Pippa Latour - điệp viên thầm lặng

Những người hùng kiểu như Phyllis Pippa Latour đã từng chứng kiến bi kịch dưới nhiều hình thức khác nhau, và quãng thời gian làm điệp báo của bà trong suốt Thế chiến II được hỗ trợ bởi kinh nghiệm và quan điểm cá nhân đã khiến bà trở thành nhân vật đáng ngưỡng mộ. Ngày 8/4/2021, nhân kỷ niệm sinh nhật tròn 100 tuổi của mình, bà Phyllis 'Pippa' Latour đã kể với truyền thông một câu chuyện khá giản dị về cuộc đời mình.

Đội quân nữ điệp viên của SOE

Sinh năm 1921 ở Nam Phi, Phyllis là con duy nhất của hai ông bà Louise và Phillippe Latour. Chỉ 3 tháng sau khi lọt lòng, cha bà (một bác sĩ) đã bị sát hại trong một cuộc xung đột bộ lạc ở Congo (khi đó là Congo Xích đạo châu Phi thuộc Pháp).

Sau 3 năm, mẹ bà tái giá. người cha dượng của Phyllis là tài xế xe đua, và thường đưa con gái riêng của vợ đi cùng các chuyến xe của mình. Một trong những chuyến đi đó đã xảy ra tai nạn, ông Louise bị tử nạn khiến Phyllis trở thành trẻ mồ côi. Sau đó, người em họ của cha dượng đã nhận nuôi đứa cháu đáng thương, nhiều năm sau đó Phyllis lên đường sang Âu Châu du học.

Bức ảnh điệp viên Phyllis Pippa Latour trong thời Thế chiến II. Ảnh nguồn: New Zealand Army News.

Phyllis đến đó vào đầu năm 1939, tức chỉ vài tháng trước khi Thế chiến II bùng nổ, và chỉ trong vòng 2 năm, cô đã tham gia Lực lượng không quân hỗ trợ phụ nữ (WAAF, lực lượng quân nhân nữ của Không lực Hoàng gia Anh trong Thế chiến II. Lực lượng này được thành lập vào năm 1939, đến thời đỉnh cao 1943 thì quân số đã lên tới 181.000 người, 2.000 người nhập ngũ mỗi tuần) với tư cách là thợ máy bay.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào năm 2009, bà Phyllis tiết lộ động cơ ban đầu để bà gia nhập WAAF đó là không phải vì một cuộc gọi tòng quân, mà là bà nung nấu cách để trả thù cho hai người thân yêu đã mất của mình. Đầu tiên là người cha của mẹ đỡ đầu của bà, người mà Phyllis gọi là ông ngoại, ông đã bị lính Đức Quốc Xã (ĐQX) bắn và chết ngay khi bắt đầu cuộc chiến. Thứ hai là mẹ đỡ đầu của bà, bà đã bị bọn Đức bắt giữ và sợ rằng sẽ bị chết trong trại tập trung nên bà đã tự vẫn. Phyllis cảm thấy mình phải có nghĩa vụ chiến đấu cho những người không may đó.

Sau một thời gian phục vụ trong WAAF, Phyllis được lựa chọn để trở thành một phần của SOE (Cơ quan điều hành các hoạt động đặc biệt của Anh). SOE là một tổ chức lớn, rất bí mật, chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động nguy hiểm như trinh sát, phản gián và gián điệp. Trong số 55 nữ điệp viên của SOE trong chiến tranh, chỉ có ¼ trong số họ bị giết hoặc bị bắt làm tù binh và nhốt ở các trại tập trung. Do tính khẩn cấp nên các điệp viên của SOE được đào tạo bài bản, chuyên sâu, và kéo dài trong vài tháng ngắn ngủi.

Quá trình huấn luyện khắc nghiệt khiến Phyllis mệt cả thể chất và tinh thần. Từ hàng chục lần nhảy dù, đến học cách thức cạy ổ khóa và sao chép chìa khóa, các điệp viên buộc phải học thành thạo vô số chuyên ngành khác nhau. Những tên trộm được đưa ra khỏi các nhà tù đến để dạy cho các tân binh những kỹ năng “tàng hình” rất đặc biệt.

