Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lào Cai phát triển kinh tế giỏi

Là địa phương có nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các cấp Hội phụ nữ của tỉnh Lào Cai đã đề ra nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng các câu lạc bộ, mô hình… tiêu biểu, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Mô hình kinh tế HTX ở Lào Cai đang có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt có những HTX mà người sáng lập chính là những phụ nữ đồng bào DTTS đã hoạt động hiệu quả, tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho nhiều lao động ở địa phương.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Với mong muốn bảo tồn văn hóa bản địa và làm điểm tựa cho chị em DTTS có hoàn cảnh khó khăn, chị Sùng Thị Lan, người dân tộc H’Mông ở xã Tả Van, thị xã Sa Pa đã thành lập HTX Mường Hoa. Chị cảm thấy tự hào khi không chỉ gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương mà còn đồng hành cùng bà con vươn lên thoát nghèo.

Chị Lan chia sẻ, ban đầu HTX chỉ có 9 thành viên, đến nay HTX đã thu hút thêm 15 thành viên liên kết. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các thành viên, HTX đã tạo ra được sản phẩm riêng mang đậm tính dân tộc.

Ðiều đặc biệt là các sản phẩm của HTX được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào trong quá trình sản xuất.

Mô hình kinh tế HTX khu vực DTTS ở Lào Cai đang có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Một số nguyên liệu sau sản xuất có thể tận dụng làm nguyên liệu cho quá trình tạo ra sản phẩm khác, như: củ nâu, củ mài là nguyên liệu phục vụ cho công đoạn nhuộm vải và bã của chúng được tận dụng nghiền làm một phần nguyên liệu cho hương thảo mộc…

Nhằm giảm gánh nặng môi trường, hạ giá thành mặt hàng thủ công và nâng cao năng suất cho bà con, chị Lan đã triển khai mô hình tái chế thổ cẩm. Váy, áo, khăn thổ cẩm cũ của bà con các dân tộc thiểu số sau khi HTX thu mua về sẽ được giặt sạch, nhuộm lại màu bằng nguyên liệu thiên nhiên, may mới thành vỏ gối, lọ hoa, khăn trải bàn, đồ trang trí thổ cẩm có giá trị.

Ngoài ra, HTX phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Lào Cai và Hội Nông dân xã Tả Van tổ chức lớp học may cho 30 chị em người DTTS. Theo chị Sùng Thị Lan, thách thức mà bà con gặp phải chính là thời gian sản xuất lâu, giá thành cao hơn so với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Mong muốn khách hàng hiểu hơn về sự khác biệt cũng như giá trị văn hóa mà các sản phẩm mang lại, HTX Mường Hoa còn tổ chức các tour du lịch cho du khách trải nghiệm thực tế, trực tiếp tham gia vào các công đoạn sản xuất các sản phẩm thủ công.

Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ

Cũng như chị Sùng Thị Lan, là người năng động, nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ dám làm là những lời khen mà nhiều người dành cho Chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc HTX cộng đồng Dao đỏ tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa.

Với vai trò là người “thuyền trưởng", từ khi thành lập HTX đến nay, chị đã không ngừng học tập, nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản và tạo việc làm, tăng thu nhập cho 100% thành viên là đồng bào DTTS người Dao.

Với phương châm phát triển bền vững và ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, HTX Cộng đồng Dao đỏ đã chú trọng mở rộng vùng nguyên liệu bằng cách trồng mới, khoanh vùng đang có và liên kết với các hộ gia đình vệ tinh.

Cách làm này tạo ra vùng nguyên liệu gần 18 ha. Ngoài ra, HTX đã ký hợp đồng liên kết với Vườn Quốc gia Hoàng Liên về việc khai thác cây thảo dược tự nhiên với diện tích hơn 11.000 ha rừng, có trên 2.000 hộ dân sinh sống là dân tộc thiểu số.

Từ khi phát triển thành vùng trồng dược liệu Atiso, HTX Cộng đồng Dao đỏ đã hướng dẫn bà con trồng có kiểm soát, theo tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới để mang lại nguồn nguyên liệu sạch, an toàn và bền vững. Cao mềm Atiso là sản phẩm chủ lực của HTX. Hiện nay, ngoài cung ứng ra thị trường bán lẻ, toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp đặt hàng sản xuất.

