Để bơi lặn... hái 'trái ngọt'

Sau giải đấu 'trắng tay' ngay ở sân nhà, bơi lặn Huế đang hướng đến những tấm huy chương tại Giải bơi lặn vô địch các CLB quốc gia 2024 vào tháng 9 tới. Thực tế cho thấy, muốn có được 'trái ngọt', bơi lặn Thừa Thiên Huế phải có những đầu tư thỏa đáng.

 Tập luyện vào mùa đông là nỗi lo của bộ môn bơi lặn Thừa Thiên Huế

Tập luyện vào mùa đông là nỗi lo của bộ môn bơi lặn Thừa Thiên Huế

Cọ xát và học hỏi là chính

Thành phố Huế nhiều năm qua vẫn là điểm đến của các vận động viên (VĐV) bơi lặn. Mới đây thôi là Giải bơi lặn vô địch Quốc gia bể 25m năm 2024. Đây là giải đấu thu hút sự tham gia của hơn 230 VĐV nam, nữ môn bơi, lặn đến từ 23 đơn vị trong cả nước. Các VĐV tham gia thi đấu tranh tài 71 bộ huy chương; trong đó môn lặn 26 bộ huy chương và môn bơi 45 bộ huy chương.

Sự góp mặt của lực lượng VĐV cho thấy, đây là giải đấu thể thao thành tích cao trong hệ thống giải quốc gia, thu hút sự tham gia của các VĐV xuất sắc như Nguyễn Hữu Kim Sơn (Đà Nẵng), Võ Thị Mỹ Tiên (Long An), Phạm Thị Vân (Thanh Hóa), Nguyễn Diệp Phương Trâm và Trần Duy Khôi (TP. Hồ Chí Minh)… Chính ông Bùi Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cũng rất kỳ vọng cho rằng, giải đấu nhằm đánh giá công tác đào tạo VĐV tại các địa phương, các ngành; qua đó có hướng tập trung đầu tư, bồi dưỡng các VĐV tuyển quốc gia tham dự các giải khu vực và quốc tế.

Là chủ nhà, Thừa Thiên Huế cũng đã cử một lực lượng VĐV tham dự khá đông đảo nhưng cũng như mọi khi, theo HLV Trần Ngọc Vương, chỉ thi đấu cọ xát và học hỏi kinh nghiệm là chính do quân mình trẻ quá. Kết quả, không có tấm huy chương nào dành cho chủ nhà tại Giải bơi lặn vô địch Quốc gia bể 25m năm 2024. Nhìn về tương lai, đội tuyển bơi lặn Thừa Thiên Huế không còn cách nào khác ngoài trông chờ vào sự trưởng thành và tạo đột phá, bất ngờ từ những VĐV trẻ.

Chờ tới tháng 9

Với kết quả tại Giải bơi lặn vô địch Quốc gia bể 25m năm 2024 như điều đã được báo trước, nhiệm vụ của Ban huấn luyện bộ môn cùng tất cả toàn thể VĐV bơi lặn tỉnh lúc này là tập trung tích cực tập luyện chuẩn bị tham gia thi đấu Giải bơi lặn vô địch các câu lạc bộ (CLB) quốc gia vào tháng 9 tới.

HLV Trần Ngọc Vương không giấu giếm mục tiêu tại giải đấu được đánh giá là vừa tầm này của bơi lặn Thừa Thiên Huế với một bộ huy chương. Cơ sở để HLV Vương tự tin là bơi lặn Thừa Thiên Huế hiện có một lực lượng VĐV trẻ khá tốt và đầy triển vọng, như Phạm Tuấn Anh, Nguyễn Thị Lài, Phạm Trần Mỹ Hân (môn bơi) và Trần Thị Nhâm, Hoàng Thị Trà My, Võ Minh Nhật (môn lặn). Trong số này, đáng kể nhất là VĐV trẻ Võ Minh Nhật. Tại Giải bơi lặn vô địch các Câu lạc bộ quốc gia năm 2022, Võ Minh Nhật thi đấu nhóm tuổi 12 - 13 và đã đoạt 3 HCB ở các nội dung 100m - 200m chân vịt đôi và 100m vòi hơi chân vịt.

Lại nữa, tại giải đấu này, tuyển bơi lặn Thừa Thiên Huế tự tin tham gia thi đấu ở nhiều nội dung. Nói về bơi có bơi tự do (50m, 100m, 200m, 400m và 800m), bơi bướm, bơi ngửa, bơi ếch (đều tham gia các nội dung 50m, 100m và 200m). Về môn lặn, tham gia thi đấu các nội dung chân vịt đôi (50m, 100m, 200m và 400m) và vòi hơi chân vịt (50m nín thở). Thông qua giải lần này để đánh giá sự phát triển về chuyên môn của VĐV đặc biệt là đối với các VĐV trẻ tuổi, từ 10 tuổi đến 18 tuổi.

Nỗi lo mùa đông tới

Cũng với những gương mặt đầy triển vọng kể trên, bơi lặn Thừa Thiên Huế đã giành được 8 HCV, 11 HCB và 14 HCĐ tại Giải bơi lặn vô địch các CLB quốc gia năm 2023. Mục tiêu huy chương đã được đặt ra tại Giải bơi lặn vô địch các CLB quốc gia 2024. Thế nhưng, bơi lặn Thừa Thiên Huế không khỏi “chạnh lòng”. Phải tranh chấp với một số tỉnh rất mạnh như Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng. Trong khi các địa phương này đang đầu tư cho VĐV đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài để nâng cao trình độ thì VĐV bơi lặn vẫn đang chỉ biết… thầy trò “đóng cửa dạy nhau” và tập “chay”, dễ gây nên tâm lý nhàm chán, khó có thể giỏi lên được.

Nhìn về tương lai, bơi lặn Thừa Thiên Huế được đánh giá là giàu tiềm năng bởi có sông Hương, hệ thống sông, đầm phong phú và cùng với đó là phong trào bơi lặn phát triển rộng khắp. Để chuẩn bị cho chiến lược dài hơi, Ban huấn luyện bộ môn đang tích cực triển khai công tác tuyển chọn VĐV nghiệp dư tại Quảng Điền, Phú Vang và tập trung vào các trường tiểu học trên địa bàn hai huyện nói trên. Đối tượng tập trung tuyển chọn ở các nhóm lớp 3, 4 và 5 để đào tạo huấn luyện, bổ sung vào lực lượng VĐV trẻ chuẩn bị cho các giải trong các năm tới.

Thể thao nói chung và bơi lặn nói riêng muốn chuyên nghiệp và thành tích cao đòi hỏi phải được tập luyện bài bản, có thầy giỏi, cơ sở vật chất tốt, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và còn nữa cần được luyện tập và thi đấu liên tục. Theo ông Trần Văn Vương, thời tiết ở Huế từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm mưa lạnh, không có bể nước nóng nên các em chỉ phải tập thể lực trên cạn. Máy nước nóng bể 25m trong nhà sẽ giúp cho VĐV tập luyện vào mùa đông được liên tục. Do thế, đây vẫn là mong mỏi thiết thực của bộ môn bơi lặn Thừa Thiên Huế, cho dù bây giờ đang mới… vào hè.

Bá Trí

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-thao/de-boi-lan-hai-trai-ngot-140970.html