Để chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau, 2 cựu sĩ quan cảnh sát Viễn Đông sẽ dạy các tân binh về những chiến thuật chiến đấu phi vũ trang trong trường hợp họ cần phải sống sót khi không có vũ khí trong tay. Đối với khóa huấn luyện sử dụng súng, loại súng Sten rất phổ biến cho các điệp viên SOE mặc dù độ chính xác rất đáng ngờ và xu hướng gây nhiễu của loại súng này. Tuy nhiên loại súng tiểu liên này lại dễ lắp ráp và giá rẻ, khiến nó trở thành một trong những loại súng được sản xuất phổ biến nhất trong suốt Thế chiến II.

Bãi biển Omaha ngày 9/6/1944, nhiều xe tăng đổ bộ của hải quân Mỹ với vũ khí hạng nặng. Ảnh nguồn: Department of Defense.

Một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong chương trình huấn luyện của Phyllis là về mật mã và thông tin liên lạc. Các điệp viên được yêu cầu phải ghi nhớ mã Morse và mã hóa tin nhắn, cũng như có thể truyền ít nhất 24 từ mỗi phút khi gửi mã, năng lực gấp đôi so với các điện báo viên được đào tạo chuyên sâu. Họ được đưa đến những khu vực không được tiết lộ, nơi họ được yêu cầu lắp ráp lại máy vô tuyến và gửi tin nhắn trở lại các điểm liên lạc trong một khoảng thời gian nhất định. Các ứng viên làm việc cho Phân cục F (làm việc ở Pháp) cần phải là “người Pháp” một cách thuyết phục trong trường hợp họ bị chặn lại, bị thẩm vấn, hoặc bị bắt giữ. Phyllis Pippa Latour đã phát triển khả năng thành thạo tiếng Pháp và rất dễ dàng nhập vai. Bà sẽ nhảy dù vào, ra khỏi nước Pháp nhiều lần, mỗi lần mang một cái tên mới, một cốt truyện và mục tiêu mới. Hai bí danh nổi tiếng nhất của bà là Paulette và Genevieve.

Trong suốt thời gian hoạt động, bà đóng giả thành công là một công dân Pháp, làm đủ thứ việc, ở trong các gia đình Pháp, và có những thời điểm phải sống trong rừng hoặc các kho ngũ cốc bỏ hoang. Với việc chính quyền Pháp thường xuyên tuần tra trong các cộng đồng dân cư để tìm kiếm các điệp viên như mình nên bà Phyllis nhận thức được môi trường xung quanh nên phải nhập vai cho thật tốt.

Năm 1944, Phyllis được thả xuống Normandy, nơi bà trở thành một phần của mạng lưới “Nhà khoa học” ngay trong SOE. Ước tính có khoảng 475 điệp viên SOE hoạt động trong số 56 mạng lưới “Nhà khoa học” trong suốt thời chiến. Những mạng lưới này tồn tại để hỗ trợ cho các nhóm kháng chiến, đồng thời giúp chống lại sự chiếm đóng của Đức từ quan điểm tình báo. Phyllis làm việc với mạng lưới “Nhà khoa học” trong tư cách cán bộ không dây, mã hóa và giải mã các thông điệp đến và đi từ tổng hành dinh ở thủ đô London.

Bà Phyllis được tặng thưởng Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp năm 2014. Ảnh nguồn: New Zealand Army News.

Những chiến công tình báo vẻ vang

Bà Phyllis chịu trách nhiệm gửi 135 thông điệp mã hóa đến London, một số trong đó đã được chứng minh là vô giá, thậm chí đã hỗ trợ những khoảnh khắc quan trọng chẳng hạn như sự kiện D-Day. Chính ở Normandy, Phyllis đã giả dạng danh tính nguy hiểm nhất trong sự nghiệp của mình, đóng vai một cô gái Pháp nghèo khổ, 14 tuổi, tên là Paulette, gia đình cô gái nhỏ được cho đã chạy trốn đến khu vực này. Dù đã 23 tuổi nhưng vóc dáng nhỏ nhắn và giao tiếp tiếng Pháp lưu loát đã khiến việc nhập vai của Phyllis trở nên đáng tin cậy hơn, và bà đã không bao giờ bị phát hiện.

