chuyển dịch năng lượng:

Rà soát, hoàn thiện và bổ sung cơ chế, chính sách cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu;
Nghiên cứu về thị trường carbon: bao gồm cơ cấu, xu hướng và tiềm năng phát triển của thị trường trong tương lai; chuẩn bị thích ứng với công cụ định giá carbon, thuế, phí và giao dịch carbon;
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để triển khai thực hiện đổi mới công nghệ thăm dò khai thác theo hướng thân thiện với môi trường, ứng dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT), lồng ghép các nội dung chuyển dịch năng lượng trong các chương trình khoa học và công nghệ;
Đánh giá, cập nhật chương trình hành động của PVEP thích ứng với CDNL.

Nhóm giải pháp về Quản trị năng lượng:

Đẩy nhanh việc đưa các mỏ mới vào khai thác; Áp dụng các giải pháp công nghệ đẩy nhanh khai thác và tận thu các mỏ dầu hiện hữu; Chuyển dịch cơ cấu từ dầu sang khí; Cập nhật chiến lược phát triển PVEP;
Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong toàn PVEP về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Định kỳ hàng năm có báo cáo chi tiết về khả năng tối ưu hóa trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Triển khai xây dựng phương án sử dụng các ứng dụng năng lượng xanh, thân thiện với môi trường.

Nhóm giải pháp về Giảm phát thải ròng:

Nghiên cứu, tổng hợp, hệ thống số liệu, dữ liệu về phát thải khí nhà kính, thực hiện báo cáo sự phát thải khí nhà kính từ hoạt động thăm dò khai thác hàng năm. Nỗ lực thực hiện các bước làm giảm phát thải khí nhà kính thông qua xây dựng và giám sát lộ trình giảm phát thải ròng cho các Đơn vị/ Dự án;
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá và triển khai thí điểm dự án CCS/CCUS: thực hiện nghiên cứu khoa học trong đánh giá tiềm năng và ứng dụng công nghệ hiện đại tổng thể các khâu trong chuỗi CCS/CCUS. Hợp tác nghiên cứu chung với các đối tác trong và ngoài nước nhằm làm chủ công nghệ, hướng PVEP là đơn vị dẫn dắt về vận chuyển và bơm ép chôn vùi CO2;
Trồng rừng mục đích bảo vệ môi trường và trung hòa carbon; nghiên cứu khả năng hấp thụ khí nhà kính và triển khai thực hiện (Bảo vệ và phát triển rừng/các bể hấp thụ khí nhà kính tự nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học).

Nhóm giải pháp về Năng lượng tái tạo:

Nghiên cứu, xem xét việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng cho các dự án thăm dò khai thác dầu khí theo hướng tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời).

Hồ Nga

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/pvep-84-hanh-dong-cu-the-trien-khai-chuong-trinh-thich-ung-chuyen-dich-nang-luong-119760.htm