Phòng chống tham nhũng: Cần có quy định khuyến khích người phạm tội nộp lại tài sản

Báo cáo tại Quốc hội, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát thực hiện nhiệm vụ chống oan sai; đồng thời quan tâm giám sát thực hiện nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, chức vụ và kinh tế.

Ảnh minh họa

Ông Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội tập trung sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Phòng chống tham nhũng và các luật liên quan về tư pháp.

Song song với đó, ông Trí đề nghị thống nhất thi hành trong cả nước, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đã được phát hiện đều bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đặc biệt, theo ông Trí, quá trình sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cần có quy định khuyến khích người phạm tội nộp lại tài sản phạm tội, bảo đảm hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng và việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Ông Lê Minh Trí cũng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát những lĩnh vực gây nhiều bức xúc trong xã hội, bảo đảm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm minh, hiệu quả.

Quốc hội cần chú trọng đặc biệt trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; chống lãng phí, thất thoát tài sản trong đầu tư công; trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm… bảo đảm công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư công và sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đồng thời, Quốc hội cần chỉ đạo cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn, xác định các vụ án xảy ra trong các lĩnh vực trên làm án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đồng thời răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Cùng với đó, Quốc hội tăng cường giám sát thực hiện nhiệm vụ chống oan sai; quan tâm giám sát thực hiện nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, chức vụ và kinh tế. Kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết chống bỏ lọt tội phạm để góp phần phòng ngừa, phát hiện tội phạm và phòng chống tiêu cực trong cơ quan bảo vệ pháp luật các cấp.

Báo cáo tại Quốc hội, ông Lê Minh Trí cũng đã nêu một số thành tựu của ngành trong năm qua. Cụ thể, cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã thụ lý 169 tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền; đã giải quyết 126 tố giác, tin báo; ra quyết định khởi tố 30 vụ án hình sự, trong đó có 16 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp; thụ lý điều tra 46 vụ/43 bị can, trong đó có 35 vụ/38 bị can về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp (76%).

Kết quả công tác kháng nghị phúc thẩm án, dân sự, hành chính có sự chuyển biến nhiều mặt, số lượng kháng nghị tăng, tỷ lệ kháng nghị được tòa án chấp nhận đạt 86,4%, vượt 16,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội.

Cơ quan này cũng ban hành 9.199 văn bản kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan hoặc ra quyết định hủy bỏ những văn bản tố tụng trái pháp luật, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; nội dung các kiến nghị, kháng nghị có căn cứ pháp luật, tính xác thực cao nên tỷ lệ chấp nhận đạt 98,8%, vượt 18,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 111 của Quốc hội. Tiến độ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã tăng 21,7%, vượt 1,7% so với Nghị quyết số 111 của Quốc hội…

Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót của ngành trong năm qua, đó là một số đơn vị chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Cùng với đó, trách nhiệm thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra đối với một số vụ án chưa tốt; chưa theo sát, nắm chắc tiến độ lập hồ sơ vụ án, chưa kịp thời đề ra yêu cầu điều tra; việc phê chuẩn các quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn có trường hợp chưa chính xác.

Đồng thời, việc giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế còn kéo dài, tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn cao; vẫn để xảy ra một số trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.

Tại một số viện kiểm sát, số kháng nghị chiếm tỷ lệ thấp so với số bản án bị sửa, hủy; hiệu lực, hiệu quả nhiều bản kiến nghị chưa cao. Tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thuộc thẩm quyền chưa đạt yêu cầu. Một số cán bộ vi phạm quy chế nghiệp vụ, vi phạm pháp luật phải xử lý kỷ luật.

Trí Lâm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/phong-chong-tham-nhung-can-co-quy-dinh-khuyen-khich-nguoi-pham-toi-nop-lai-tai-san-46120.html