Putin-Obama: Bắt tay hờ hững nhưng lòng có 'hững hờ'

Dù chỉ là tia hy vọng nhỏ nhoi nhưng cả Moscow và Washington hiện tại đều thực sự mong chờ một hợp tác đột phá ở Syria trước khi Donald Trump nhậm chức.

Tổng thống Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Peru hôm 20/11 và trao nhau ánh mắt lạnh nhạt cùng cái bắt tay đầy hờ hững.

Dù hững hờ nhưng cả hai vẫn dành cho nhau một tia hy vọng hợp tác cuối nhiệm kỳ.

Cuộc nói chuyện ngắn ngủi kéo dài bốn phút đồng hồ dường như sẽ là lần gặp nhau cuối cùng giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ, bất chấp việc ông Putin từng ngỏ ý mời ông chủ Nhà Trắng đến thăm Nga "bất cứ lúc nào cảm thấy thuận tiện", bởi đây đã là thời điểm ông Obama đi đến chặng cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Theo giới truyền thông, cuộc gặp ngắn gọn tập trung vào hai vấn đề vốn định hình chương trình nghị sự chung trong quan hệ Mỹ-Nga trong vài năm qua - cuộc khủng hoảng Ukraine và xung đột ở Syria.

Mặc dù báo báo cho thấy cả hai đã không có tiến triển nào trong các biện pháp ở Ukraine, nhưng các mục tiêu và kỳ vọng ở Syria dường như đã cho thấy những dấu hiệu khả quan.

Vẫn như mọi khi, Tổng thống Obama nhấn mạnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cần "tiếp tục theo đuổi các sáng kiến cùng với cộng đồng quốc tế để tiêu trừ bạo lực và làm giảm bớt sự đau khổ của người dân Syria". Ở phía ngược lại, ông Putin chỉ ra rằng "nhiệm kỳ 2 tháng còn lại của ông Obama nên được sử dụng cho việc tìm kiếm một giải quyết Syria".

Maxim A. Suchkov, chuyên gia thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế Nga nhận định rằng, mặc dù các bên vẫn cảm thể hiện sự hoài nghi dành cho nhau nhưng cả hai vẫn để mở cánh cửa hợp tác vốn tưởng chừng như đã bị cắt đứt sau thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ từ hồi tháng 9.

Cả Moscow và Washington hiện tại đều thực sự mong chờ một bước đột phá trước khi chính quyền mới nhậm chức. Bởi Donald Trump có thể sẽ đi theo một lập trường khác.

"Tầm ảnh hưởng của Obama giờ đây đã không còn và trong những tháng còn lại trước khi nhậm chức, Donald Trump sẽ bận rộn xây dựng di sản của riêng mình chứ không sẵn sàng chú tâm vào một cái gì đó đặc biệt giống như thách thức ở Syria - điều có thể cuốn Trump vào một thất bại khác", một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Nga nói với Al-Monitor.

Trên thực tế Moscow vẫn hy vọng rằng chính quyền mới tại Nhà Trắng sẽ đưa cả hai lên đỉnh cao của một hợp tác thực sự về cuộc chiến chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và các vấn đề chung ở Syria.

Nhiệm kỳ của Trump cũng là thời điểm kỷ niệm quan hệ ngoại giao Mỹ-Nga tròn 210 năm.

Trong đó tương tác Mỹ-Nga có thể được tăng cường về chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan tương ứng để điều phối các cuộc không kích quân sự chung, bên cạnh việc đứng cùng chiến tuyến trong chiến dịch ở Raqqa năm tới - một bước đi đáng chú ý để đánh dấu 210 năm quan hệ ngoại giao Mỹ-Nga mà Tổng thống Putin và Tổng thống đắc cử Trump lưu ý trong cuộc điện đàm một tuần trước đây.

Tuy nhiên, không giống như sự ồn ào trong chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ của Trump, các phương tiện truyền thông Nga cũng như bản thân ông Putin thể hiện một lập trường khá thận trọng.

Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh APEC, ông nói: "Chúng ta đều biết có một sự khác biệt lớn giữa lời hứa chiến dịch và chính sách thực mà họ sẽ thực hiện, dù ở bất cứ quốc gia nào".

Bên cạnh đó, khi được hỏi về cuộc gặp mặt đầu tiên của mình với Trump sau khi nhà tỷ phú này trở thành tổng thống, ông Putin chỉ nói rằng "nó sẽ rất có ý nghĩa".

