Phòng ngừa 'giặc lửa' ngay từ mỗi địa bàn dân cư – Chỉ 'nói' không, chưa đủ…

LTS: Có một thực tế từng diễn ra là, sau những thảm họa liên quan đến cháy, nổ, từ cơ quan quản lý đến người dân đều cho thấy sự quyết liệt trong chủ trương, chỉ đạo cũng như những biện pháp, giải pháp phòng ngừa, tự phòng ngừa ở nhiều gia đình, hộ kinh doanh, khu dân cư. Nhưng, ở nhiều địa phương, nhiều cấp, sự quyết liệt ấy không kéo dài quá lâu! Nó cứ đều đều đi ngang, và trở lại xuất phát điểm của sự lỏng kiến thức, mất chủ quan, thiếu cảnh giác, thậm chí xem nhẹ sự an toàn tính mạng, sức khỏe, thiệt hại tài sản trước nguy cơ hỏa hoạn. Phải khẳng định một điều: phòng ngừa 'giặc lửa' ngay từ mỗi địa bàn dân cư là chủ trương, quan điểm hết sức đúng đắn; đáp ứng đúng phương châm 'phòng cháy hơn chữa cháy' và tinh thần 'nước xa khó cứu lửa gần'. Nhưng, để chủ trương, quan điểm ấy đi vào đời sống, phát huy hiệu quả một cách thực chất, thì chỉ 'nói' không là chưa đủ. Phải có quyết tâm chính trị lớn, sự rõ ràng về trách nhiệm, và nhất là, phải hình thành, xây dựng, hoạt động bài bản lực lượng 'phòng lửa' ngay từ cấp cơ sở.

Bài 1: Những điều chỉnh, chỉ đạo theo sát tình hình

Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Có thể khẳng định, văn bản pháp lý quan trọng này được xây dựng, ban hành có “tính thời điểm” cao, trước nguy cơ, diễn biến cháy, nổ phức tạp ở nhiều địa phương, nhiều loại hình. Đặc biệt, Nghị định 136 đã “lấp” được những khoảng trống của Nghị định số 79, được ban hành trước đó đã 6 năm.

Rõ ràng về trách nhiệm và cơ chế phối hợp

Nghị định số 136 có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2021 và áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an dự, chỉ đạo diễn tập phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn quy mô tại tỉnh Quảng Ninh

Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài ngành, nhiều điểm mới đã được cụ thể hóa tại Nghị định, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Như: Quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp phường, xã trong công tác kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở thuộc phạm vi quản lý; trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Công an và và các Bộ, Ban, Ngành… để xây dựng nội dung, thời lượng, quy định về việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, hoạt động ngoại khóa phù hợp với từng cấp học, bậc học và trình độ đào tạo.

Để đảm bảo an toàn PCCC, hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ xảy ra, mỗi người dân phải tự ý thức chấp hành và nâng cao kiến, quy định pháp luật về PCCC; Thượng tá Đỗ Anh Quyến – Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), người gắn bó nhiều năm với công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn phân tích: Nghị định 136 tập trung vào cụ thể hóa điều kiện phòng cháy cho các cơ sở, đối tượng. Chẳng hạn như quy định có thiết kế và phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với khu dân cư xây dựng mới; quy định rõ một số điều kiện đảm bảo an toàn PCCC đối với hộ gia đình vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh...

Đặc biệt, Nghị định 136 đã bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, như nhà trọ, trường tiểu học, trường THCS; nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình; cửa hàng tiện ích...

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn thuộc CS PCCC&CNCH ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại

“Hết sức quan trọng, đó là Nghị định 136 có nhiều điểm bổ sung, hướng tới việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương, phù hợp theo phương châm "4 tại chỗ" trong công tác PCCC là: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, Thượng tá Đỗ Anh Quyến nhìn nhận và cho biết, về công tác kiểm tra, Nghị định 136 quy định theo hướng giảm số lần kiểm tra định kỳ cơ sở trong năm. Thay vào đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, lãnh đạo UBND cấp xã, chủ phương tiện cơ giới, chủ hộ gia đình, chủ rừng... Và, ngay chính trong điều kiện an toàn PCCC đối với khu dân cư cũng nêu rõ, là “do Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động”.

Tính ưu việt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Nghị định 136, đó là quy định danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý (phụ lục IV), bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ Công an. Còn tại Điểm c, Khoản 3, Điều 16 của Nghị định 136 một lần nữa đã nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương khi quy định rõ: “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ 1 năm/lần”. Theo đồng chí Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, quy định này sẽ giúp chính quyền địa phương bám sát địa bàn hơn, có chỉ đạo, biện pháp kịp thời, sát với tình hình thực tế tại địa bàn quản lý.

