Phương án học phí nào được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ?

Câu chuyện học phí trước thềm năm học mới lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Sau 3 năm không tăng học phí, nhiều cơ sở giáo dục ĐH phản ánh gặp nhiều khó khăn và đề nghị năm học 2023 - 2024 cần áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81 để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ. Tuy nhiên, nếu học phí năm học mới được áp dụng theo Nghị định 81 thì mức tăng khá cao so với năm học 2022-2023...

Nếu học phí năm học mới này được áp dụng theo Nghị định 81 thì mức tăng rất cao so với năm học 2022-2023. Ảnh: Ngọc Tú

Tăng học phí: Khó khăn cho phụ huynh, học sinh

Theo nhiều ý kiến góp ý, việc tăng học phí như vậy sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh và phản ứng của dư luận xã hội. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ GD&ĐT khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung về cơ chế thu, quản lý học phí... để có hiệu lực thi hành trước khi bắt đầu năm học mới 2023-2024.

Ông Ngô Văn Thịnh - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về học phí trong năm học sắp tới, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, chủ trương sẽ lùi thêm 1 năm việc thực hiện khung học phí như Nghị định 81. Nếu Chính phủ đồng ý phương án này, năm học tới, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục công lập vẫn được hưởng chính sách học phí như các năm học trước.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, trong quá trình làm việc với Chính phủ, Bộ cũng đã thuyết minh, thuyết phục, bảo vệ quyền lợi giúp các trường đỡ khó khăn hơn nhưng quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ. Xung quanh Nghị định 81, nội dung điều chỉnh chỉ về lộ trình tăng học phí. Các quy định khác không thay đổi.

Chưa tăng học phí: Các trường kêu trời!

Theo lãnh đạo các trường ĐH, các trường gặp rất nhiều khó khăn khi không được tăng học phí và điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó GĐ ĐH Đà Nẵng cho biết, các trường đang gặp khó khi mức thu học phí hiện nay thấp. Không có đầu tư một cách thích đáng, các trường không thể nâng cao chất lượng giáo dục. Chúng ta đang làm những việc này theo kiểu mở rộng chứ không phải đào sâu. Rất nhiều thầy cô giáo mong muốn được nghiên cứu nhưng không có nguồn kinh phí, cơ sở, phòng thí nghiệm... Bộ GD&ĐT vừa có văn bản trình Thủ tướng về cơ chế tài chính và vấn đề tăng học phí. Các đơn vị sẵn sàng cùng với Bộ ký những thư thỉnh cầu để có thể tăng phí, có nguồn đảm bảo chất lượng đào tạo.

GS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, tự chủ ĐH là một chủ trương, xu hướng đã được khẳng định và hiện nay phần lớn các trường đã thực hiện tự chủ. Các trường mong Bộ quan tâm đến chính sách về tài chính trong tự chủ ĐH và học phí. Nếu không thì rất khó khăn cho các trường. Đặc biệt là các trường vừa mới được tự chủ ĐH trong năm gần đây. Vì thế, mong Bộ tiếp tục đề xuất, đề nghị Nhà nước, Chính phủ có thêm chính sách tài chính giúp cho các trường trong tiến trình tự chủ, đặc biệt là các trường mới bắt đầu tự chủ.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy cho hay nguồn lực dành cho giáo dục ĐH hiện còn rất hạn chế. Những năm qua, ngân sách chi cho giáo dục ĐH chỉ trên dưới 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ. Tính theo số thực chi, số tiền chi chưa đạt 0,78% GDP.

Mức chi này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường ĐH của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu. Ngoài ra, các trường ĐH cũng cần giải quyết thêm những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động sự phát triển của giáo dục ĐH.

Đó là, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục ĐH với một số văn bản luật khác dẫn đến những vướng mắc cho các trường ĐH trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH nhưng vẫn phải tuân thủ, thực hiện các Luật liên quan. Việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tự chủ ĐH còn có hạn chế, có một số vi phạm. Cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ lãnh đạo một số cơ sở đào tạo chưa được kiện toàn.

Công tác tuyển sinh vẫn cho thấy các phương thức xét tuyển phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý. Các đơn vị còn hạn chế trong thu hút nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, gắn với đào tạo sau ĐH, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, thực trạng nguồn lực cho giáo dục ĐH còn hạn hẹp. Các trường buộc phải tăng số lượng tuyển sinh để có nguồn cân đối thu chi trong khi các điều kiện bảo đảm chất lượng không được đầu tư tương xứng. Song cũng chính từ khó khăn cho thấy sự chủ động, nỗ lực cố gắng và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm học.

Nghị định 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và Nghị định số sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Tuy nhiên từ đầu năm 2020 dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nên năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165 yêu cầu mức học phí của cơ sở giáo dục công lập năm 2022-2023 tiếp tục được giữ ổn định so với năm học 2021-2022. Nếu học phí năm học mới này được áp dụng theo Nghị định 81 thì mức tăng rất cao so với năm học 2022-2023.

Theo đó, mức trần học phí giáo dục ĐH công lập năm học 2023-2024 sẽ tăng bình quân 45,7% so với năm học 2022-2023. Đặc biệt khối ngành y dược tăng 93%, khối ngành nhân văn-khoa học xã hội tăng 53%. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng học phí như vậy sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh và phản ứng của dư luận xã hội.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phuong-an-hoc-phi-nao-duoc-bo-giao-duc-va-dao-tao-trinh-chinh-phu-350190.html