Phục hồi bền vững ngành Du lịch

Đại dịch COVID-19 đã khiến biên giới của tất cả các quốc gia trên thế giới 'cửa đóng then cài', chưa ai có thể dự báo chính xác được thời điểm đại dịch kết thúc. Chính vì thế, ngành Du lịch cũng như những ngành kinh tế khác buộc phải tìm cách 'sống chung với dịch' và 'chủ động thích ứng trong trạng thái bình thường mới'. Trong bối cảnh đó, tỉnh Ninh Bình đang thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới, tái cấu trúc và vận hành ngành công nghiệp không khói, giúp du lịch phục hồi trở lại, chờ đón cơ hội 'cất cánh' khi đại dịch COVID-19 đi qua.

Khu nghỉ dưỡng The Banana Tree Hotel tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Ảnh: Anh Tuấn

Kỳ I: Sức tàn phá của cơn bão COVID-19

Đại dịch COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội, trong đó ngành Du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp du lịch "đóng băng" không thể duy trì hoạt động do cạn kiệt nguồn lực, một số doanh nghiệp lữ hành phải giải thể. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú vẫn gắng gượng duy trì hoạt động đón khách nhưng hiệu quả không cao, lượng khách và doanh thu toàn ngành thấp.

"Kiệt sức" vì dịch kéo dài

Tính từ thời điểm Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, lượng khách đến Ninh Bình đã tăng đột biến, tỷ lệ thuận với tốc độ gia tăng số lượng du khách là số lượng các cơ sở lưu trú theo hình thức homestay tại các xã vùng đệm như Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Thắng (Hoa Lư), Gia Sinh (Gia Viễn) cũng nhanh chóng mọc lên. Nhiều gia đình đã vay mượn hàng chục tỷ đồng để xây cơ sở lưu trú đón khách.

Cũng phải nói rằng, thời điểm chưa có dịch, loại hình lưu trú homestay rất được du khách ưa chuộng khi về Ninh Bình. Anh H, chủ một homestay tại Ninh Xuân cho biết: Trước đây, tôi là nhân viên của một công ty du lịch tại Quảng Ninh, nhận thấy tiềm năng phát triển và lại có nghề nên quyết định về quê đầu tư. Năm 2015, gia đình tôi đã vay mượn hơn 5 tỷ đồng để xây dựng homestay rộng gần 700m2 với 7 căn bungalaw, 1 quầy bar kiêm đón tiếp, bếp, công trình phụ trợ. Vì là người trong ngành Du lịch, có ngoại ngữ nên tôi dễ dàng khai thác được lượng khách quốc tế ổn định quanh năm. Từ năm 2016, khi cơ sở đi vào hoạt động, doanh thu khá tốt, trừ các loại chi phí thu về 30-40 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát kéo dài 2 năm nay, lượng khách quốc tế gần như không có, nhưng các chi phí khác vẫn phát sinh như tiền điện, nước, đặc biệt là tiền trả lãi mỗi tháng mấy chục triệu đồng. Thời gian đầu, dịch bùng phát còn gắng gượng, nhưng hơn 1 năm qua chúng tôi không trụ nổi cũng đành phải giao bán homestay. Nếu cao điểm thì homestay ở vị trí đắc địa, kinh doanh tốt giá vài chục tỷ đồng không ai bán. Nhưng bây giờ giao bán lỗ cũng không ai mua. Càng để lâu thì chúng tôi càng không có khả năng trả nợ.

Là địa phương có số lượng homestay lớn nhất tại Ninh Bình, theo thống kê toàn xã Ninh Hải có hơn 100 hộ kinh doanh loại hình dịch vụ này. Thời kỳ cao điểm người ta đã ví khu vực bến thuyền Tam Cốc của Ninh Hải "như Hồng Kông thu nhỏ" bởi sự tấp nập, sang trọng cả ngày lẫn đêm.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19, hơn 1 năm nay du lịch hết "nghỉ hè" rồi lại "ngủ đông" làm cho khu vực này đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều người đã không đủ sức để chờ đợi du lịch phục hồi mà chuyển sang làm nghề khác. Nhiều cơ sở homestay đã bắt đầu rao bán.

Lãnh đạo xã Ninh Hải, Hoa Lư cho biết: Tình trạng các chủ homestay rao bán homestay diễn ra nhiều nhất từ đầu năm nay, nhưng thực tế thì số homestay bán được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong thời điểm này, khó có nhà đầu tư nào mạo hiểm bỏ hàng chục tỷ đến vài chục tỷ đồng để kinh doanh mà không đoán định được tương lai. Đây không chỉ là khó khăn riêng của các hộ kinh doanh mà là vấn đề cấp thiết của chính quyền địa phương nơi ngành nghề phát triển kinh tế chính là dịch vụ du lịch như Ninh Hải.

