Phục dựng gương mặt 'Người Rồng' 146.000 năm tuổi, sửng sốt dung mạo

Các chuyên gia mới phục dựng gương mặt 'Người Rồng' dựa trên một hộp sọ có niên đại ít nhất khoảng 146.000 tuổi. Nhờ đó, công chúng có thể dễ dàng hình dung dung mạo của người đàn ông này.

Cách đây khoảng 150.000 năm, một loài người có vóc dáng to lớn gọi là Homo longi (hay còn gọi Người Rồng) sinh sống trong những khu rừng đầy sương mù ở phía bắc Trung Quốc. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, mặc dù có hình dáng khá thô kệch nhưng "Người Rồng" được xác định là họ hàng của người Homo sapiens.

Đặt theo tên Hắc Long Giang ở tỉnh Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc, những ghi chép khảo cổ đầu tiên về Homo longi là vào năm 1933. Khi ấy, các công nhân xây dựng tình cờ phát hiện một hộp sọ nguyên vẹn trong lúc xây cầu. Tuy nhiên, phải tới năm 2021, các nhà nghiên cứu mới xác nhận hộp sọ đó có niên đại ít nhất 146.000 năm tuổi và là một "Người Rồng".

Theo nhóm nghiên cứu, chủ nhân của hộp sọ cổ xưa trên từng sống ở Đông Á vào thời điểm người hiện đại tiếp xúc với một số loài họ hàng gần khác bao gồm người Neanderthal và Denisovan.

Với kích thước đồ sộ và sở hữu một số đặc điểm gương mặt riêng biệt như hốc mắt vuông vắn, xương gò má dẹt và thấp, hàm răng khổng lồ, thoạt nhìn "Người Rồng" trông khá giống họ hàng xa của 3 loài người là: Homo sapiens, Neanderthal và Denisovan.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, trên thực tế, "Người Rồng" có quan hệ gần gũi với người hiện đại (Homo sapiens) hơn người Neanderthal. Căn cứ vào phân tích hộp sọ có niên đại ít nhất 146.000 năm tuổi trên, chuyên gia đồ họa người Brazil Cícero Moraes đã phục dựng chân dung "Người Rồng" này.

Theo đó, chuyên gia Moraes tạo ra mô hình kỹ thuật số của hộp sọ, sử dụng dữ liệu và ảnh chụp cung cấp bởi các tác giả của nghiên cứu công bố vào năm 2021. Tiếp đến, hộp sọ hoàn chỉnh của một loài người nguyên thủy khác là Homo erectus sau đó được tích hợp vào để lấp đầy những khoảng trống ở hàm răng của "Người Rồng".

Chuyên gia Moraes (trong ảnh) thêm các điểm đánh dấu mô mềm dựa vào hình ảnh chụp cắt lớp của người hiện đại và tinh tinh rồi điều chỉnh cho phù hợp với đường nét hộp sọ của "Người Rồng".

Nhờ vậy, chuyên gia Moraes tạo ra một hình ảnh bán thân kỹ thuật số màu xám sử dụng dữ liệu khách quan và kỹ thuật lập mô hình đáng tin cậy. Ngoài ra, ông còn bổ sung tóc và màu da vào mô hình để diện mạo của "Người Rồng" trông sống động hơn.

Dựa trên mô hình cuối cùng, chuyên gia Moraes tính toán "Người Rồng" trên có chu vi vòng đầu là 65,1 cm. Kích thước này cho thấy "Người Rồng" có phần đầu lớn nhất trong các loài người từng được phát hiện đến nay.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, "Người Rồng" có hộp sọ lớn như vậy có thể là nhằm thích nghi với nhiệt độ lạnh giá ở Cáp Nhĩ Tân. Vào mùa đông, khu vực này thường có nhiệt độ khoảng -16 độ C.

Mời độc giả xem video: Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc qua chân dung ảnh phục dựng.

Tâm Anh (theo IFL Science)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phuc-dung-guong-mat-nguoi-rong-146000-nam-tuoi-sung-sot-dung-mao-1929310.html