Phụ huynh, học sinh đừng nhìn tỷ lệ chọi mà hoang mang

Chuyên gia cho biết tỷ lệ chọi chỉ là số liệu tham khảo, phụ huynh không nên nhìn con số mà hoang mang, áp lực cho con, ngược lại cũng không nên chủ quan nếu tỷ lệ chọi thấp.

Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng sau khi biết thông tin về tỷ lệ chọi. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Theo công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm nay, toàn thành phố có 104.917 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, giảm 1.669 thí sinh so với năm học học trước. Như vậy, so với tổng chỉ tiêu (72.000), tỷ lệ trúng tuyển lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội hiện là 66,5%. Tỷ lệ chọi (số nguyện vọng 1 trên chỉ tiêu) năm nay dao động 1/0,51-1/3,55.

Trước thông tin này, nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng việc một số trường có tỷ lệ chọi cao đồng nghĩa với việc điểm trúng tuyển sẽ cao. Tuy nhiên, trao đổi với Zing, nhiều chuyên gia nhận định tỷ lệ chọi chỉ là một kênh thông tin tham khảo, không có căn cứ nào khi cho rằng tỷ lệ chọi cao thì điểm chuẩn sẽ cao.

Vì vậy, phụ huynh và học sinh không nên quá hoang mang, nhưng cũng đừng chủ quan. Thay vào đó, các em cần tập trung cho việc ôn tập để chuẩn bị tốt kỳ thi.

Tỷ lệ chọi giữ ổn định

Năm nay, trong 117 trường THPT công lập, top 10 trường có tỷ lệ chọi cao nhất vẫn có những trường quen thuộc, thuộc các quận nội thành Hà Nội như THPT Chu Văn An (tỷ lệ chọi 1/3,43, tăng so với mức 1/2,87 của năm ngoái), THPT Kim Liên (1/2,62), THPT Phan Đình Phùng (1/2,23)...

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bất ngờ khi trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ là trường có tỷ lệ chọi cao nhất, lên đến 1/3,55. Tương tự, trường THPT Trung Văn cũng lọt top 10 trường có tỷ lệ chọi cao - 1/2,34.

Các trường có mức điểm tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm ở top giữa và top dưới cũng có tỉ lệ chọi khá cao như trường THPT Trương Định (tỉ lệ chọi 1/2,05), THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (1/1/51)…

Một số trường có tỷ lệ chọi giảm so với năm ngoái như trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (1/1,68), THPT Thăng Long (1/1,27)...

Ngược lại, những trường THPT có mức độ cạnh tranh thấp nhất đều thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội như trường THPT Minh Quang (1/0,51), THPT Bắc Lương Sơn (1/0,69), THPT Thọ Xuân (1/0,71)...

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội), nhận định số liệu công bố cho thấy tỷ lệ chọi năm nay không có biến động mạnh so với năm trước, đa số trường top đầu vẫn có tỷ lệ chọi cao. Ngoài ra, chênh lệch về tỷ lệ chọi giữa khu vực nội và ngoại thành cũng là câu chuyện nhiều năm nay ở Hà Nội.

Với một vài trường hợp đột biến như trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ, ông Cường cho rằng một số nguyên nhân có thể dễ dàng lý giải điều này như trường mới thành lập, học sinh dễ dàng lựa chọn như một giải pháp an toàn.

Lý giải cụ thể, bà Nguyễn Phương Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ, nhận định có nhiều lý do khiến tỷ lệ chọi vào trường năm nay cao.

Theo đó, trường nằm trong quận có tỷ lệ dân cư đông ở Hà Nội. Bên cạnh đó, do trường mới thành lập, phù hợp với nhiều học sinh có học lực từ mức khá đăng ký vào.

"Năm nay, trường mới tuyển sinh năm thứ 3, tuy nhiên, trường đã có những thành tích nhất định, nhận được sự tin tưởng của học sinh và phụ huynh, đó cũng là yếu tố thu hút thí sinh", bà Liên trao đổi.

Nhiều thầy cô nhận định tỷ lệ chọi không phải yếu tố quyết định tất cả điểm chuẩn. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Không hoang mang, cũng đừng chủ quan

Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về việc tỷ lệ chọi cao liệu có dẫn đến điểm chuẩn cao hơn không, bà Nguyễn Phương Liên nhận định tỷ lệ chọi không phải yếu tố quyết định tất cả điểm chuẩn.

Theo đó, điểm trúng tuyển căn cứ vào nhiều yếu tố, bao gồm: Chỉ tiêu, số lượng thí sinh đăng ký, đề thi, chất lượng thí sinh... Bà Liên cho rằng tỷ lệ chọi vào trường cao nhưng với chất lượng thí sinh đăng ký ở mức khá trở lên, phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm vì mức điểm chuẩn sẽ không đột biến.

