Phòng hỏa hoạn tại chung cư cao tầng

Trong xu thế phát triển chung, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều chung cư cao tầng. Tuy nhiên, loại hình nhà ở này tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn rất cao. Thực tế thời gian qua, dù đã được quan tâm nhưng tình hình cháy nổ tại nhà chung cư vẫn diễn biến phức tạp, cần được chú trọng phòng, chống hơn nữa.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại một chung cư trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Dương Hiệp

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Đại tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, với đặc điểm công năng đa dạng, thường xuyên tập trung đông người, chung cư cao tầng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, ý thức chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy chưa tốt của người đứng đầu cơ sở, đơn vị quản lý vận hành chung cư cũng có thể làm tăng nguy cơ cháy.

Còn theo Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ tính từ sau khi Luật Nhà ở năm 2005 (có hiệu lực ngày 1-7-2006) trên địa bàn thành phố đã có 796 nhà chung cư hoàn thành, đưa vào sử dụng. Rõ ràng, chỉ riêng việc phòng cháy, chữa cháy tại nhà chung cư đã và đang đặt ra áp lực rất lớn đối với chính quyền và lực lượng chức năng.

Thực tế thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ cháy tại các chung cư cao tầng. Như ngày 14-12, tại tầng 5 tòa CT3 - HUD 3 Linh Đàm thuộc phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) xảy ra cháy, khiến người dân hoảng loạn tháo chạy. Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã tiếp cận và dập tắt đám cháy.

Còn vào khoảng 21h ngày 20-11, một căn hộ ở tầng 15 tòa nhà T8, khu đô thị Times City (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) đã xảy ra cháy lớn. Vụ việc tuy không gây ra thương vong nhưng đã làm hư hại nhiều tài sản. Đáng lưu ý, vào thời điểm trên, chủ căn hộ đi vắng nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, người dân bất an.

Trước đó, vào cuối tháng 9-2021, xảy ra cháy ô tô tại tầng hầm B2 chung cư Mandarin Garden (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy). Đám cháy được dập tắt hoàn toàn sau 30 phút và dù không có thiệt hại về người nhưng cũng khiến cư dân tại đây lo lắng.

Ông Phạm Đức Long, quản lý chung cư Hồng Hà Eco City (huyện Thanh Trì) cho rằng, nguyên nhân gây ra sự cố cháy phần nhiều là người dân chưa nắm rõ kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy. Nhiều người vẫn để đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở gần nơi đun nấu; tích trữ các chất lỏng dễ cháy trong căn hộ. Ô tô, xe máy và các phương tiện có chứa xăng dầu... để trong khu vực tầng 1 hoặc tầng hầm vẫn gần nguồn sinh lửa, sinh nhiệt.

Nỗ lực “phòng hơn chống”

Để hạn chế các vụ cháy nhà chung cư, thời gian qua, Công an và chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp với nỗ lực “phòng hơn chống”. Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm thông tin: “Hằng năm, Công an quận vẫn tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, diễn tập phương án chữa cháy cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và người dân theo thực tế tại các nhà chung cư trên địa bàn. Đồng thời, in hàng chục nghìn cuốn cẩm nang về phòng cháy, chữa cháy theo đúng đặc thù của căn hộ chung cư, phát tới tận tay người dân để họ chủ động nắm rõ cách phòng tránh. Bên cạnh đó, quận cũng lập danh sách các công trình xây dựng vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và kiên quyết xử phạt theo quy định”.

Là địa bàn có nhiều chung cư cao tầng, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) Nguyễn Thị Lan cho biết, lực lượng chức năng đã và sẽ giám sát để chủ đầu tư các khu chung cư phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản hướng dẫn liên quan đối với các công trình xây dựng mới được đưa người vào ở.

Còn về giải pháp lâu dài, Giám đốc Trung tâm Vật liệu chịu lửa và chống cháy (Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng) Cao Tiến Phú cho rằng, ngoài việc tuân thủ yêu cầu thiết kế, việc sử dụng các vật liệu chống cháy, có giới hạn chịu lửa sẽ hạn chế mức độ nguy hiểm. Một số sản phẩm như vữa chống cháy, băng keo chống cháy, sơn chống cháy... đang được nhiều nhà thầu xây dựng lựa chọn dùng để nâng cao tính chịu lửa của cấu kiện, bộ phận ngăn cháy trong công trình là rất cần thiết. “Ngoài việc tuân thủ quy định chung của ban quản lý tòa nhà, các gia đình cũng cần tự trang bị thêm bình cứu hỏa mi ni để kịp thời dập tắt đám cháy ngay khi phát sinh”, ông Cao Tiến Phú cho biết thêm.

Ngoài ra, một trong những biện pháp phòng, chống cháy tại nhà chung cư cao tầng được Công an thành phố thực hiện trong thời gian qua và thời gian tới là thường xuyên diễn tập với các tình huống bám sát thực tế. Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, buổi diễn tập là biện pháp tuyên truyền trực quan sinh động, đồng thời kiểm tra sự phối hợp giữa các lực lượng, thiết bị chữa cháy để đáp ứng yêu cầu sẵn sàng ứng phó khi có cháy xảy ra. Cùng với đó, Công an thành phố cũng đề xuất UBND thành phố đầu tư thêm xe thang, phương tiện chữa cháy hiện đại để đáp ứng việc chữa cháy ở nhà chung cư cao tầng.

Chu Dũng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1020726/phong-hoa-hoan-tai-chung-cu-cao-tang