Tại huyện miền núi Bắc Hà, chị Lù Thị Tươi, người dân tộc Tày, lựa chọn khởi nghiệp từ nghề làm cốm - một món ăn dân dã trước đây vốn chỉ xuất hiện trong những ngày lễ mừng cơm mới của người Tày thôn Na Lo, xã Tà Chải. Cốm Bắc Hà được làm từ giống lúa nếp địa phương trồng trên nương có khí hậu lạnh, thời vụ kéo dài hơn nên hạt cốm cũng mềm và có vị thơm ngon đặc biệt hơn những nơi khác, được du khách đặc biệt ưa chuộng.

Từ những lợi thế trên, chị Tươi bắt tay vào kinh doanh cốm. Với kinh nghiệm làm nghề truyền thống từ gia đình, chị chọn giống lúa tốt nhất để hạt cốm đến tay khách hàng xanh, dẻo, thơm. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm của người dân ngày càng cao nên trước vụ cốm năm 2021, chị Lù Thị Tươi đã hoàn thiện các thủ tục để sản phẩm cốm được công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác rõ ràng, được cấp mã QR.

Các nữ Giám đốc HTX người DTTS đang góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.

Nhờ tiếp cận thị trường thông qua mạng xã hội như facebook, zalo nên sản phẩm của chị luôn có đầu ra ổn định, được người tiêu dùng, nhất là người Hà Nội, thành phố Lào Cai, Phú Thọ... ưa chuộng; cung không đủ cầu. Thị trường ngày càng mở rộng, chị đã thành lập tổ hợp tác cốm Na Lo – Bắc Hà, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cốm Na Lo - Bắc Hà.

Chị Tươi cho biết, mùa cốm năm 2022 tiêu thụ thuận lợi, giá cốm cao, dao động từ 140-150 ngàn đồng/kg. Tổ hợp tác của chị đã tiêu thụ được khoảng gần chục tấn cốm cho thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu trung bình từ 15-25 triệu đồng/hộ/vụ. Giờ đây, hương cốm Bắc Hà theo chân du khách và thương lái đi muôn nơi. Đồng bào Tày ở xã Tà Chải cũng vì thế có thêm thu nhập từ nghề làm cốm.

Góp phần vào sự phát triển chung của địa phương

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh Lào Cai, hiện toàn tỉnh có gần 20 chị em là người DTTS đang quản lý các HTX. Lĩnh vực chủ yếu được chị em lựa chọn là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm sản đặc sản địa phương.

Đây cũng đang là hướng đi bền vững mà tỉnh Lào Cai đã xây dựng thông qua chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, sự kiên trì và cũng đầy nhạy bén của phụ nữ, các chị đã thành công với nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, mang lại thu nhập khá và tạo việc làm cho đồng bào DTTS địa phương.

Các HTX đang hoạt động hằng năm đều tạo việc làm cho lao động địa phương, với mức thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/tháng. HTX mà người sáng lập là phụ nữ người DTTS luôn năng động, sáng tạo và đều đang hoạt động hiệu quả, vừa tạo việc làm cho cho bà con DTTS, vừa đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

Bà Thào Thị Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Lào Cai cho biết, dù số lượng phụ nữ DTTS làm chủ HTX chưa phải nhiều, nhưng đó là bước tiến vượt bậc tại tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lào Cai.

Hằng năm, Hội đều tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tập huấn về khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp, chị em đã thay đổi rõ rệt về nhận thức. Mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển sản xuất, chị em chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Qua đó, thu nhập đã dần ổn định và đời sống chị em từng bước vươn lên.

“Các nữ giám đốc đã và đang đưa các HTX của mình phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, các HTX trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã góp phần tạo nên vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ, đưa các sản phẩm vươn xa, nhất là các sản phẩm OCOP”, bà Thào Thị Tùng chia sẻ.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/phu-nu-dan-toc-thieu-so-o-lao-cai-phat-trien-kinh-te-gioi-1094596.html