Hà Nội sáp nhập 100 xã phường: Hơn 1.000 cán bộ dôi dư được sắp xếp như thế nào?

Trong hơn 1.000 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sáp nhập xã, phường, Hà Nội dự kiến điều động hơn 400 người sang địa bàn mới; động viên nghỉ hưu, tinh giản biên chế, cho thôi việc hơn 300 người.

HĐND TP Hà Nội vừa thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Nội giảm từ 579 đơn vị xuống còn 518 đơn vị (giảm 61 xã).

Động viên 122 cán bộ nghỉ hưu hoặc thôi việc

UBND TP Hà Nội cho biết, trong 100 đơn vị hành chính cấp xã (thuộc 20 quận, huyện, thị xã), số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách được giao định mức là 4.032 người (hiện có 3.383 người).

Sau sắp xếp, số cán bộ, công chức, người hoạt động chuyên trách dôi dư là 1.031 người (520 cán bộ, 365 công chức và 169 người hoạt động không chuyên trách).

Giai đoạn 2023-2025, TP Hà Nội có 100 xã, phường phải sáp nhập. Ảnh: Hoàng Hà

Giai đoạn 2023-2025, TP Hà Nội có 100 xã, phường phải sáp nhập. Ảnh: Hoàng Hà

Theo UBND TP Hà Nội, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức đang làm việc. Hơn nữa, bộ máy cơ quan nhà nước tại đơn vị hành chính mới sẽ mất một thời gian để ổn định tổ chức và đáp ứng hiệu quả công việc.

Ngoài ra, trong giai đoạn đầu người dân, doanh nghiệp cũng sẽ gặp một số khó khăn khi phải chuyển đổi giấy tờ. Cán bộ cấp xã cũng sẽ vất vả hơn trong thực hiện thủ tục hành chính cho công dân.

UBND TP Hà Nội đưa ra phương án sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư theo lộ trình 5 năm. Theo đó, thực hiện điều động sang xã, phường còn chỉ tiêu là 423 người và chuyển sang công chức 72 người. Trường hợp dôi dư không bố trí sắp xếp được thì động viên nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc (122 người).

Đối với cán bộ, công chức cấp xã không đủ điều kiện về trình độ chuyên môn sẽ bố trí sang chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã, tổ dân phố (117 người). Ngoài ra, sẽ giải quyết tinh giản biên chế hoặc cho thôi việc theo nguyện vọng là 184 người.

Cần cơ chế hỗ trợ tốt nhất cho cán bộ dôi dư

Huyện Ứng Hòa có số xã thuộc diện phải sắp xếp nhiều nhất TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Cụ thể, huyện này có 14 xã phải sắp xếp thành 5 đơn vị hành chính mới. Bà Bùi Thu Hiền - Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa cho biết, sau sắp xếp, huyện có hơn 140 cán bộ, công chức dôi dư.

Vì thế, từ tháng 7/2023, huyện Ứng Hòa đã dừng kiện toàn chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND xã tại một số xã để chờ kiện toàn. Lãnh đạo huyện Ứng Hòa chia sẻ thực tế, tại các xã thuộc diện sắp xếp, cán bộ công chức cũng có tâm tư vì không biết ai đi, ai ở.

Cử tri huyện Chương Mỹ xem xét phương án sắp xếp các xã trên địa bàn. Ảnh: Quang Phong

Cử tri huyện Chương Mỹ xem xét phương án sắp xếp các xã trên địa bàn. Ảnh: Quang Phong

The ông Đinh Trường Thọ, Bí thư Quận ủy Đống Đa, sau sắp xếp, thành phố và các địa phương cần quan tâm đến công tác cán bộ. Ngoài ra, thành phố sớm có hướng dẫn, quy định cụ thể để có cơ chế thông thoáng, thuận lợi nhất hỗ trợ người dân cũng như đội ngũ cán bộ dôi dư.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, việc bố trí cán bộ, công chức, người lao động sau sắp xếp sẽ được thực hiện khoa học, hợp lý với phương châm đảm bảo tốt nhất về chế độ, chính sách cho cán bộ.

"Về cơ bản những người còn đủ tuổi công tác sẽ không phải đảm nhiệm chức vụ thấp hơn, một số cán bộ dôi dư được luân chuyển sang địa phương khác", ông Hoàng Anh Tuấn nói.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-noi-sap-nhap-100-xa-phuong-hon-1-000-can-bo-doi-du-duoc-sap-xep-nhu-the-nao-2282063.html