Phòng, chống cháy nổ ở cửa hàng karaoke: Đụng đâu vướng đó

Đầu tư tiền tỷ cho mỗi quán kinh doanh karaoke đang trở thành gánh nặng cho các chủ kinh doanh.

Chính vì vậy, nhiều chủ cửa hàng karaoke đã phớt lờ quy định, coi nhẹ tính mạng khách hàng.

“Bà hỏa” luôn tiềm ẩn

Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn TP có đến hơn 10 vụ hỏa hoạn tại các cửa hàng kinh doanh karaoke. Theo thông tin từ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP Hà Nội, ngày 24/1, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại cơ sở karaoke Tứ Hải ở 282 Đê La Thành (quận Đống Đa). Vị trí xảy cháy được xác định từ tầng 2 của cơ sở karaoke cao 5 tầng có diện tích mặt bằng khoảng trên 60m2. Chỉ sau ít phút, lửa và khói đen nhanh chóng bốc cao và lan nhanh lên toàn bộ các tầng phía trên. Hoặc ngày 23/5, cơ sở karaoke PRO tại thôn Thượng Thụy (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) bốc cháy dữ dội từ khu vực hành lang tầng 3. Chỉ trong thời gian ngắn, đám cháy đã bao trùm toàn bộ tầng 3 và lan lên tầng 4 của căn nhà.

Đoàn Thanh tra liên ngành của TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ tại cửa hàng karaoke Royal Club (31 Nguyễn Khang). Ảnh: Linh Anh

Đỉnh điểm cuối tháng 8 và đầu tháng 9, xảy ra 2 vụ cháy gây hoang mang dư luận. Vụ thứ nhất ở 157 Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân) và vụ thứ hai là quán karaoke Gold tại 85 Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy). Ngọn lửa bùng lên và nhanh chóng thiêu rụi toàn bộ cơ sở kinh doanh 8 tầng, chưa kể đám cháy đã khiến nhân viên và khách hàng được phen hoảng loạn. Cho dù TP Hà Nội đang siết chặt những quy định phòng chống cháy nổ ở loại hình kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường nhưng những bất ổn cháy nổ luôn rình rập. Không có tháng nào không xảy ra những vụ cháy lớn.

Đầu tư tiền tỷ nên dễ bỏ qua

"Hơn một năm trước, cơ sở kinh doanh 5 tầng này đã bị thiêu rụi vì hỏa hoạn từ số nhà 29 Nguyễn Khang lan sang. Sau hỏa hoạn, chúng tôi thiệt hại hết 6 tỷ đồng. Hiện nay, chúng tôi cải tạo và nâng cấp quán, nhưng đồng thời cũng chú tâm đầu tư cho PCCC để tránh thiệt hại lần hai” – anh Phạm Hoàng Hải – chủ kinh doanh quán karaoke Royal Club (31 Nguyễn Khang) cho biết. Tổng số tiền đầu tư cho quán khoảng 6 tỷ đồng, thì riêng việc lắp trang thiết bị chữa cháy đã lên đến gần 1 tỷ đồng. “PCCC chỉ là một trong các phần việc của quán. Hơn nữa, khoản đầu tư này không hỗ trợ vào mục đích hút khách và là chỉ đảm bảo an toàn nên cũng thấy tiếc của. Tuy nhiên, vì tránh thiệt hại toàn bộ tài sản lần 2 và để đảm bảo an toàn cho khách nên chúng tôi chấp hành” – anh Hải nhấn mạnh. Một cán bộ Đội PCCC số 3 chia sẻ thông tin: Đầu tư khoan giếng ngầm đảm bảo cung cấp nguồn nước chữa cháy cho cửa hàng cũng phải lên đến 500 - 600 triệu đồng, chưa kể trang thiết bị còi báo động, hệ thống phun nước tự động khi có khói… cũng khá đắt đỏ.

Chính vì đầu tư cho công tác PCCC rất tốn kém nên nhiều cơ sở kinh doanh phớt lờ quy định. Trong tháng 10/2016, khảo sát một số cơ sở kinh doanh ở quận Tây Hồ, Long Biên, Cầu Giấy…, cán bộ đoàn thanh tra liên ngành cấp TP nhận thấy hầu hết các cơ sở mới đảm bảo PCCC theo quy định cũ. Nghĩa là từ năm 2015, sau khi xảy ra rất nhiều vụ hỏa hoạn với loại hình kinh doanh karaoke, Công an TP Hà Nội đã đưa ra những quy định ngặt nghèo hơn trong công tác PCCC, các cơ sở kinh doanh đã tồn tại trước năm 2015 có 12 tháng để hoàn thiện theo quy định mới nhưng cũng không mấy đơn vị thực hiện được. Điển hình, kiểm tra cơ sở kinh doanh lâu năm mang tên Karaoke Palece 135 Nghi Tàm, đội thanh tra liên ngành nhận định cơ sở thiếu rất nhiều trang thiết bị chữa cháy, lối thoát hiểm thứ 2 cũng chưa đúng quy cách, cho dù cơ sở này có diện tích rộng hàng trăm mét vuông.

Không chỉ ở quận Tây Hồ, mà ở các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… tồn tại rất nhiều cửa hàng karaoke núp bóng kinh doanh nhà hàng. Theo ông Quách Tuấn Anh - PA83, Công an TP Hà Nội: “Với các cơ sở kinh doanh karaoke phục vụ người nước ngoài, phần lớn chủ cơ sở là nữ, am hiểu về PCCC còn hạn chế, các trang thiết bị của cơ sở chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch không được kiểm định, lượng tiếp viên người Việt đông, hình thức hoạt động chủ yếu về đêm… nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ về hỏa hoạn rất lớn”. Những khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện PCCC ở các cơ sở kinh doanh karaoke khiến công tác quản lý hoạt động nhạy cảm này trở nên lúng túng.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phong-chong-chay-no-o-cua-hang-karaoke-dung-dau-vuong-do-271732.html