Không chỉ có các cơ sở lưu trú bị tàn phá do cơn bão đại dịch COVID-19 mà các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn cũng "đóng băng". Ông Hoàng Bình Minh, Trưởng Chi hội Lữ hành, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho biết: Kinh doanh lữ hành là hình thức trung gian khâu nối các dịch vụ du lịch với du khách có nhu cầu.

Trên thực tế, lao động cố định tại công ty không nhiều, chủ yếu là đối tượng cộng tác như hướng dẫn viên, nhân viên khai thác thị trường... Chính vì thế, khi dịch bệnh kéo dài, hoạt động du lịch ngừng trệ, hầu hết các Công ty cũng không có khả năng tài chính để hỗ trợ cho nhân viên, buộc người lao động phải tìm việc khác để đảm bảo cuộc sống gia đình. Nhiều công ty chỉ còn mỗi giám đốc nên chúng tôi gọi đó hiện tượng "rỗng ruột" ở các công ty lữ hành.

Bức tranh với gam màu trầm

Nhìn lại quãng thời gian từ năm 2010-2019 cho thấy, tốc độ tăng trưởng về khách du lịch của Ninh Bình đạt 11%/năm, doanh thu du lịch đạt 23,6%/năm. Riêng năm 2019, Ninh Bình đón được 7,65 triệu lượt khách, tăng 4,79% so với năm 2018. Trong đó khách nội địa đạt 6,68 triệu lượt khách, tăng 3,9% so với năm trước; khách quốc tế đạt 970 nghìn lượt, tăng gần 11% so với năm trước; doanh thu đạt trên 3.600 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm trước.

Thế nhưng, con tàu du lịch đang băng băng trên đà tăng trưởng thì đột ngột bị đại dịch COVID-19 "hãm phanh". Có thể thấy, chưa bao giờ ngành công nghiệp không khói lại đứng trước khó khăn và thách thức lớn đến vậy. Các hoạt động du lịch đã tạm ngừng để tập trung phục vụ công tác phòng, chống dịch. Điều này làm cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch phải gồng mình để chống chọi với tình trạng tài chính bị thâm hụt, hàng chục nghìn lao động ngành Du lịch bị mất việc hoặc cắt giảm ngày công, lực lượng lao động bị "thất thoát" do chuyển đổi sang các ngành nghề khác.

Theo thống kê của Sở Du lịch: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến doanh thu và phát triển của doanh nghiệp; ước tỉnh có khoảng 8.600 lao động/tổng số 14.500 lao động toàn ngành, chiếm 59,3% bị ngừng hoặc giãn công việc.

Hiện nay, có khoảng 450/690 cơ sở lưu trú đóng cửa, với 2.500/3.800 lao động trong cơ sở lưu trú (bằng 65,7%) tạm thời không có việc làm; một số cơ sở lưu trú duy trì 100% nhân lực làm việc nhưng giảm số ngày công lao động, còn khoảng 1/3 - 1/2 tổng số ngày công.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp lữ hành (trong đó có 3 lữ hành quốc tế) thì hơn một năm qua ước tính 90% số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động và đây là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour hàng loạt và yêu cầu hoàn tiền của khách du lịch. Trong đó, từ đầu năm 2020 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành làm thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Nhờ sự nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả, tỉnh cũng đã tạo một số cơ hội để ngành Du lịch từng bước trở lại nhưng tốc độ rất chậm và hạn chế. Năm 2020, toàn tỉnh chỉ đón trên 2,6 triệu lượt khách, doanh thu 1.583 tỷ đồng, đạt 34,3% về lượt khách và 43,1% về doanh thu so với năm 2019.

Đặc biệt, bước sang năm 2021, Ninh Bình đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021, tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch COVID - 19, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề; lượt khách và doanh thu giảm mạnh so với năm trước.

9 tháng năm 2021, toàn tỉnh ước đón gần 930 nghìn lượt khách, đạt 45,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: khách nội địa là 912.329 lượt khách; khách quốc tế là 13.391 lượt khách. Doanh thu ước đạt gần 595 tỷ đồng, đạt 50,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Bức tranh phác họa về ảnh hưởng của cơn bão dịch COVID-19 đối với ngành Du lịch trong 2 năm qua mặc dù khá ảm đạm, song nhiều chuyên gia cho rằng "du lịch là ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên nhưng cũng sẽ là ngành có sức phục hồi mạnh mẽ nhất". Điều này không phải là không có căn cứ, bởi trong khó khăn những mạch nguồn phát triển vẫn được ngành Du lịch, các doanh nghiệp lặng lẽ bồi đắp, chờ cơ hội phục hồi, vươn lên.

Nguyễn Thơm

Kỳ II: Nhóm lên "ngọn lửa"phục hồi ngành du lịch

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phuc-hoi-ben-vung-nganh-du-lich/d2021110208504295.htm