PV Power cơ bản thu xếp đủ vốn cho dự án Nhơn Trạch 3&4

Theo Phó Tổng Giám đốc PV Power Nguyễn Duy Giang, đến thời điểm này, PV Power đã cơ bản thu xếp đủ tài chính cho việc triển khai dự án điện Nhơn Trạch 3&4.

Tổng GIám đốc PV Power Lê Như Linh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Năm 2023, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam-CTCP (PV Power, mã chứng khoán POW) tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện nhiều khó khăn, rủi ro khách quan và chủ quan hiện hữu. Đây là nhận định của Hội đồng quản trị PV Power tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 sáng 25/4 tại Hà Nội. Tại Đại hội này, PV Power cũng bầu Chủ tịch HĐQT mới.

*Nhiều rủi ro hiện hữu

Theo bà Nguyễn Hoàng Yến Thành viên HĐQT, rủi ro đầu tiên chính là xung đột Nga-Ukraine vẫn diễn biến phức tạp khiến giá dầu thô, kéo theo giá khí, giá than và các chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất tăng cao, làm ảnh hưởng đến nhu cầu phụ tải và sản xuất điện của PV Power.

Bên cạnh đó, với việc thực hiện các cam kết về phát thải ròng tại COP26, vào mùa mưa và những khoảng thời gian thuận lợi, hệ thống sẽ ưu tiên huy động các nguồn năng lượng tái tạo với công suất đặt trên 21.000 MW, chiếm hơn 27% công suất đặt của toàn hệ thống phát điện. Do đó, việc huy động từ các nguồn nhiệt điện khí và than sẽ bị giảm, làm ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà máy điện hiện có của PV Power.

Toàn cảnh Đại hội cổ đông PV Power năm 2023. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Trong khi đó, các nhà máy điện của PV Power phải sử dụng nguồn khí bổ sung với giá cao, làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của PV Power khi tham gia thị trường điện. Hiện nay, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 phải bao tiêu khí nhưng không được chuyển ngang khối lượng khí bao tiêu tương ứng sang hợp đồng mua bán điện (PPA).

Khí cấp cho các nhà máy điện được giao đều các tháng trong năm trong khi điện được huy động theo mùa và theo sản lượng hợp đồng (Qc) được hệ thống phân bổ.

Qc của Nhà máy điện Nhơn Trạch được phân bổ chỉ ở mức tối thiểu (741,1 tr,kWh) và tập trung chủ yếu vào tháng 9 và tháng 10, các tháng khác được huy động ở mức thấp, dẫn đến tăng số lần khởi động và thời gian ngừng máy. Bên cạnh đó Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 ở cuối nguồn cấp khí nên phải chịu thêm phần cước phân phối Phú Mỹ- Nhơn Trạch với giá trị 0,647 USD/MM.BTU làm cho giá khí bình quân của Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 tăng cao, dẫn tới giá biến đổi tăng và ảnh hưởng đến khả năng huy động cũng như năng lực cạnh tranh so với các nhà máy điện khác trong khu vực.

Đặc biệt, năm 2023, nhiều Nhà máy điện của PV Power sẽ ngừng máy để sửa chữa lớn: Đại tu Nhà máy điện Cà Mau 2 và Nhơn Trạch 2; trung tu Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Thủy điện Hủa Na; tổ máy số 1 Nhà máy điện Vũng Áng 1 vẫn phải khắc phục sự cố trong quý I/2023.... Vì vậy, chí phí sản xuất của PV Power sẽ tăng trong thời gian dài ngừng máy.

Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ tăng cao cũng ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ và hiệu quả các nhà máy điện cũng như việc thu xếp vốn cho đầu tư. Hiện việc thu xếp vốn cho đầu tư các dự án nguồn điện gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu vốn đầu tư của PV Power rất lớn.

Tại đại hội, Tổng Giám đốc PV Power Lê Như Linh cũng cho biết, hiện nay PV Power tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ tiền điện; trong đó riêng nợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với PV Power đến thời điểm này đã lên tới 6.572 tỷ đồng. Đại diện Ban Kiểm soát cũng cho biết, riêng khoản nợ của EVN với PV Power chiếm tới 71% các khoản phải thu ngắn hạn của PV Power hiện nay.

*Kế hoạch lợi nhuận 2023 giảm hơn một nửa

Bỏ phiếu bầu HĐQT PV Power nhiệm kỳ mới. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

PV Power đã trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với tổng sản lượng điện sản xuất 15.600 triệu kWh, tăng hơn 1.680 triệu kWh so với thực hiện của năm 2022. Về kế hoạch tài chính năm 2023, tổng doanh thu là 30.332 tỷ đồng, tăng 1.542 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế kế hoạch năm 2023 là 1.118 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với con số thực hiện 2.553 tỷ đồng năm 2022.

Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, PV Power tiếp tục phối hợp với EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc A0, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) trong quản lý vận hành và sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện của PV Power, huy động tối đa công suất đảm bảo vận hành an toàn, khả dụng, hiệu quả các nhà máy điện.

PV Power tiếp tục bám sát thị trường điện cạnh tranh, tối ưu hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh các nhà máy điện khi tham gia thị trường và sẵn sàng tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. PV Power tập trung đàm phán với EVN và Công ty Mua Bán điện (EPTC) và báo cáo các cấp có thẩm quyền về Qc cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 (do không có cam kết cấp khí), Nhà máy điện Cà Mau 1&2… PV Power cũng đảm bảo cung cấp than ổn định, liên tục, dài hạn và triển khai tốt công tác tiêu thụ tro xỉ nhằm đảm bảo vận hành an toàn, liên tục cho Nhà máy điện Vũng Áng 1; triển khai đàm phán giá điện chính thức Nhà máy điện Vũng Áng 1 sau khi quyết toán vốn đầu tư dự án được phê duyệt.

