Phương án ít xấu nhất!

Nỗ lực của UBND Q.1 (TP.HCM) với quyết tâm 'đòi lại' vỉa hè cho người đi bộ thật đáng được trân trọng và cổ vũ. Bởi lâu nay, một trong những rối loạn nhất trong kỷ cương quản lý đô thị mà ai cũng có thể nhận được, đó là cái vỉa hè.

Chẳng cứ gì TP.HCM, ở nhiều đô thị khác cũng vậy, cái vỉa hè luôn luôn bị nhiều kẻ nhòm ngó để sử dụng, chiếm hữu, để giành giật cho lợi ích của riêng mình. Người thì chiếm vài mét vuông bày thêm ít bàn ghế để bán hàng quán, kẻ thì “trấn” một đoạn làm dịch vụ, người khác lại coi như cái sân trước nhà mình làm nơi để xe...

Vì cái vỉa hè là sở hữu công cộng mà, đâu có của riêng ai! Và cũng vì trật tự kỷ cương trong quản lý đô thị lâu nay bị buông lỏng cho nên bây giờ mới nên chuyện “thả gà ra rồi đuổi”.

Trong nhiều biện pháp có tính truyền thống, như lãnh đạo quận, phường thường xuyên có mặt tại hiện trường để kiểm tra, đôn đốc, tăng cường xử phạt, vận động cán bộ viên chức đi bộ khi đi làm..., thì Q.1 đã thực hiện thí điểm làm barie trên đường đi bộ để ngăn chặn xe máy đi trên vỉa hè.

Việc làm này đã nhận được không ít sự ủng hộ của cộng đồng nhưng cũng có những ý kiến phản biện.

TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, giảng viên Đại học GTVT TP.HCM, cho rằng việc lắp barie ở vỉa hè là nhằm ngăn chặn người tham gia giao thông vô ý thức. Nhưng chính barie làm ảnh hưởng đến người đi bộ, đặc biệt là người khuyết tật đi xe lăn.

Ông đặt thẳng vấn đề: "Nếu tai nạn xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Chúng ta muốn ngăn chặn việc vi phạm pháp luật nhưng nếu có tai nạn thì lại vi phạm pháp luật". Và ông cho rằng, cơ quan chức năng cần xử phạt thật mạnh, nghiêm minh những người lái xe lên vỉa hè thì người dân sẽ dần dần nâng cao ý thức.

Bên cạnh đó, để bảo vệ lý lẽ cho việc lắp đặt barie trên đường đi bộ, Phó chủ tịch UBND P.Bến Nghé (Q.1) Võ Quốc Hưng cho hay, hiện nhiều tuyến đường trung tâm TP có rất đông du lịch quốc tế, học sinh đi lại trên vỉa hè hàng ngày. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, cứ thấy giao thông ùn tắc là nhiều người điều khiển xe máy leo lên vỉa hè, gây nguy hiểm cho du khách, học sinh.

Và khi ấy, ai cũng có thể tưởng tượng ra rằng, những đối tượng như người đi bộ, đặc biệt là người khuyết tật, đi xe lăn... kia sẽ không còn chỗ mà đi, và nếu có đang đi thì nguy cơ gặp rủi ro sẽ lớn hơn rất nhiều.

Vì thế, cần phải coi việc lắp đặt barie trên đường đi bộ là việc “cực chẳng đã” trong hoàn cảnh hiện tại, là phương án ít xấu nhất mà các nhà quản lý đô thị có thể cân nhắc, lựa chọn.

Nguyễn Hoàng Linh

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/phuong-an-it-xau-nhat-203295.html