Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Cần có lộ trình cụ thể để đồng bộ các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế mới

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các mô hình kinh tế mới hiện đã có định hướng và chính sách hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực song còn chậm trong triển khai. Nguồn lực từ ngân sách để phát triển khoa học công nghệ chưa đạt kỳ vọng và chính sách phát triển nhân lực số còn nhiều điều đáng bàn…...

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Việt Dũng

Chiều 6/10/2023 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy –Vietnam Economic Times và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đồng phối hợp chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023 (Vietnam New Economy Forum 2023) với chủ đề “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cao các diễn đàn do Vneconomy tổ chức, đặc biệt Kinh tế mới 2023 là diễn đàn sáng tạo và bao phủ nhiều nội dung có liên quan đến các vấn đề từ ngắn hạn, đến trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

Diễn đàn lần này đề cập nhiều vấn đề mới như kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm và kinh tế dữ liệu.

“Đây là những vấn đề mà Việt Nam đang rất quan tâm nhằm tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới”, ông Hiển nhấn mạnh.

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế mới đã được Chính phủ đề cập trong nhiều văn bản, nghị quyết, chính sách quan trọng của Việt Nam.

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021 - 2030) Việt Nam đã xác định quan điểm là phải đổi mới tư duy hành động, chủ động và nắm bắt kịp thời hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để gắn với quá trình hồi nhập quốc tế. Qua đó, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng cạnh tranh của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã có những định hướng chủ trương quan trọng như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại đây, đã xác định kinh tế số là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh đó là nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, chính phủ điện tử.

Dù vậy, báo cáo nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, kinh tế số Việt Nam trong năm 2022 ước khoảng 14,26% trong tổng GDP, mục tiêu nền kinh tế số đạt 30% trong tổng GDP của Việt Nam là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu lớn, với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đòi hỏi Việt Nam phải chuyển dịch nhiều ngành kinh tế.

“Diễn đàn có mức độ bao phủ lớn và mạnh mẽ đối với các cơ quan hoạch định chính sách, bởi vì hiện nay Việt Nam đã có nhiều định hướng chủ trương trong các ngành kinh tế nhưng vấn đề nhìn nhận tổng thể để gắn kết, đồng bộ vẫn chưa thực sự tiếp cận thực tế”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.

Việc lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tại diễn đàn sẽ tạo ra lộ trình thực hiện các chủ trương để thực hiện các kế hoạch một cách phù hợp và đi vào thực tế.

Thứ nhất, việc gắn kết các kế hoạch, chủ trương về các nên kinh tế mới một cách đồng bộ. Đưa ra những lộ trình thực hiện cụ thể để tránh việc chồng chéo về chính sách, bám sát với thực tiễn nền kinh tế.

“Các chính sách tại nhiều lĩnh vực mặc dù đã được ban hành nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của doanh nghiệp, để thúc phát triển kinh tế các yêu cầu về thể chế vẫn là vấn đề cần hoàn thiện”, ông Hiển nói.

Thứ hai, liên quan đến kinh tế mới là vấn đề khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ chi từ ngân sách cho nghiên cứu phát triển phải đạt mức bình quân của 3 nước đứng đầu ASEAN. Tuy nhiên đến năm 2019, khoa học công nghệ nước ta chỉ đạt 0,53% trong tổng GDP.

Việc đầu tư ngân sách và cơ chế để thúc đẩy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo vẫn còn gặp nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ về cơ chế đặt hàng nguồn nhân lực mới trong 6 ngành công nghiệp nền tảng; trong đó có ngành công nghệ số. “Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực trong các ngành liên quan đến phát triển kinh tế mới”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết thêm.

Thứ ba, thông qua diễn đàn, các chuyên gia doanh nghiệp sẽ cùng trao đổi, chia sẻ các mô hình, cách làm mới trong sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy các nền kinh tế mới phát triển.

Thứ tư, lễ trao giải và vinh danh các doanh nghiệp tại Diễn đàn sẽ tạo động lực và sự lan tỏa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế mới trong tương lai.

Vân Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/pho-truong-ban-kinh-te-trung-uong-can-co-lo-trinh-cu-the-de-dong-bo-cac-chinh-sach-thuc-day-phat-trien-kinh-te-moi.htm