Phương Tây ráo riết trước loạt thắng lợi của Nga

Chính phủ Síp hôm nay (15/11) tuyên bố sẽ điều tra các cáo buộc mới của một nhóm nhà báo quốc tế rằng nước này đang là 'trung tâm rửa tiền', tạo điều kiện cho các nhà tài phiệt Nga lách các lệnh trừng phạt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Theo một cuộc điều tra của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và 67 đối tác truyền thông, hòn đảo phía đông Địa Trung Hải "đóng một vai trò thậm chí còn lớn hơn những gì người ta thường biết trong việc chuyển tiền bẩn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin...".

ICIJ ngày 14/11 cho biết, cuộc điều tra mang tên "Bí mật Síp" dựa trên một hồ sơ nội bộ bị rò rỉ, có từ giữa những năm 1990 đến tháng 4/2022, bao gồm kiểm tra lý lịch bí mật, sơ đồ tổ chức, báo cáo tài chính, đơn đăng ký tài khoản ngân hàng và email.

Đây không phải là lần đầu tiên Síp - một thành viên Liên minh châu Âu (EU) - được coi là nơi "trú ẩn an toàn" cho các nhà tài phiệt Nga. Quốc đảo này vốn là nơi sinh sống của cộng đồng người Nga đông đảo. Limassol trên bờ biển phía Nam - thường có biệt danh là "Moscow trên Địa Trung Hải" - từ lâu đã là thỏi nam châm thu hút những người nói tiếng Nga.

Chính phủ Síp cho biết họ đã thực hiện hành động nghiêm ngặt chống rửa tiền và vi phạm lệnh trừng phạt kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Ngân hàng Trung ương Síp cho biết chính quyền đã đóng cửa 43.000 công ty "ma" và 123.000 tài khoản ngân hàng "đáng ngờ" trong những năm gần đây, đồng thời khẳng định rằng chỉ có 2,2% tổng số tiền gửi ngân hàng trên đảo hiện thuộc về người Nga.

Tuy nhiên, ICIJ cho biết sự phụ thuộc của hòn đảo vào nguồn tiền của Nga và nước ngoài khác mang lại những hệ quả bất ngờ mà "đến tận bây giờ mới được nhận ra", thông qua cuộc điều tra kéo dài 8 tháng qua của nhóm này.

Trong một diễn biết khác, Financial Times ngày 14/11 dẫn lời các quan chức phương Tây và dữ liệu xuất khẩu của Nga đưa tin, Moscow gần như đã tìm cách phá vỡ hoàn toàn giới hạn giá của G7 đối với xuất khẩu dầu của nước này.

Theo một quan chức cấp cao giấu tên của châu Âu tiết lộ với FT, "hầu như không có" chuyến hàng dầu nào của Nga trong tháng 10/2023 được bán dưới mức giá trần 60 USD/thùng mà G7 đã đặt ra. Quan chức này cho biết: "Dữ liệu mới nhất cho thấy rằng chúng tôi sẽ phải cứng rắn hơn… hoàn toàn không muốn để Nga tiếp tục làm điều này".

Mức trần giá 60 USD/thùng được áp đặt vào tháng 12 là một phần quan trọng trong nỗ lực của các nước G7 và các đồng minh nhằm cắt nguồn thu nhập của Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine.

Theo FT, doanh số bán dầu và khí đốt đã chiếm hơn 28% số tiền thu ngân sách của Nga trong năm nay, mang lại cho nước này doanh thu 1,6 nghìn tỷ rúp (17,63 tỷ USD) chỉ trong tháng 10 vừa qua. Trong khi đó, giá dầu toàn cầu tăng trong năm nay cũng đã khiến một phần đáng kể dầu của Nga được giao dịch trên mức trần.

Bất chấp những khó khăn trong việc thực thi giới hạn giá, các quan chức phương Tây nói rằng họ cam kết duy trì giới hạn này, trong khi một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết các lệnh trừng phạt đã buộc Nga phải bán dầu của mình mà không có bảo hiểm hoặc vận chuyển của phương Tây, khiến lợi nhuận của Nga cũng đã ít nhiều chịu tổn thất.

Cũng trong ngày 14/11, Reuters dẫn một thông báo chính thức cho biết Bộ Tài chính Mỹ đang gửi yêu cầu đến khoảng 100 tàu chở hàng bị nghi ngờ đã vi phạm lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Nga.

Theo nguồn tin của Reuters, các thông báo đã được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Mỹ gửi hôm 10/11, tới các chủ tàu ở khoảng 30 quốc gia. Đây được cho là bước đi lớn nhất của Mỹ kể từ khi Washington và các đồng minh áp đặt mức trần giá.

Bộ Tài chính Mỹ hiện vẫn chưa xác nhận thông tin này. Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ cho biết: "Mặc dù chúng tôi không xác nhận hoặc bình luận về các cuộc điều tra hoặc hành động thực thi, Bộ cam kết thực thi giới hạn giá và giảm nguồn lực của Nga cho cuộc chiến ở Ukraine".

Kể từ khi giới hạn giá được áp dụng vào tháng 12/2022, các công ty có trụ sở tại EU, các nước G7 và Australia đã bị cấm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hải, chẳng hạn như bảo hiểm, với xuất khẩu dầu của Nga bằng đường biển nếu vượt quá giới hạn 60 USD/thùng. Các nước G7 cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho 90% hàng hóa trên thế giới và EU là bên đóng vai trò lớn trong vận tải đường biển.

Vào ngày 12/10/2022, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt đối với 2 công ty và 2 tàu vì vi phạm giới hạn giá bán dầu của Nga.

Nam Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phuong-tay-rao-riet-truoc-loat-thang-loi-cua-nga.html