Phòng, chống xâm hại trên không gian mạng

Theo khảo sát của tổ chức Plan International, gần 50% thiếu nữ cho biết họ bị đe dọa bạo lực thể chất hoặc tình dục trên không gian mạng. Các vụ tấn công phổ biến nhất là trên Facebook với 39% thiếu nữ đã bị quấy rối, tiếp đến là Instagram (23%), WhatsApp (14%), Snapchat (10%), Twitter (9%) và TikTok (6%).

Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra của UNICEF gần đây cho thấy, 74% trẻ em và trẻ vị thành niên có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng. Với hơn 72 triệu người dùng Internet, mạng xã hội đang tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm, xuất hiện các dạng tội phạm mới, trong đó hành vi quấy rối tình dục, xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng.

Nạn nhân của các hành vi trên hầu hết là phụ nữ trẻ bị các đối tượng xấu tiếp cận với cách thức khá giống nhau như: bắt chuyện, làm quen, sau đó là lời nói thô tục, gửi clip đồi trụy, rồi dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí ép buộc tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, dâm ô và lạm dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Một thực trạng đáng lo ngại là các hành vi tình dục qua các nền tảng trực tuyến ít bị coi là quấy rối tình dục và rất ít trường hợp được xử lý khi gần 70% tham gia mạng xã hội được hỏi không coi hành động tin nhắn khiêu dâm là quấy rối tình dục. Thế nên, chỉ có 20,2% số người bị quấy rối tình dục có phản ứng tức thì, 1,5% nạn nhân có trao đổi lại với gia đình và bạn bè và 11% nạn nhân báo cho người có thẩm quyền; còn phần lớn là giữ im lặng.

Theo chuyên gia tâm lý, nguyên do việc không tố cáo hành vi quấy rối, bởi nạn nhân không đủ tự tin đưa vấn đề ra công chúng vì e ngại vấn đề của họ không được giải quyết hoặc không muốn bị mang ra bàn tán hoặc đồn thổi trước công chúng...

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ trẻ em và phụ nữ trên môi trường mạng ngày càng được bổ sung, hoàn thiện với nhiều quy định và giải pháp cụ thể. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi quấy rồi tính dục qua mạng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính cao nhất là 30 triệu đồng và mức phạt tù cao nhất từ 3 tháng đến 2 năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm là chưa đủ sức răn đe đối với những hậu quả, hệ lụy mà hành vi quấy rối tình dục gây ra.

Mặt khác, các văn bản qui phạm pháp luật liên quan mới tập trung nhiều hơn vào khía cạnh pháp lý, các thuật ngữ pháp lý hơn là quan tâm và giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới từ góc độ văn hóa, xã hội, đạo đức vốn được đóng khung trên các chuẩn mực xã hội, các định kiến giới.

Nhấn mạnh quấy rối tình dục qua mạng được hiểu là hành vi tình dục có tác động tiêu cực đối với nạn nhân trên bất kỳ nền tảng kỹ thuật số nào (dù công khai hay riêng tư) và là một hình thức của bạo lực tình dục, các chuyên gia đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, trên không gian mạng và sử dụng công nghệ nói riêng. Trong đó quy định cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục để tránh những lời bào chữa về văn hóa, ranh giới hành vi tình dục mong muốn và không mong muốn; cũng như có cơ chế trình báo và cam kết của các bộ, ngành liên quan thực hiện vấn đề này rõ ràng hơn nữa.

Để đảm bảo cho phụ nữ và trẻ em có thể tự do tham gia không gian mạng mà không sợ bạo lực và xâm hại, giải pháp căn cơ là tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho mỗi người dân, cùng nhau hợp tác để chấm dứt nạn quấy rối tình dục trên không gian mạng. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở giáo dục đưa nội dung phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới và hành vi tình dục trên không gian mạng vào chương trình giảng dạy.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phong-chong-xam-hai-tren-khong-gian-mang-post468147.html