Phổ Yên siết chặt quản lý đường thủy nội địa

TP. Phổ Yên hiện có cảng Đa Phúc và 5 bến đò ngang hoạt động. Thời gian qua, thành phố tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa.

Chủ các bến thủy nội địa hoạt động tại cảng Đa Phúc đều ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa với Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên.

Với 2 tuyến vận tải quan trọng, một tuyến nối với Hải Phòng và một tuyến nối với Hòn Gai (Quảng Ninh), cảng Đa Phúc (nằm trên địa bàn phường Thuận Thành) là điểm trung chuyển, lưu thông hàng hóa quan trọng của tỉnh Thái Nguyên, với 12 bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện trong quá trình vận hành, cùng với thông tin thường xuyên, kịp thời tình hình luồng lạch, khí hậu, thủy văn cho chủ các phương tiện, từ năm 2023 đến hết tháng 3-2024, Cảng vụ ĐTNĐ Thái Nguyên đã tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật giao thông ĐTNĐ với gần 200 chủ bến, chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp vận tải, thuyền trưởng; ký cam kết phối hợp trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn với 20 chủ bến bãi. Đơn vị cũng đã kiểm tra 337 phương tiện, qua đó phát hiện và xử phạt vi phạm 1 chủ phương tiện với số tiền 7,5 triệu đồng; làm thủ tục cho 1.669 lượt phương tiện, thông qua hơn 2,1 triệu tấn hàng hóa.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Chủ bến thủy nội địa TN 38, cho biết: Đơn vị có diện tích bến bãi hơn 4.000m2, chuyên tập kết, vận chuyển dăm gỗ đi cảng Cái Lân. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, toàn bộ lái xe tải, chủ tàu thuyền đều phải ký cam kết với doanh nghiệp về việc đảm bảo an toàn. Trước khi xuất bến, các tàu thuyền được kiểm tra kỹ lưỡng, che chắn cẩn thận và trang bị đầy đủ các dụng cụ nổi, phao cứu sinh, hệ thống phòng cháy, chữa cháy...

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng Phòng Quản lý đô thị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông TP. Phổ Yên, thông tin: Hoạt động ĐTNĐ của TP. Phổ Yên chủ yếu trên sông Cầu và sông Công. Xác định việc đảm bảo an toàn giao thông trong lĩnh vực này là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nên công tác tuyên truyền được thành phố tập trung đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Trong 5 năm gần đây, Ban An toàn giao thông thành phố đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông xây dựng trên 100 tin, bài phát trên các phương tiện thông tin đại chúng; cấp phát 10.000 tờ rơi, căng treo 30 băng zôn, pano, áp phích tuyên truyền về lĩnh vực giao thông đường thủy; cấp phát trên 500 dụng cụ nổi, phao cứu sinh cho các chủ phương tiện để đảm bảo an toàn. Thành phố cũng đã phối hợp hướng dẫn các xã, phường cấp phép hoạt động cho các bến đò, bến tàu theo quy định; hướng dẫn chi tiết, cụ thể trình tự, thủ tục đăng ký, đăng kiểm đối với các chủ phương tiện, người lái; giới thiệu những chương trình đào tạo chứng chỉ chuyên môn cho người lái phương tiện…

Cán bộ Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn trước khi rời bến của tàu BN-1332, tại cảng Đa Phúc.

Hằng năm, UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố thường xuyên phối hợp tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn, không mặc áo phao, vi phạm nồng độ cồn, phương tiện chở quá số người quy định.

Lực lượng chức năng cũng tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở và kiểm tra các điểm khai thác cát, sỏi lòng sông; giải tỏa các bến bãi tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng không nằm trong quy hoạch; đình chỉ các bến đò ngang hoạt động trái phép…

Theo đại diện chủ bến đò Thù Lâm, ở phường Tiên Phong: Hằng ngày có rất nhiều người qua lại, lưu thông hàng hóa qua bến đò này. Để đảm bảo an toàn, chủ đò không chở hàng hóa, hành khách quá tải trọng cho phép; thường xuyên trang bị, nhắc nhở mọi người mặc áo phao đầy đủ khi đi đò; bến đò không hoạt động khi điều kiện thời tiết bất lợi.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tình hình giao thông ĐTNĐ trên địa bàn TP. Phổ Yên thời gian qua được đảm bảo, không xảy ra các vụ tai nạn, sự cố nghiêm trọng.

Tuy nhiên, do đặc điểm các tuyến sông, ngòi còn nhỏ hẹp, chưa được đầu tư xây dựng công trình phụ trợ, bến bãi phục vụ hoạt động vận tải, nên công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, hoạt động vận tải ĐTNĐ còn mang tính tự phát, tình trạng người dân sử dụng thuyền dân sinh đi chợ, đi làm đồng, đánh bắt thủy sản trên sông, chưa qua đào tạo, hướng dẫn an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông…

Từ thực tế trên, cùng với tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông ĐTNĐ, thành phố đề nghị cấp trên quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn địa phương khảo sát luồng tuyến; thiết kế, xây dựng bến thủy nội địa phù hợp. Đồng thời hỗ trợ công tác đào tạo, cấp chứng chỉ cho người điều khiển phương tiện đường thủy…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/atgt/202404/pho-yen-siet-chat-quan-ly-duong-thuy-noi-dia-8b22568/