Phòng chống Doping: Nâng cao kiến thức cho VĐV, tránh đi vào vết xe đổ

Tại Việt Nam, không ít trường hợp VĐV sau khi xét nghiệm doping cho kết quả dương tính với các chất cấm, bắt nguồn từ việc sử dụng thuốc thiếu hiểu biết.Tại Việt Nam, không ít trường hợp VĐV sau khi xét nghiệm doping cho kết quả dương tính với các chất cấm, bắt nguồn từ việc sử dụng thuốc thiếu hiểu biết.

Trong những năm vừa qua, thành tích và thực tế phát triển của thể thao Việt Nam đã có những bước tiến lớn. Hiện, Việt Nam là quốc gia có nền thể thao phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á, thể hiện ở việc thay đổi thứ hạng nhanh chóng trong bảng xếp hạng tại các kỳ ASIAD, đồng thời, thể thao Việt Nam cũng sở hữu lực lượng VĐV tài năng và đẳng cấp.

Đi kèm với sự phát triển này là việc nhận được sự chú ý, theo dõi của các tổ chức thể thao quốc tế, trong đó có vai trò của Tổ chức phòng, chống Doping thế giới (WADA). Bằng chứng là việc VĐV của chúng ra được yêu cầu kiểm tra doping thường xuyên hơn, số lượng VĐV phải khai báo vào thời điểm bất kỳ cũng tăng lên nhanh chóng từ vài VĐV vào năm 2017 đến hàng chục VĐV vào năm 2020.

Vào cuối tháng 11/2020, hai VĐV cử tạ trẻ của Việt Nam là Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng bị Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) cấm thi đấu 4 năm do dương tính với chất oxandrolone (chất để phát triển cơ bắp), đã nâng tổng số trường hợp VĐV cử tạ Việt Nam bị cấm thi đấu lên con số 5. Cử tạ trở thành một trong những môn thể thao dính doping nhiều nhất của thể thao Việt Nam trong lịch sử. Điều này cho thấy sự nhận thức của đa số của các VĐV vẫn chưa cao khi chỉ bỏ qua việc bổ sung kiến thức về dinh dưỡng, phòng chống doping

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Y học thể thao thuộc trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Nhổn, VĐV thường không hiểu vì sao lại dính chất cầm bởi sự thiếu hiểu biết và thiếu chuyên nghiệp.

Bác sĩ Vũ Trọng Hải thuộc Trung tâm Doping và Y học Thể thao VN (VADA)

"Nó có thể bắt nguồn từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống hàng ngày. Do vậy, cần phải việc quan trọng đầu tiên là nâng cao ý thức ngay từ các VĐV" - bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền cho biết.

Giải thích rõ hơn cho quan điểm trên, bác sĩ Vũ Trọng Hải thuộc Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam (VADA) cho hay, ở Việt Nam thường xảy ra 2 trường hợp dẫn đến dương tính với doping gồm cố ý sử dụng và lỡ sử dụng do thiếu kiến thức. Trong đó, trường hợp thứ 2 chiếm nhiều hơn.

"Trường hợp chủ yếu là do thiếu hiểu biết. Có 1 số trường hợp phải dùng nhưng không xin miễn trừ. Ví dụ, VĐV hay HLV của chúng ta đều lờ mờ biết Clorpheramine Maleat (trị cảm cúm) là thuốc cảm bị cấm. Nhưng với Tổ chức phòng, chống doping thế giới thì mục đích bảo vệ sức khỏe cho VĐV là đầu tiên, công bằng trong thể thao là thứ hai. Hắt hơi sổ mũi thì phải dùng thuốc mới khỏi nên người ta có quy định với những trường hợp đặc hiệu với bệnh lí thì có quyền được sử dụng với điều kiện làm đơn xin miễn trừ do điều trị" - bác sĩ Vũ Trọng Hải nói.

Không ít trường hợp do thiếu hiểu biết đã phải nhận án phạt nặng từ Tổ chức phòng, chống doping thế giới. Dẫn chứng về điều này, bác sĩ Vũ Trọng Hải cho biết, trong quá khứ, VĐV Cử tạ Lê Văn Công đã phải nhận án phạt cấm thi đấu 2 năm do dương tính với Betamethasone Glucocorticoid (chống viêm giảm phù nề).

Cụ thể, trước thời điểm diễn ra Giải Vô địch cử tạ dành cho người khuyết tật thế giới 2010, Lê Văn Công bị viêm quanh khớp vai, nếu không sử dụng những chất đặc trị y tế mà chỉ chiếu tia, châm cứu thì không hiệu quả, khó trị dứt điểm.

