Phúc thẩm vụ án kéo dài 5 năm có dấu hiệu oan sai ở Tuyên Quang

Vụ án này sẽ được TAND tỉnh Tuyên Quang đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày mai (23/9). Có nhiều dấu hiệu cho thấy đây là một vụ án oan sai, với nhiều vi phạm của một số cán bộ tiến hành tố tụng đã được làm rõ,….

Bị cáo sốt ruột mong sớm được... tòa xử! 3

Hoãn phiên tòa vụ án "cưỡng đoạt tài sản" ở Tuyên Quang 3

Cho đến trước phiên phúc thẩm này, vụ án đã trải qua 13 phiên tòa, trong đó có 8 phiên tòa sơ thẩm. Và, bản án sơ thẩm ngày 26/4/2016 của TAND TP Tuyên Quang tuyên các bị cáo Nguyễn Văn Tuấn 2 năm 6 tháng 29 ngày tù giam (bằng thời gian tạm giam); Lê Thị Thanh Xuân 2 năm 4 tháng 10 ngày tù (cũng bằng thời gian tạm giam); Nguyễn Quốc Toàn được miễn trách nhiệm hình sự. Cả 3 bị cáo đều bị tạm giam trong quá trình điều tra và khi ra trước tòa, đều khai rằng, họ đã bị dụ cung, bức cung, bị dùng nhục hình;…

Oan hay không khi được tuyên bằng thời gian tạm giam?

Việc một vụ án bị cáo dài tới 5 năm, với nhiều phiên xét xử ở các cấp tòa, trong đó có những bản án bị tuyên hủy đã cho thấy có những điều bất bình thường và sự bất thường lại càng rõ khi bản án sơ thẩm đã tuyên các mức án cho bị cáo Tuấn và bị cáo Xuân bằng với thời gian tạm giam; còn bị cáo Nguyễn Quốc Toàn được miễn trách nhiệm hình sự. Một bản án như vậy, thì các bị cáo bị oan sai hay không oan sai? hẳn bạn đọc có thể tự trả lời và tuyên như vậy thì tất nhiên cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tránh được việc phải bồi thường oan sai.

Sau phiên tòa sơ thẩm, các luật sư trong vụ án này (thuộc Văn phòng luật sư Vì Dân; Văn phòng luật sư INTERLA và Công ty Luật TNHH MTV Thái Hưng) đã gửi một bản kiến nghị chung tới các cơ quan tiến hành tố tụng đầu ngành, cho rằng “đây là một vụ án đủ căn cứ để khẳng định oan sai; có dấu hiệu tiêu cực; vi phạm pháp luật về bắt giữ người trái pháp luật; bức cung, mớm cung; khám xét vi phạm pháp luật; thu giữ, trả lại tài sản không theo quy định của pháp luật; có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án”.

Văn bản kiến nghị của các luật sư

Vậy vụ án có dấu hiệu tiêu cực, oan sai như thế nào? Theo cáo trạng, năm 2010 Lê Thị Thanh Xuân cho Trần Kim Tuyên (ở TP Tuyên Quang) vay 2,95 tỷ đồng. Sau đó, Xuân đòi nợ nhiều lần mà Tuyên không trả. Tháng 4/2011, Xuân quen Nguyễn Văn Tuấn qua việc nhờ bán nhà đất và Xuân có kể về việc cho Tuyên vay nợ. Tuấn đề nghị đòi nợ giúp và rủ thêm Toàn và Hoàng Văn Quân đến nhà Tuyên. Đến nơi, Tuấn nói với Tuyên về món vay nợ Xuân. Tuyên tuyên bố không trả nợ và đã chuyển nợ sang cho một người tên Ngọc. Sau lời qua tiếng lại, ông Khoa (chồng bà Tuyên) đòi đuổi nhóm Tuấn ra ngoài. Ông Khoa hô: "Chúng mày đâu, lên hết đây, trói gô chúng lại để tao báo công an". Tuấn, Toàn, Quân chạy ra ngoài. Tuấn (chạy ra xe) lấy khẩu súng đồ chơi, chỉ vào phía trong nhà hô: "Tao bắn chết mày". Sau đó Tuấn, Toàn và Xuân bị công an bắt giữ còn Quân bỏ trốn.

Qua những chi tiết nêu trong các bản cáo trạng (nhiều lần ra cáo trạng, cáo trạng bổ sung), có thể thấy khẩu súng đồ chơi không phải là hung khí và được Tuấn để ở xe ô tô đỗ bên ngoài nhà. Việc Tuấn cùng Quân đến nhà Tuyên đòi nợ cho Xuân, dù có to tiếng thì cũng không phải là hành vi có mục đích cưỡng đoạt tài sản và thực tế không xảy ra việc ép buộc, cưỡng đoạt để lấy được bất cứ tài sản nào của phía gia đình bà Tuyên. Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không chứng minh được rằng, Xuân có bàn bạc, thỏa thuận với Tuấn về bất cứ hành động nào có tính chất ép buộc để đòi nợ

