Phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị

Vấn đề sửa đổi lối làm việc cũng là cách để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'

Có ý kiến nhận định tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề cương một cuộc chỉnh đốn vĩ đại. Xét ở nhiều khía cạnh, điều đó hoàn toàn có lý - nhất là gắn với bối cảnh lịch sử, xã hội ở 2 giai đoạn của đất nước.

Nâng cao nhận thức chính trị

Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào những ngày cuối thu đầu đông năm 1947, ở vào một trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là lúc Chính phủ vừa thoát được một âm mưu tấn công nhanh, tiêu diệt gọn của địch và đang giai đoạn củng cố lực lượng tại chiến khu Việt Bắc.

Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP HCM tuyên dương tập thể điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 .Ảnh: TẤN THẠNH

Trước đó, vào tháng 3-1947, Người đã viết 2 bức thư gửi "các đồng chí Bắc Bộ" và "các đồng chí Trung Bộ". Bấy giờ, Đảng ta vừa phải lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp vừa phải đối đầu với nạn nghèo nàn, lạc hậu, giặc đói, giặc dốt... Thực tiễn đó đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Đảng ta phải được sửa đổi, chỉnh đốn để có thể thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ nhằm tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh tổ chức và toàn dân tộc.

Là người đứng đầu, Bác Hồ sớm nhận ra các khiếm khuyết trong tổ chức, bộ máy cũng như các tàn dư của chế độ cũ trong mỗi cán bộ, đảng viên. Hơn lúc nào hết, hoàn cảnh này đòi hỏi mỗi người phải thật sự gương mẫu, nêu cao đạo đức cách mạng, chấp nhận gian khổ, hy sinh. Trước khi viết tác phẩm này, Người đã viết nhiều bài báo, tác phẩm để định hướng, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức, tác phong cho cán bộ, đảng viên ta.

Hiện nay, thế và lực của đất nước đã được khẳng định, tiền đồ vô cùng xán lạn. Tuy nhiên, các thử thách trong và ngoài nước, trong Đảng và ngoài xã hội là vô cùng khắc nghiệt; không phải chỉ từ sự chống phá của kẻ thù mà chính từ trong nội bộ với những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng, phức tạp.

Trong bối cảnh đó, cũng có cán bộ, đảng viên "ngủ quên trên chiến thắng", sa vào chủ nghĩa cá nhân… mà Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"…

Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc nghiên cứu lại, học lại, thực hành lại tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc".

Khắc phục khiếm khuyết

Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" gồm 6 phần chính: Phê bình và sửa chữa, mấy điều kinh nghiệm, tư cách và đạo đức cách mạng, vấn đề cán bộ, cách lãnh đạo, chống thói ba hoa.

Như vậy, trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn một chủ đề rất quan trọng là việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng khi Đảng thực hiện vai trò cầm quyền, lãnh đạo quần chúng nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước.

Trong điều kiện mới đó, Đảng phải khắc phục nhiều khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, mà trước chưa xuất hiện hoặc chưa bộc lộ rõ. Tác phẩm đã bao quát các vấn đề rộng lớn trong toàn bộ những mối quan hệ và các nguyên tắc, phương pháp, lề lối, cách thức làm việc của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên.

Sửa đổi lối làm việc chính là khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sửa đổi cách lãnh đạo của Đảng để xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân theo nguyên tắc dân làm chủ.

Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, Đảng ta chú trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức, thúc đẩy mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn "tự soi, tự sửa", tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đồng thời thực hiện nhiều cơ chế để kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp…, thì vấn đề sửa đổi lối làm việc lại càng cấp thiết.

Đó cũng là cách để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, gắn với việc quán triệt các Nghị quyết Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự có hiệu quả; phát huy ý nghĩa trong thực tiễn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong bối cảnh hiện nay. Bởi, giá trị chỉnh đốn Đảng của tác phẩm này sau hơn 75 năm vẫn còn nguyên vẹn!

Số vụ án tham nhũng tăng

Về tham nhũng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, số vụ án tham nhũng tăng hơn 2 lần và số bị can tăng hơn 3 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn 2 lần về số vụ án và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII). Trong đó, đã xử lý hình sự 31 cán bộ diện trung ương quản lý, với 2 bộ trưởng/nguyên bộ trưởng, 4 bí thư/nguyên bí thư tỉnh ủy, 5 thứ trưởng/nguyên thứ trưởng, 7 chủ tịch/nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh…

TRỊNH MINH GIANG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phong-chong-suy-thoai-tu-tuong-chinh-tri-196231210191349909.htm