Điều ai cũng nhận ra rằng với việc Mỹ kết hợp với các hoạt động của Nga ở Syria, điện Kremlin có thể dần hình dung được những bước đi tiến tới thành công trong những tháng còn lại.

Tuy nhiên những yếu tố mang tính hệ thống đang cản trở ý nguyện "bình thường hóa quan hệ" với Nga của Trump mà cụ thể ở đây là Quốc hội Mỹ, khi cả hai biện pháp trừng phạt mới đã được thông qua tại Hạ viện và "đạo luật chống Nga" đã được thảo luận tại Thượng viện .

Đối với giới lãnh đạo Nga, điều này rõ ràng là những nỗ lực thu hẹp cơ hội thử nghiệm chính sách đối ngoại của Trump cũng như thiết lập "lằn ranh đỏ" nhằm hạn chế những "giao dịch" với điện Kremlin của chính quyền mới chỉ nằm được trong giới hạn.

Vì vậy, dựa theo logic "hy vọng những điều tốt nhất nhưng sẵn sàng đón nhận trước những điều tồi tệ nhất xảy ra với mình", Moscow không vội lạc quan mà chú trọng tìm kiếm những thắng lợi cốt lõi ở Syria trong thời điểm hiện tại.

Các cuộc không kích của Nga ở Idlib, Homs cũng như các cuộc tấn công của quân đội Syria ở Aleppo dường như được xây dựng theo lý luận này.

Vẫn giống như trước đây, Moscow giảm bớt các luận điệu chống Mỹ cũng như phe đối lập, mà tập trung tấn công nhiều hơn vào các mục tiêu IS và Jabhat Fatah al-Sham. Những thành tựu của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ngày càng vang dội. Điều này sẽ là con bài mặc cả tiềm năng với chính quyền mới của Mỹ.

Tương tự như vậy, sự rối loạn của phe đối lập gần đây cũng được xem là một biểu hiện không chắc chắn về những gì mà Trump sẽ điều hành.

Một chuyên gia thân cận với điện Kremlin nói với Al-Monitor rằng: "Phiến quân và các nhà tài trợ của nhóm này đang lâm vào tuyệt vọng khi biết sự hỗ trợ chính trị, quân sự và tài chính cho các hoạt động của họ có thể sớm chấm dứt. Vì vậy, họ sẵn sàng tấn công bừa bãi tất cả mọi phe nhóm, kể cả là người của mình".

Theo đó những nhóm nổi dậy này đang tìm cách gây sự chú ý bằng mọi giá với các quốc gia tài trợ từ bên ngoài. Rõ ràng, phe đối lập đang suy yếu và mất đi sức mạnh tạm thời. Nếu Nga đánh sập hoàn toàn hang ổ của phe cực đoan, chắc chắn uy tín của Moscow sẽ đủ để có một vị trí đàm phán tốt hơn trong tương lai về vấn đề Syria.

Đồng thời, các cuộc tấn công quân sự của Moscow đã đi đúng hướng khi buộc các nhóm nổi dậy phải trực tiếp đàm phán với quân đội Nga. Theo các bản tin từ Trung tâm Hòa giải phe đối lập ở Syria hôm 19/11, trong vòng 24 giờ trước đó "thỏa thuận ngừng bắn đã được Nga ký kết với các đại diện của ba khu vực dân cư trong tỉnh Hama và Latakia".

Như vậy, tổng số vùng dân cư ký kết cái gọi là "thỏa thuận hòa giải" đã lên con số 956, trong khi số lượng đơn xin ngừng bắn ký kết với các nhà lãnh đạo của các nhóm vũ trang đã đạt đến con số 69.

Cuối cùng, một điều nữa mà Moscow đang theo đuổi là đó là có các cuộc tham vấn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong các nghị sự chung để đảm bảo tính toàn vẹn của Syria.

Cả Tehran và Ankara đều ủng hộ ý tưởng của một Syria thống nhất - mặc dù cả hai đều có lợi ích riêng và tầm nhìn cụ thể. Tuy nhiên, điều quan trọng là Nga đã sớm tìm thấy sự đồng thuận vói các bên liên quan trong khu vực trước khi Syria chuyển sang hình thức ngoại giao sau chiến tranh.

Điều này có nghĩa rằng, chương trình nghị sự bận rộn của Moscow đã được chuẩn bị để đáp ứng bất cứ chính sách nào mà chính quyền Trump sẽ theo đuổi - dù cho nó phù hợp với lập trường của Nga hay đi ngược lại.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/putin-obama-bat-tay-ho-hung-nhung-long-co-hung-ho-a307255.html