Trong vai Paulette, bà đi lại bằng xe đạp, bán xà phòng cho bọn lính Đức và thu thập được nhiều thông tin bổ ích. Phyllis mang theo các mật mã bên mình, chúng được viết trên một mảnh lụa, và bà giữ kín nhất là những khi tiếp xúc lâu với địch. Nó được chứng minh là một cái mánh tinh vi và phát huy hiệu quả, vì có lần bà bị bắt xõa tóc khi bị thẩm vấn, nhưng mảnh lụa được kẹp chặt trong cổ áo nên đã không rơi ra.

Phyllis có một số cuộc gọi thân thiết, gồm một cuộc từ lính Mỹ khi bà bị tạm giữ trong vài giờ, rồi được xác nhận và thả ra. Bà hoạt động tình báo cho đến khi nước Pháp được giải phóng vào tháng 8/1944, và cũng như nhiều cựu binh thời Thế chiến II, thời gian bà làm cho SOE đã có nhiều mâu thuẫn nội bộ. Thời gian hoạt động gián điệp không chỉ khiến bà luôn sống trong cô đơn và âu lo mà còn khiến bà thay đổi quan điểm. Bà bị tác động lớn bởi tổn thất tinh thần từ cuộc chiến. Bất chấp sự nguy hiểm và lý do để chiến đấu, bà luôn tin rằng mình sẽ giành chiến thắng trong hoạt động mật của mình. Có lần nọ, ở Normandy, Phyllis đã xác định có 3 trạm nghe lén của ĐQX được trang bị công nghệ tiên tiến hơn của bà, chúng có thể nhanh chóng đánh chặn và giải mã những thông điệp quan trọng. Bà cấp báo về tổ chức và yêu cầu phải phá hủy một trong các trạm kia, vụ đánh bom đã làm chết một phụ nữ và 2 trẻ em Đức. Phyllis đã hồi tưởng lại việc này trong lần bà được phỏng vấn vào năm 2009.

Khoảnh khắc quân Đồng minh tiến vào Prague, Tiệp Khắc (cũ).

Tính nhân văn, khiêm tốn cùng ý thức hiện thực về chiến tranh là một trong những căn nguyên chính khiến Phyllis rất hiếm khi kể về thời gian tại ngũ của mình. Bà cũng đã kết hôn và có 4 người con, gia đình cư trú khắp nơi, từ Kenya, Fiji, Australia trước khi định cư lâu dài ở New Zealand sau khi hai vợ chồng bà ly hôn vào thập niên 1970. Mãi cho đến cuối thập niên 1990, người con trai đầu của bà vô tình đọc trên mạng một bài viết về mẹ mình, từ đó thêm sửng sốt trước quá khứ vẻ vang của bà. Khi người mẹ quyết định kể chuyện đời mình với các con, họ khẳng định bà không cần bất kỳ huy chương, huân chương nào từ Không quân Hoàng gia.

Năm 2014 đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày xảy ra sự kiện D-Day, nước Pháp vinh danh những người đã chiến đấu cho sự kiện này. Tháng 11 năm đó, bà Phyllis được trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh (phần thưởng quân sự cao nhất của nhà nước Pháp, được thiết lập năm 1802 bởi Hoàng đế Napoleon Boneparte).

Đích thân ngài Đại sứ Pháp ở New Zealand, Laurent Contini, đã trao huân chương cao quý đó cho bà Phyllis và ngạc nhiên khi nghe cựu điệp viên thốt lên: “Tôi đã làm gì để được phần thưởng này?” Phyllis “Pippa” Latour thực sự là tấm gương sáng cho mọi người, cụ thể là những quân nhân trong quá khứ, hiện tại, và tương lai, những người chiến đấu vì lẽ phải, trải qua những thời khắc nghiệt ngã nhất trong thời chiến nhưng tên tuổi của họ thường không được nói ra. Với hoạt động gián điệp, bà Phyllis Pippa Latour đã trực tiếp hỗ trợ và gây ảnh hưởng cho nỗ lực làm sụp đổ nền Đệ Tam đế chế của phát xít và kết thúc khủng hoảng toàn cầu.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/pippa-latour-diep-vien-tham-lang-i696586/