Phòng tránh 'trẻ hóa' bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp là vấn đề sức khỏe phổ biến, cứ ba người sẽ có một người mắc bệnh. Hiện nay, tỷ lệ bị tăng tăng huyết áp đang dần 'trẻ hóa' do ảnh hưởng bởi lối sống, sinh hoạt.

Bệnh tăng huyết áp là khi huyết áp lúc nghỉ ngơi thường xuyên cao hơn ngưỡng chẩn đoán: huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc hạ huyết áp cũng được chẩn đoán là tăng huyết áp.

Trước đây, chỉ có những người cao tuổi mới thường rơi vào tình trạng này. Tuy nhiên, gần đây, tỷ lệ bị tăng tăng huyết áp đang dần “trẻ hóa” rất đáng báo động, có thể khiến nhiều người trẻ đột quỵ.

Các trường hợp đột quỵ ở người trẻ phải đến cấp cứu thường khi đã rơi vào tình trạng đột quỵ xuất huyết não vì không biết bản thân bị tăng huyết áp hoặc chủ quan với bệnh.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng huyết áp ở người trẻ tuổi thường gặp là do bệnh lý mạch máu ở thận (như hẹp động mạch thận bẩm sinh); do bệnh lý ở cơ quan nội tiết (như u tuyến thượng thận, u vỏ thượng thận); do bệnh lý nhu mô thận (như viêm vi cầu thận mãn, suy thận mãn tính…); do bệnh lý về tuyến giáp, nhiễm độc thai nghén; do bệnh lý mạch máu và tim như hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ.

Ngoài ra hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn mặn, hạn chế vận động thể lực, căng thẳng, béo phì…cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp.

Tăng huyết áp ban đầu thường không có triệu chứng, tiến triển thầm lặng, cho nên tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Tuy nhiên những trường hợp có triệu chứng thì sẽ có các biểu hiện như: đau đầu, hoa mắt, ù tai, chóng mặt, mắt nhìn mờ, mất ngủ, chảy máu cam, mặt đỏ, buồn nôn, nôn…

Các bác sĩ khuyến cáo: Để phòng bệnh tăng huyết áp, cần thực hiện lối sống lành mạnh, luôn rèn luyện để giữ được chỉ số huyết áp của mình ổn định trong ngưỡng bình thường, phòng mắc bệnh tim mạch và biến chứng do tăng huyết áp, cụ thể như sau:

- Thường xuyên kiểm tra số đo huyết áp của mình. Đặc biệt đối với những người trong gia đình có người thân bị cao huyết áp hoặc có tiền sử đột quỵ, nhồi máu cơ tim thì nên kiểm tra huyết áp thường xuyên ngay từ khi còn trẻ. Kiểm tra sức khỏe định kỳ trong đó kiểm tra các chỉ số xét nghiệm máu liên quan (VD: đường máu, lipid máu…) để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ.

- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh và cân bằng, bổ sung nhiều rau củ quả, trái cây. Không ăn nhiều chất béo bão hòa như: mỡ động vật, thức ăn chiên rán ở nhiệt độ cao,…nên thay thế bằng dầu ăn từ thực vật. Không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn, hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn).

- Hạn chế uống rượu bia, không hút hoặc ngừng hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh lo âu căng thẳng thần kinh, cần thư giãn nghỉ ngơi hợp lý.

- Duy trì cân nặng hợp lý. Với những người thừa cân, béo phì cần giảm cân, những người có cân nặng bình thường thì nên cố gắng duy trì hợp lý (chỉ số BMI nên ở mức 18,5 -22,9).

- Duy trì tập luyện thể dục, thể thao đều đặn, mỗi ngày nên duy trì khoảng 30-60 phút tập luyện với cường độ vừa phải các hoạt động như đi bộ, đi xe đạp…

Theo các bác sĩ nhận định, cùng với kiểm tra, theo dõi phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp thì việc thay đổi lối sống, sinh hoạt đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giúp cho quá trình điều trị tăng huyết áp đạt hiệu quả tốt và cũng góp phần hữu hiệu trong phòng, chống bệnh tăng huyết áp ngay khi còn trẻ.

Theo daibieunhandan.vn

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/phong-tranh-tre-hoa-benh-tang-huyet-ap-35791.html