Phòng chống biến chứng bàn chân do bệnh đái tháo đường

Biến chứng bàn chân Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đoạn chi mà không do chấn thương. Theo ước tính, trên thế giới, cứ 20 giây sẽ có một người bị đoạn chi do ĐTĐ.

Khám sức khỏe định kỳ phòng ngừa bệnh đái tháo đường tại BV quận 2 TPHCM.

ĐTĐ là một bệnh mạn tính không lây, đang ngày một gia tăng trên toàn thế giới. Bệnh thường tiến triển âm thầm và dẫn đến các biến chứng mạn tính trong nhiều năm sau đó. Theo số liệu của Liên đoàn ĐTĐ thế giới (IDF), tính đến năm 2015, trên toàn thế giới có khoảng 415 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Ước tính đến năm 2040, trên thế giới sẽ có 642 triệu người bị ĐTĐ.

Biến chứng bàn chân ĐTĐ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đoạn chi mà không do chấn thương. Theo ước tính, trên thế giới, cứ 20 giây sẽ có một người bị đoạn chi do ĐTĐ. Biến chứng bàn chân ĐTĐ làm gia tăng chi phí chăm sóc và điều trị cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ biến chứng bàn chân ĐTĐ dao động trong khoảng 1% - 10%, tùy theo từng quốc gia và thường gặp nhiều hơn ở những nước đang phát triển, có điều kiện kinh tế - xã hội kém. Có những nơi ghi nhận tỷ lệ này lên đến 20%. Đáng chú ý, trung bình khoảng 50% người bệnh có biến chứng bàn chân ĐTĐ cần phải nhập viện và 20% trong số đó cần phải đoạn chi để điều trị bệnh. Người bệnh ĐTĐ lâu năm nếu không được kiểm soát tốt, đường huyết tăng cao thường xuyên sẽ dẫn đến biến chứng trên động mạch ngoại biên và thần kinh ngoại biên. Từ đó, bàn chân dễ bị tổn thương và nhiễm trùng gây nên biến chứng bàn chân ĐTĐ.

Những triệu chứng cần điều trị gấp của bệnh nhân đái tháo đường.

Việc chăm sóc bàn chân ĐTĐ là rất quan trọng trong điều trị ĐTĐ. Người bệnh cần được thăm khám, đánh giá tầm soát biến chứng bàn chân ĐTĐ định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là người bệnh cần biết cách tự chăm sóc và phát hiện sớm các biến chứng trên bàn chân của mình. Bên cạnh đó, người bệnh cần giữ một chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý để giúp kiểm soát đường huyết ổn định. Cụ thể, người bệnh cần rửa sạch và quan sát bàn chân mình mỗi ngày trước khi đi ngủ; mang giày dép thích hợp, không đi chân đất ngay cả khi đi trong nhà; trước khi mang giày cần xem có vật nhọn gì trong giày hay không; móng chân nên cắt ngang, không nên cắt khóe; tuyệt đối không ngâm chân trong nước nóng hay nước muối; phải đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi có bất thường...

Bác sĩ TRẦN MINH TRIẾT - Phân khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/phong-chong-bien-chung-ban-chan-do-benh-dai-thao-duong-456247.html