Phố trong làng ở Cẩm Vịnh

Trong những năm gần đây, đời sống nhân dân xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh không ngừng được nâng lên. Miền quê Cẩm Vịnh khó khăn ngày nào đã thay da đổi thịt, trở thành những con phố trong làng. Đó chính là kết quả của sức mạnh đoàn kết, sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Vịnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020, khi người dân xã Cẩm Vịnh đang ra sức phấn đấu về đích các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, trận lũ lịch sử vào những ngày cuối tháng 10 đã làm cho cuộc sống người dân điêu đứng. Nhiều ngôi nhà bị ngập sâu, lúa gạo dự trữ chìm trong lũ, gia súc, gia cầm bị trôi dạt theo dòng nước. Cuộc sống của nhiều người dân tưởng chừng sẽ rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Thế nhưng khi dòng nước lũ rút, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã bắt tay vào khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Càng trong gian khó, tình làng nghĩa xóm lại càng thêm sâu đậm. Bên cạnh tự khắc phục hậu quả lũ lụt, các gia đình còn giúp nhau dọn dẹp, chỉnh trang lại nhà cửa, vườn tược. Với phương châm gia đình bị thiệt hại ít giúp gia đình bị thiệt hại nhiều, các gia đình trong từng tổ liên gia, từng thôn, xóm đã nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất. Nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, quy hoạch lại việc sản xuất, chăn nuôi.

Đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp ở xã Cẩm Vịnh.

Trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Xuân ở thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh là một trong những điển hình vượt khó vươn lên, trở thành hình mẫu của xã Cẩm Vịnh trong thực hiện mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”. Nhờ mô hình sản xuất “vườn, ao, chuồng” cùng với chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải khép kín nên đã không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Hiện nay, thu nhập của gia đình chị Xuân khoảng 70 triệu đồng/năm, được các đơn vị tham quan, học hỏi. Chị Nguyễn Thị Xuân chia sẻ: “Để có được kết quả như hôm nay, tôi phải cảm ơn sự giúp đỡ của các hội, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhờ được sự hỗ trợ về nguồn vốn và kỹ thuật canh tác, gia đình tôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi, trồng trọt và đạt thành quả như hôm nay”.

Những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, đi một vòng quanh xã Cẩm Vịnh là hình ảnh những con đường bê tông, nhựa hóa chạy dài tít tắp. Cây cối hai bên đường tốt tươi, đâm chồi, nảy lộc. Những ngôi nhà khang trang, bề thế xuất hiện ngày một nhiều. Cờ Tổ quốc treo trước mỗi nhà dân tung bay trước gió càng làm cho không khí của một miền quê thêm phần rộn ràng. Tại lễ chào cờ đầu năm mới 2023 diễn ra ở nhà văn hóa thôn Ngụ Phúc, xã Cẩm Vịnh, ông Biện Văn Tỷ, Trưởng thôn phấn khởi thông báo với bà con về kết quả đạt được của thôn trong năm 2022. Bằng sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chi bộ thôn, cùng với sự gương mẫu, đi đầu của các đảng viên đã tạo nên một phong trào xây dựng nông thôn mới mạnh mẽ, lan tỏa tới từng hộ gia đình. Nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao đã vượt chỉ tiêu đề ra. Ông Biện Văn Tỷ phấn khởi nói: “Trong năm 2022, thôn Ngụ Phúc có 13 căn nhà được xây mới với kinh phí xây dựng mỗi căn hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ luôn được người dân quan tâm, tham gia với số lượng đông đảo. Qua đó cho thấy chất lượng đời sống người dân trong thôn đã không ngừng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Cẩm Vịnh đạt 51,75 triệu đồng. Để tạo đà vững chắc cho phát triển kinh tế địa phương, Đảng ủy, UBND xã Cẩm Vịnh chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, xã xây dựng các mô hình kinh tế đa giá trị như “trải nghiệm nông thôn mới” gắn với thương mại, dịch vụ, giới thiệu các sản phẩm của địa phương và liên kết với Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh mở rộng khu trồng dược liệu trên địa bàn.

Bài và ảnh: BIỆN CƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/pho-trong-lang-o-cam-vinh-718045