Quá trình diễn ra phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã dành thời gian hỏi, xác minh khá kỹ các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa bị cáo Nguyễn Văn Tuấn và bị cáo Lê Thị Thanh Xuân là những người bị quy kết là đồng phạm về tội cưỡng đoạt tài sản. Bản kết luận điều tra bổ sung trong vụ án, cũng như phần xét hỏi tại phiên tòa ngày 20/4 cho thấy, Tuấn và Xuân quen nhau qua việc nhờ bán hộ nhà đất ở TP Lào Cai. Sau đó Tuấn biết Xuân có khó khăn về tài chính, do không đòi được tiền cho vay. Sau đó, Xuân nhờ Tuấn đi đến hà người vay để hỏi nợ giúp. Hai người không có thỏa thuận việc việc ăn chia, hay phương thức để đòi nợ như thế nào.

Phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 8 trong vụ án đã từng có bản án bị tuyên hủy

"Đây là một vụ án ma. Không có bị hại, bởi bà Tuyên chẳng thiệt hại gì cả. Tôi bị bắt giam oan, vô lý, bị hỏi cung trong đêm 18 rạng sáng 19/4/2010 khi chưa có quyết định tố tụng nào. Và ma quái thay, vụ án được dựng lên như vậy, bà Tuyên cũng có cơ hội để xù khoản vay tôi gần 3 tỷ đồng"- Lê Thị Thanh Xuân thốt lên trước tòa.

Cũng xin trích một phần hỏi-đáp tại tòa: “Sao bị cáo không nhờ tòa án xét xử đòi nợ giúp mà lại nhờ người khác như vậy?”, Chủ tọa phiên tòa hỏi. Bị cáo Xuân đáp: “Lúc đó tôi không có đủ tiền để nộp khoản tạm ứng án phí, áng chừng khá lớn. Với lại, việc tôi nhờ người khác hỏi nợ hay đòi nợ hộ cũng không có gì là sai pháp luật. Tôi không yêu cầu anh Tuấn phải dùng cách nào đó để đòi bằng được. Anh Tuấn là người trưởng thành, đủ tuổi chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nếu anh Tuấn có làm gì vi phạm thì cũng không phải là lỗi của tôi, nằm ngoài mong muốn của tôi”.

Trong vụ án này, Cơ quan chức năng không chứng minh được việc Xuân nhờ Tuấn đòi nợ thuê và cách thức tiến hành đòi nợ thuê. Thế nhưng, cuối cùng thì Xuân vẫn bị quy là đồng phạm với Tuấn về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Theo quan điểm của các luật sư tại phiên tòa, việc Nguyễn Văn Tuấn đến nhà Tuyên đòi nợ cho Xuân, dù có to tiếng thì cũng không phải là hành vi có mục đích cưỡng đoạt tài sản và thực tế không xảy ra việc ép buộc, cưỡng đoạt để lấy được bất cứ tài sản nào của phía gia đình bà Tuyên (bị hại). Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không chứng minh được rằng, Xuân có bàn bạc, thỏa thuận với Tuấn về bất cứ hành động nào có tính chất ép buộc để đòi nợ.

Chủ nợ thành bị cáo; con nợ “phủi tay”

“Đây là một vụ án oan sai, nhằm bảo vệ cho kẻ lừa đảo”, văn bản kiến nghị của các luật sư nhấn mạnh. Quả thực, tất cả các tài liệu trong hồ sơ vụ án đều cho thấy, bà Trần Kim Tuyên vay nợ bà Xuân 2 tỷ 950 triệu đồng; không có bất cứ một văn bản nào chứng minh rằng có việc “đảo nợ” giữa bà Xuân, bà Tuyên và người khác. Vậy nhưng, cuối cùng vụ án “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra; bà Xuân thành bị cáo trong vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai này; còn “con nợ” thì quên luôn khoản vay nợ 2,95 tỷ đồng.

Còn nhớ, tại phiên xử sơ thẩm diễn ra vào tháng 4/2016, HĐXX đã xét hỏi bị hại Trần Kim Tuyên về khoản vay nợ. Bà Tuyên trình bày rằng không còn nợ Xuân, do đã chuyển nợ cho một người tên là Ngọc. Tuy nhiên, bà Tuyên không xuất trình được tài liệu giấy tờ nào để chứng minh việc này. Còn theo bị cáo Lê Thanh Thanh Xuân thì chuyện chuyển nợ là hoàn toàn bịa đặt, bởi khi đó bà Ngọc còn đang vay nợ của bà Xuân 2,725 tỷ đồng. Theo các luật sư, hành vi của bà Tuyên có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Đủ để khởi tố bà Trần Kim Tuyên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng cơ quan CSĐT Công an TP Tuyên Quang lại khởi tố ngược lại”, văn bản kiến nghị của các luật sư nhận định.

Dư luận đang chờ đợi những diễn biến tích cực của phiên tòa phúc thẩm.

Hải Đăng- Tuấn Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/phap-luat/phuc-tham-vu-an-keo-dai-5-nam-co-dau-hieu-oan-sai-o-tuyen-quang-118719