"Tỷ lệ chọi vào trường cao chưa hẳn là điểm chuẩn cao. Điểm chuẩn của trường năm nay nếu có biến động cũng không thể cao vọt lên. Vì vậy, phụ huynh và học sinh không nên quá căng thẳng. Các em hãy giữ vững tinh thần, cố gắng ôn tập để đạt kết quả tốt nhất", bà Liên nói.

Tương tự, ông Nguyễn Cao Cường cũng nhận định thí sinh không nên hoang mang khi nhìn tỷ lệ chọi. Theo ông Cường, tỷ lệ chọi chỉ nên là thông tin tham khảo, giúp thí sinh nắm được số lượng bạn phải vượt qua để đỗ được nguyện vọng 1, từ đó chủ động và quyết tâm.

"Các em nên tin tưởng vào lựa chọn của mình. Không nên quá lo lắng khi theo dõi thông tin tỷ lệ chọi, nhưng cũng đừng chủ quan", ông Cường khuyến cáo bởi trên thực tế, tỷ lệ chọi thấp chưa chắc điểm chuẩn đã thấp, rất có thể những thí sinh đăng ký đều là những em học giỏi, xuất sắc.

Ngược lại, với những trường top dưới có tỷ lệ chọi cao, về cơ bản, năng lực học của các em ở mức độ vừa phải. Như vậy, điểm chuẩn cũng khó tăng đột biến.

Cũng theo ông Cường, ngay từ đầu tháng 3, Sở GD&ĐT đã công bố thông tin tuyển sinh về kỳ thi lớp 10 THPT công lập, bao gồm cả tỷ lệ trúng tuyển công lập. Như vậy, phụ huynh và học sinh đã có sự chuẩn bị khá dài để lựa chọn nguyện vọng đăng ký phù hợp, không nên vì tỷ lệ chọi cao mà tăng áp lực.

Ở giai đoạn nước rút này, ông Cường khuyên thí sinh cần tập trung, nhìn tỷ lệ chọi để có thêm sự quyết tâm và chuẩn bị, thay vì quá bận tâm để ảnh hưởng đến tâm lý.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng khuyên phụ huynh không nên quá áp lực con phải đỗ công lập bởi đó không phải là con đường duy nhất, các em còn nhiều sự lựa chọn khác để hoàn thành bậc học.

"Cha mẹ cần đồng hành, chuẩn bị cho con các phương án tiếp theo như trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề... Phụ huynh nên tránh tạo vết thương tâm lý cho trẻ nếu không may trượt lớp 10", ông Cường chia sẻ.

Thời điểm này, thí sinh cần tập trung, nhìn tỷ lệ chọi để có thêm sự quyết tâm và chuẩn bị thay vì hoang mang, lo lắng. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Lý do Hà Nội không cho đổi nguyện vọng

Trước băn khoăn về việc Hà Nội không cho phép đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi công bố tỷ lệ chọi như TP.HCM, ông Nguyễn Cao Cường nhận định đây là cách làm hay và hợp lý.

Theo đó, Sở GD&ĐT đã công bố thông tin tuyển sinh sớm, điều này giúp phụ huynh và học sinh có một khoảng thời gian dài để nghiên cứu, lựa chọn và đăng ký nguyện vọng.

Bên cạnh đó, sở cũng chia các trường THPT công lập theo 12 khu vực tuyển sinh, đồng thời cho phép thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào trường công lập không chuyên, khác với những năm trước chỉ được đăng ký 2 nguyện vọng. Thí sinh cũng được đăng ký nguyện vọng ngoài khu vực tuyển sinh theo đúng quy định.

Ông Cường đánh giá điều này mở ra cho thí sinh nhiều cơ hội. Trên cơ sở đó, thí sinh căn cứ vào quá trình học tập, rèn luyện để đăng ký nguyện vọng phù hợp.

Theo ông Cường, nếu cho phép thí sinh đổi nguyện vọng sau khi công bố tỷ lệ chọi, điều này sẽ tiếp tục gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quá trình ôn tập của thí sinh thay vì cho thí sinh thêm cơ hội như nhiều người vẫn nghĩ.

"Sau khi công bố tỷ lệ chọi, việc đổi nguyện vọng chỉ là thay đổi cơ học, chưa hẳn đã tốt bởi thí sinh có thể đổ dồn đăng ký lại vào những trường có tỷ lệ chọi thấp. Điều này tiếp tục tạo ra một tỷ lệ chọi ảo, gây bất lợi cho thí sinh. Điều cốt yếu, thí sinh phải xác định năng lực ngay từ đầu để có sự chuẩn bị tốt", ông Cường đánh giá.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-huynh-hoc-sinh-dung-nhin-ty-le-choi-ma-hoang-mang-post1432520.html