"Sau 1 tháng điều trị không đỡ, Lê Văn Công vì rất muốn tham dự giải đấu thế giới để đạt chuẩn tham dự Olympic nên đã lặng lẽ ra ngoài tìm một phòng khám. Bác sĩ chỉ dùng 2 mũi tiêm là ổn luôn. Một tháng sau tham dự giải. Lê Văn Công bị kiểm tra và cho kết quả dương tính. Trường hợp đó khiến tôi rất tiếc do thiếu hiểu biết. Nếu anh Công hay HLV, giám sát biết cặn kẽ hơn về doping thì có thể đưa VĐV tới cơ sở y tế điều trị và chắc chắn được phép dùng thuốc vì có chấn thương rõ ràng" - bác sĩ Vũ Trọng Hải chia sẻ.

Nâng cao kiến thức cho VĐV, HLV

Trong thời gian vừa qua, nhằm nâng cao kiến thức của VĐV về doping, Trung tâm Doping và Y học Thể thao VN (VADA) đã mở nhiều lớp giảng dạy, tuyên truyền tại các Trung tâm HLTTQG, đồng thời triển khai tại các Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT của các địa phương hàng năm. Tính từ năm 2013 đến nay đã có 19 lớp học được triển khai. Bên cạnh đó, việc cập nhập danh sách các chất cấm mới cũng được VADA thường xuyên đăng tải trên website chính thức.

Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam (VADA) đã mở nhiều lớp giảng dạy, tuyên truyền tại các Trung tâm HLTTQG, đồng thời triển khai tại các Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT của các địa phương hàng năm.

Theo đó, định kỳ vào tháng 9 hàng năm, Tổ chức phòng, chống Doping thế giới sẽ gửi thông báo đến các thành viên, đồng thời đăng tải trên website danh sách các chất cấm mới. Các thành viên sẽ có khoảng thời gian khoảng 4 tháng để cập nhật, phổ biến tới HLV, VĐV trước khi danh sách chính thức được áp dụng vào 1/1 năm sau.

"Ngay khi có những thông tin này, chúng tôi lập tức dịch ra tiếng Việt và đưa lên các trang chủ của Trung tâm, đưa vào các cuộc tuyên truyền cho các VĐV, HLV. Đây không chỉ là công tác để chuẩn bị cho các Đại hội thể thao lớn mà còn hình thành nhận thức về tác hại của Doping một cách nghiêm túc" - ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Trung tâm VADA cho biết.

Trong năm 2021, thể thao Việt Nam đang đứng trước rất nhiều mục tiêu lớn quốc tế như vòng loại World Cup 2022, AFF Cup, các giải đấu châu Á cạnh tranh vé dự Olympic hay SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại Việt Nam....Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, kiểm soát doping càng cần được nâng cao.

Bên cạnh việc kiểm tra trực tiếp tại giải đấu, VADA còn thường xuyên tiến hành xét nghiệm doping ngẫu nhiên đối với một số VĐV ở thời điểm bất kỳ trong năm. Điều này đòi hỏi các VĐV phải liên tục nâng cao vốn hiểu biết và sự chuyên nghiệp từ trong thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.

"Trong thời gian tới để thúc đẩy hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra doping đối với thể thao Việt Nam. Ngay từ giữa năm 2020, VADA đã tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác tuyên truyền phòng, chống doping cũng như công tác kiểm tra doping tại các giải vô địch quốc gia trong năm 2021" - ông Nguyễn Văn Phú chia sẻ thêm.

Trong năm 2021, VADA sẽ tiến hành kiểm tra lấy mẫu khoảng 30 mẫu tại các giải VĐQG, tập trung vào một số môn thể thao hàng đầu tại kỳ SEA Games, ASIAN Games và Olympic...theo phương thức đột xuất, ngẫu nhiên. Các mẫu kiểm tra sẽ được phân tích tại phòng xét nghiệm tiêu chuẩn và được Tổ chức chống Doping thế giới lấy kết quả dựa theo danh mục các chất cấm và phương pháp cấm năm 2021.

Trong suốt thời gian diễn ra giải đấu, tất cả các VĐV tham gia sẽ là đối tượng của chương trình kiểm tra doping do BTC tổ chức tại bất kỳ thời gian, địa điểm nào. Toàn bộ kế hoạch kiểm tra không được báo trước./.

Đăng Huy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/phong-chong-doping-nang-cao-kien-thuc-cho-vdv-tranh-di-vao-vet-xe-do-20210223160436067.htm