Tính tiên phong và sự quyết liệt ở địa bàn “nóng”

Từ nguy cơ, thực tế tình hình cháy, nổ và đặc biệt trước những yêu cầu, đòi hỏi lớn trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn ở địa bàn Thủ đô, thời gian qua, quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an, lãnh đạo Thành phố và CATP Hà Nội đã hết sức trách nhiệm và quyết liệt trong việc xây dựng, ban hành những văn bản, kế hoạch chỉ đạo xuyên suốt đến cấp xã, phường, thôn, xóm, để huy động sự vào cuộc thực chất của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền cơ sở, và chính mỗi người dân.

Công an Hà Nội và lực lượng chữa cháy cơ sở phối hợp thực tập phương án hiệp đồng chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác PCCC&CNCH đã và đang được triển khai rộng khắp địa bàn thành phố, là Kế hoạch số 53/KH-UBND, ngày 16/2/2023 của UBND thành phố Hà Nội, về Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn thành phố.

Thể hiện rõ tính tiên phong và sự quyết liệt, Kế hoạch số 53 đặt mục tiêu là mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người tham gia lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nắm chắc được cách thức sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu, phương pháp, kỹ năng xử lý sự cố cháy ban đầu, kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Hiệp đồng chữa cháy trên sông Hồng

Kế hoạch số 53 xác định rõ trách nhiệm của cấp cơ sở là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phấn đấu mỗi hộ gia đình được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện cứu nạn cần thiết, như xà beng, kìm cộng lực, mặt nạ lọc độc, đèn pin…Cùng với việc yêu cầu duy trì, xây dựng, nhân rộng mô hình toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; lãnh đạo Thành phố - thông qua Kế hoạch số 53 – quán triệt mô hình phải triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động đồng bộ theo chỉ tiêu của Bộ Công an, gồm: Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng. Thống kê mới nhất của Phòng CS PCCC&CNCH CATP Hà Nội là từ tháng 2-2023 đến nay, tại 579 đơn vị cấp xã ở Thủ đô Hà Nội, đã có trên 8.000 Tổ liên gia an toàn PCCC được thành lập; và trên 22.000 Điểm chữa cháy công cộng đi vào hoạt động.

Diễn tập chữa cháy, cứu nạn tại khu dân cư ở quận Tây Hồ (Hà Nội)

Khối lượng công việc khổng lồ với yêu cầu “làm đồng bộ, thực chất, hiệu quả” cũng đang được các lực lượng, ban ngành, chính quyền cơ sở tại Hà Nội triển khai xây dựng, như mô hình khu chung cư, tập thể an toàn phòng cháy, chữa cháy; cụm liên kết làng nghề an toàn; cụm liên kết an toàn trong Khu/Cụm công nghiệp; cụm liên kết an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, chiếm không nhỏ thời gian ở cấp cơ sở là hoàn thành việc tổ chức khảo sát, thống kê, lập danh sách các hộ gia đình, hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, nổ liền kề; các khu phố trong khu dân cư, làng nghề, ngõ, hẻm tập trung đông dân cư (hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà trọ, tập thể cũ...); các ngõ, ngách, hẻm sâu có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được. “Bức tranh” này hình thành sẽ là dữ liệu nền tảng giá trị phục vụ hữu hiệu công tác nhận diện tồn tại, phòng ngừa và chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

Thời điểm toàn thành phố triển khai Kế hoạch số 53, đồng chí Lê Hồng Sơn –Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó người đứng đầu cần nêu gương trong triển khai thực hiện Kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát để khắc phục ngay những bất cập từ thực tiễn. Cùng với đó, cần huy động sự tham gia và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Bởi, đây chính là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự thành công của Kế hoạch...

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới

Ngày 03/01/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.

Theo đó, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương đổi mới tư duy, nhận thức phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác PCCC và CNCH phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay; xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cần thiết, hằng ngày.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của mình trong quản lý Nhà nước về PCCC; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiệm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác PCCC và CNCH.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC và CNCH, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và CNCH (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn …); nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ chữa cháy và CNCH hiện đại, phù hợp với tình hình, sự phát triển của đất nước; kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cho các lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực chất.

(còn tiếp)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phong-ngua-giac-lua-ngay-tu-moi-dia-ban-dan-cu-chi-noi-khong-chua-du-post558916.antd