Đối với sửa chữa lớn, PV Power chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhân lực, tài chính để đảm bảo đị tu, trung tu và tiểu tu các tổ máy với chất lượng và tiến độ đề ra.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc thu xếp vốn cho dự án đầu tư Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng Giám đốc PV Power cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1,4 tỷ USD bao gồm thuế giá trị gia tăng. Theo phương án được đại hội đồng cổ đông thông qua và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt, vốn chủ sở hữu chiếm 25%, tương đương hơn 300 triệu USD. Đến thời điểm này, PV Power cơ bản thu xếp đủ vốn cho dự án. Theo đó, PV Power thu xếp xong 25% vốn đối ứng trên cơ sở cân đối dòng tiền từ nay đến năm 2025. Bên cạnh đó, PV Power đã xúc tiến vay vốn từ 3 nguồn cơ bản: Vay 200 triệu USD của một ngân hàng Nhật Bản; Vay 4.000 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); khoản vay lớn nhất 500 triệu USD của Citibank và IG với lãi suất thấp nhất trong lịch sử phát triển của Pv Power. Bên cạnh đó, PV Power sẽ hoàn thành ký hợp đồng mua bán điện PPA với EPTC và hợp đồng mua bán khí GSA với PV GAS để triển khai các bước tiếp theo đảm bảo tiến độ cũng như hoàn thành việc thu xếp vốn cho dự án.

Về việc đảm bảo nguồn khí cho Nhà máy điện Cà Mau 1&2 trong bối cảnh nguồn khí từ vùng chồng lấn suy giảm, đại diện PV Power cũng cho biết tổng công ty đang đàm phán với các chủ mỏ khí nhỏ, đã chốt được thỏa thuận sơ bộ để báo cáo PVN và Chính phủ nhằm tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ, làm cơ sở để đầu tư. Nếu mọi việc thuận lợi, PV Power sẽ có nguồn khí bù đắp cho lượng khí suy giảm từ vùng chồng lấn Malaysia. PV Power cũng đang có kế hoạch nhập khẩu khí lâu dài với khối lượng lớn để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, PV Power đang đề nghị Bộ Công Thương cho phép xây dựng thêm nhà máy điện khí Cà Mau 3 sử dụng khí nhập khẩu. Dự án này đã được đưa vào dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực 8.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản toàn PV Power đạt 56.843.240.000.000 tỷ đồng. Doanh thu Công ty mẹ năm 2022 đạt 18.237 tỷ đồng/16.921 tỷ đồng bằng 108% kế hoạch được giao và vượt 1% so với thực hiện năm trước; Doanh thu toàn PV Power đạt 28.790 tỷ đồng, bằng 119% kế hoạch được giao và vượt 14% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế toàn PV Power đạt 2.809 tỷ đồng, đạt 325% kế hoạch và vượt 20% so với thực hiện năm trước. PV Power đã tiết kiệm được 3.161 tỷ đồng trong năm 2023 từ việc lựa chọn nhà thầu so với kế hoạch đầu tư được phê duyệt. Tổng sản lượng điện toàn PV Power năm 2022 ước đạt 14,2 tỷ kWh, đạt 102% so với kế hoạch.

Ngày 26/5/2022, PV Power được tổ chức Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm quốc tế năm thứ 2 liên tiếp ở mức “BB” với triển vọng tích cực. Tại kỳ cơ cấu tháng 7/2022, PV Power chính thức lọt rổ VN30.

* PV Power có Chủ tịch HĐQT mới

Tân Chủ tịch HĐQT PV Power Hoàng Văn Quang phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch PV Power Hồ Công Kỳ cho biết, hiện nay HĐQT có 7 thành viên, Ban kiểm soát có 5 thành viên. Theo điều lệ tổ chức hoạt động tổng công ty, nhiệm kỳ thành viên HĐQT và Ban kiểm soát không quá 5 năm. Như vậy tới thời điểm tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2023, PV Power có 3/5 thành viên HĐQT và 4/7 thành viên BKS hết nhiệm kỳ 5 năm. Vì thế PVN đã giới thiệu các nhân sự thay thế. Như vậy, ông Hồ Công Kỳ sẽ thôi là người đại diện phần vốn của PVN tại PV Power và miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT, tuân thủ theo quy chế quản lý cán bộ của Nhà nước và của PVN với người quản lý đại diện phần vốn PVN tại PV Power.

Tại Đại hội cổ đông lần này, với hơn 98% phiếu bầu đồng ý, đại hội đồng cổ đông đã bầu ra 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028 gồm: Ông Lê Như Linh, ông Hoàng Văn Quang và bà Vũ Thị Tố Nga ; 1 thành viên độc lập HĐQT là ông Nguyễn Bá Phước ; 4 thành viên Ban Kiểm soát mới nhiệm kỳ 2023 – 2028 gồm: Ông Phạm Minh Đức, bà Vũ Thị Ngọc Dung, bà Hà Thị Minh Nguyệt và bà Nguyễn Thị Thanh Hương.

Với việc nắm quyền chi phối (79% vốn điều) tại PV Power, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề cử ông Hoàng Văn Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) làm Chủ tịch HĐQT PV Power thay ông Hồ Công Kỳ được điều chuyển làm nhiệm vụ mới.

Ngay sau khi bầu thành viên HĐQT, phiên họp đầu tiên HĐQT nhiệm kỳ mới đã họp và nhất trí bầu ông Hoàng Văn Quang Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) làm Chủ tịch HĐQT PV Power nhiệm kỳ 2023-2028./.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/pv-power-co-ban-thu-xep-du-von-cho-du-an-nhon-trach-3-4/289097.html