Phụ nữ ngành ngân hàng thực hiện bình đẳng giới

Bình đẳng giới là vấn đề xã hội rất được quan tâm, đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong các chính sách của Đảng và nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội hiện nay.

Mục tiêu bình đẳng là "xóa bỏ phân biệt dối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình".

Chúc mừng các Chị em Phụ nữ nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Kim Huệ

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, vai trò và địa vị của phụ nữ ngày càng nâng cao và được khẳng định trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày xưa, phụ nữ chỉ lo nội trợ, nuôi dạy con cái nhưng ngày nay phụ nữ tham gia hầu như các công việc trong mọi lĩnh vực. Ngày càng có nhiều cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, lãnh đạo cấp cao tử Trung ương đến địa phương trong mọi lĩnh vực chính trị, ngân hàng, y tế, giáo dục, hàng không, khoa học công nghệ, ...

Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu được Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm, bởi lao động nữ trong ngành này chiếm gần 60% và phụ nữ với lợi thế về giao tiếp, ứng xử, tư duy phục vụ, sự cảm thông, tính tỉ mỉ, cẩn thận, kiên trì, nhẫn nại đã tạo nên lợi thế cạnh tranh trong ngành dịch vụ ngân hàng. Do đó, sự phát triển và thành công của lao động nữ đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của ngành.

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Bình Dương (VCB Bình Dương). Cán bộ nữ và nam đều bình đẳng trong việc tiếp cận công việc, tiếp cận kiến thức mới, khoa học công nghệ hiện đại, cải tiến cũng như cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân. Tỷ lệ nữ chiếm 63,2% trên tổng số lao động, tỷ lệ nữ là lãnh đạo tại đơn vị chiếm 56,4% trên tổng số lãnh đạo đơn vị. Cán bộ nữ VCB Bình Dương tham gia ở tất cả các vị trí công tác của đơn vị từ Đảng ủy, Ban Giám đốc, lãnh đạo phòng đến giao dịch viên, kiểm ngân, kế toán, tín dụng, tin học,…Điều này chứng tỏ phụ nữ hoàn toàn đủ năng lực đảm nhiệm và làm tốt / xuất sắc nhiệm vụ, trọng trách được giao. Ngoài ra, hàng năm tại VCB Bình Dương, số lao động nữ được trao tặng danh hiệu phụ nữ hai giỏi "giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà" đạt gần 80% tổng số lao động nữ, cho thấy phụ nữ luôn hướng đến sự hài hòa, cân bằng giữa công việc và cuộc sống mặc dù phụ nữ có rất nhiều vai phải đảm nhiệm cùng lúc.

Bà Đặng Thị Hương, Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc VCB Bình Dương (thứ 2 từ phải sang) vinh dự nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN Việt Nam tại Hội nghị tổng kết 05 năm kế hoạch hành động về Bình đẳng giới giai đoạn 2015-2020 . Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Kim Huệ

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ, chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ nữ thông qua việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chính sách tạo điều kiện để cán bộ lao động nữ phát huy năng lực và trí tuệ, nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội; các cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện tốt quyền và bình đẳng giới; trong gia đình, người đàn ông đã thay đổi quan niệm "chồng chúa vợ tôi" hay "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" và đã sẵn sàng yêu thương, chia sẻ công việc nhà, chung tay nuôi dạy con cái, vun đắp hạnh phúc gia đình; đồng thời bản thân phụ nữ cũng nhận thức rõ hơn, hiểu đúng về quyền và bình đẳng giới, ngày càng suy nghĩ tích cực, tự tin, chủ động hơn trong việc lên kế hoạch phát triển bản thân, thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, tiếp cận nhiều kiến thức mới, kết hợp phát huy những điểm mạnh của giới nữ để đối mặt và chinh phục những thách thức, khó khăn trên con đường phát triển sự nghiệp và xây dựng gia đình hạnh phúc một cách hài hòa. Tuy nhiên, ở đâu đó, vẫn còn tình trạng phân biệt giới, chưa thật sự mạnh dạn sử dụng, đối xử với lao động nữ một cách bình đẳng, công tác phụ nữ còn bất cập, gặp nhiều rào cản, ảnh hưởng đến tỷ lệ nữ tham gia vào các hoạt động lãnh đạo, quản lý, vai trò phụ nữ chưa thật sự thoát ra khỏi "gian bếp".

Chính vì vậy, để tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò và vị thế người phụ nữ trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ, triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ bằng Kế hoạch được cụ thể hóa thông qua các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng đơn vị; Về phía gia đình cần phải thay đổi những nhận thức, tư tưởng lạc hậu, trọng nam khinh nữ, phân biệt đối xử theo giới tính, sẵn sàng tiếp thu tư tưởng đổi mới, tôn trọng, yêu thương, san sẻ, cùng nhau chung tay vun đắp hạnh phúc gia đình nhằm tạo cơ hội, động lực cho phụ nữ tiếp tục phát huy năng lực, tự tin khẳng định vai trò, vị trí của mình ở mọi mặt trận trong thời kỳ mới, xứng đáng với tám chữ vàng "Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang" của phụ nữ hiện đại ngày nay!

Nguyễn Thị Thanh Kim Huệ

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/phu-nu-nganh-ngan-hang-thuc-hien-binh-dang-gioi-172231110080743585.htm