Phong trào văn nghệ ở bản Cọ

Bản Cọ, phường Chiềng An, thành phố Sơn La - quê hương của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lò Văn Giá là bản có phong trào văn hóa văn nghệ nổi bật trên địa bàn Thành phố. Các đội văn nghệ quần chúng, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch tại địa bàn.

Đội văn nghệ người cao tuổi bản Cọ, Thành phố biểu diễn tại Lễ ra mắt CLB văn hóa các dân tộc.

Tham dự Lễ ra mắt CLB văn hóa các dân tộc bản Cọ, chúng tôi ấn tượng với các tiết mục múa, khắp đặc sắc của đội văn nghệ bản. Mặc dù ở nhiều lứa tuổi, bận rộn các công việc khác nhau, nhưng các thành viên đều nhiệt huyết với phong trào văn nghệ. Bà Tòng Thị Huấn, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Cọ, thông tin: Bản có 283 hộ, hơn 1.200 nhân khẩu, là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Thái. Bản hiện có 4 đội văn nghệ, thông qua hoạt động của các đội văn nghệ, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái được lưu giữ và phát triển. Từ nhiều năm nay, bản là một trong những điểm dừng chân của khách du lịch trong và ngoài nước muốn tìm hiểu, khám phá văn hóa miền Tây Bắc.

Là một trong những thành viên đầu tiên của đội văn nghệ bản, bà Tòng Thị Hiệp vẫn nhớ những ngày đầu thành lập đội. Bà Hiệp kể: Năm 1993, đội văn nghệ bản Cọ được thành lập, với 12 thành viên. Khi mới thành lập, mặc dù phương tiện, trang phục, đạo cụ thiếu thốn, nhưng các thành viên luôn nhiệt tình, tích cực hoạt động. Để đa dạng thêm nhiều bài hát, múa, các thành viên còn học các bài hát, điệu múa qua băng, đĩa, rồi tự dàn dựng, cải biên, sáng tác thêm các bài mới mang đậm bản sắc dân tộc.

Hiện nay, các đội văn nghệ ở bản Cọ lưu giữ và phát triển nhiều điệu múa dân tộc Thái, như múa khăn piêu, nón, quạt, khắp Thái. Nhiều tiết mục để lại ấn tượng sâu sắc, như các tiết mục múa: Hoa ban thành phố Sơn La, quê hương Anh hùng Lò Văn Giá... Đội còn thường xuyên được trưng tập để biểu diễn phục vụ chào mừng các sự kiện chính trị, lễ, tết của phường, thành phố, của tỉnh, biểu diễn phục vụ các đoàn khách; biểu diễn giao lưu với các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn. Điển hình là năm 2016, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh mời đội tham gia biểu diễn phục vụ công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở các huyện, thành phố trong tỉnh; tham gia Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, thành phố Hà Nội... Đội còn thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch tại các homestay, nhà hàng trên địa bàn Thành phố, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.

Duy trì phong trào văn nghệ của bản, cấp ủy, chính quyền phường Chiềng An thường xuyên cử công chức văn hóa về bản để tập huấn, hướng dẫn đội văn nghệ dàn dựng các tiết mục tham gia hội thi, hội diễn; khuyến khích và vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Bên cạnh đó, các thành viên trong đội văn nghệ chú trọng bồi dưỡng nhân tố kế cận. Có gia đình cả nhà đều tham gia các đội văn nghệ của các tổ chức đoàn thể.

Bà Quàng Thị Ịnh năm nay 72 tuổi, là thành viên của đội văn nghệ người cao tuổi. Bà Ịnh tâm sự: Các buổi tập luyện tôi đều thu xếp tham dự đầy đủ. Ở đó, không chỉ để hát cho nhau nghe, múa cho nhau xem, mà còn là dịp để chúng tôi tìm được niềm vui bên những người cùng thế hệ, động viên nhau sống lạc quan, yêu đời.

Là thành viên trẻ tuổi nhất trong đội văn nghệ Hội Phụ nữ bản Cọ, chị Tòng Thị Hiên chia sẻ: Vào các ngày lễ, tết, 8/3, 20/10, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11 hằng năm, các đội văn nghệ trong bản tổ chức tọa đàm, thi văn nghệ. Sau mỗi buổi diễn, các đội còn chọn những tiết mục đặc sắc để phục vụ các chương trình biểu diễn khác khi được mời, trưng tập.

Dù kinh phí hỗ trợ ít, việc luyện tập cũng như mua sắm trang phục đều do các thành viên, nhưng các đội văn nghệ ở bản Cọ vẫn hăng say luyện tập, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại địa phương.

Bài, ảnh: Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/phong-trao-van-nghe-o-ban-co-JeB9cMtSR.html